Táo bón ở trẻ em

30/12/2009 10:51 GMT+7

(TNTT>) Táo bón là một rối loạn tiêu hóa phổ biến, nguyên nhân chủ yếu là chế độ ăn không hợp lý và thiếu vận động.

Triệu chứng của táo bón là đi tiêu ít hơn 3 lần trong tuần với phân khô và cứng. Trẻ nhỏ bị táo bón thường do được nuôi dưỡng toàn bằng cơm, thịt, cá, trứng… và ít ăn rau, trái cây, hoặc chỉ ăn “nước” mà không ăn “cái”. Nhiều khi còn là do cơ thể bé không được cung cấp đủ lượng nước cần thiết. Trẻ em lại thường mải chơi quên cả uống nước trong khi lại mất rất nhiều nước qua mồ hôi do hoạt động. Trẻ em dưới 10 tuổi bị táo bón một phần cũng là do cha mẹ hay ông bà chăm chắm chuyện "đi cầu" của chúng, vì vậy làm chúng mắc cỡ mà nhịn dẫn đến táo bón.

Khi nào nên đưa trẻ đi khám?

Bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ nếu có một trong những dấu hiệu sau:

• Bón nhiều và kéo dài trên 3 tuần.

• Bón xen kẽ với tiêu chảy.

• Đau nhiều vùng hậu môn khi đi tiêu.

• Trĩ.

• Nứt hậu môn.

• Sa trực tràng, tiêu ra máu hay có chảy máu vùng hậu môn.

• Nôn nhiều lần kèm với bón và đau bụng.

• Có các dấu hiệu khác: mệt mỏi, sợ lạnh, sụt cân, chán ăn, sốt, tiêu ra máu...

Khi chữa trị táo bón, chúng ta cần tìm hiểu rõ nguyên nhân phát sinh táo bón để chữa trị tận gốc. Chẳng hạn như chứng táo bón do tác dụng phụ của các loại thuốc giảm đau, thuốc chống co thắt gây ra thì chỉ cần ngưng điều trị những thuốc này, chứng táo bón sẽ tự hết dần. Đối với táo bón do khối u ruột cần phải phẫu thuật loại trừ khối u thì mới chữa trị dứt chứng táo bón. Táo bón do ăn ít chất xơ, nhịn đi cầu, uống ít nước… cần phải thay đổi cách sinh hoạt, thay đổi chế độ ăn, uống đủ nước, tập luyện thể dục thể thao, tạo thói quen đi cầu đều đặn... Việc thay đổi thói quen thật ra chẳng dễ dàng chút nào và chính vì thế cần kiên trì rèn luyện, theo đuổi việc chữa trị, không nên  nóng lòng.

Để tránh táo bón

Để trẻ em có được những thói quen tốt tránh táo bón phải xuất phát từ quyết tâm của cha mẹ. Muốn trẻ ăn nhiều rau, trái cây, ăn cả phần xác… đòi hỏi cha mẹ phải chế biến món ăn cho trẻ phù hợp, kiên trì tập cho trẻ ăn và bản thân mình phải có ý thức thực hiện tốt những thói quen này để cho trẻ làm theo.

Phụ huynh cũng cần phải giảng giải và kiên tâm chỉ bảo để trẻ đi cầu hằng ngày. Nhắc nhở trẻ uống nước thường xuyên vì khi mải chơi, bé thường nhịn khát và nhịn cả đi cầu.

Xoa bụng để kích thích nhu động ruột cũng là một cách tránh táo bón đặc biệt đối với trẻ nhỏ thường giảm nhu động ruột. Xoa bụng tốt nhất là thực hiện vào giữa các bữa ăn khi trẻ không quá no mà cũng không quá đói. Chà xát hai tay cho ấm và xoa bụng trẻ theo chiều từ phải vòng qua trên rốn sang bên trái. Một ngày nên làm như vậy hai lần, mỗi lần từ 3 – 5 phút để giúp kích thích nhu động ruột. Các loại nước trái cây, nước rau, canh súp lỏng cũng là nguồn cung cấp nước rất tốt cho cơ thể.

Chất xơ thực phẩm có nhiều trong nguồn thực vật, đặc biệt trong trái cây, rau, ngũ cốc nguyên cám, các hạt họ đậu.  Mặc dù xơ thực phẩm không trực tiếp cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng nhưng lại thực hiện rất nhiều chức năng sinh học, đặc biệt là chức năng nhuận trường có tác dụng phòng ngừa táo bón.

Một số thực phẩm thông thường có tác dụng nhuận trường:

Các loại rau: Rau đay, mồng tơi, rau khoai lang, rau sam, rau má, rau cải trắng, rau cần, rau chân vịt, rau càng cua, lá sâm mồng tơi, khổ qua, đậu bắp, giá đỗ…

Trái cây: Đu đủ, thanh long, bưởi, cam quít, chuối, thơm, táo, lê…

Củ quả: Củ cải trắng, bí đỏ, dưa leo, khoai lang nghệ, khoai tây cả vỏ, khoai mỡ…

Ngũ cốc, đậu đỗ: Mè, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen cả vỏ, gạo lức…

Các loại khác: Hạt é, rau câu, sương sâm, sương sáo, đậu ma…

BS. Đào Thị Yến Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.