Năm 2007: Học phí tăng từ 4-10 lần?

09/11/2006 16:43 GMT+7

Theo dự thảo đề án học phí (HP) trong các cơ sở giáo dục quốc dân mới được Bộ GD-ĐT soạn thảo, HP sẽ tăng ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo từ năm 2007.

Cần thiết phải tăng?

Bộ GD-ĐT tính toán mỗi năm học, bình quân một học sinh, sinh viên (HSSV) của mỗi cấp học cần chi phí như sau: mầm non: 3,8 triệu đồng, tiểu học: 2,5 triệu đồng, THCS: 2,8 triệu đồng, THPT: 4 triệu đồng, giáo dục thường xuyên: 1,5 triệu đồng, trung cấp chuyên nghiệp: 6,8 triệu đồng, dạy nghề: 8 triệu đồng, CĐ: 10,4 triệu, ĐH: 12,8 triệu, thạc sĩ: 14 triệu và tiến sĩ: 17 triệu.

Sau khi trừ phần chi từ ngân sách nhà nước bình quân cho mỗi HSSV ở từng cấp học, trình độ đào tạo vùng các khoản thu từ sự nghiệp khác, theo tính toán của Bộ GD-ĐT, khoản thu cần thiết bình quân của mỗi HSSV cho mỗi năm học là: mầm non: 898.000 đồng, tiểu học: 558.000 đồng, THCS: 898.000 đồng, THPT: 1,51 triệu đồng, TCCN: 3,71 triệu đồng, dạy nghề: 5,55 triệu đồng, CĐ: 5,4 triệu đồng, ĐH: 7,8 triệu đồng, thạc sĩ: 11,5 triệu đồng và tiến sĩ 12,5 triệu đồng.

Trên cơ sở những số liệu kể trên, Bộ GD-ĐT có đánh giá “Nếu coi khoản thu cần thiết bình quân trên là HP bình quân HSSV/năm thì so với mức HP hiện hành, mức tăng HP bình quân ở các cấp học và trình độ đào tạo từ THCS đến sau ĐH đều tăng đáng kể từ 4-10 lần”. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT nhận định: “Cần thiết phải điều chỉnh HP theo lộ trình thích hợp”, với hai giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 từ năm 2007-2010, HP sẽ được xác định ở mức từng bước đảm bảo chi phí thường xuyên, tiến tới đủ bù đắp chi phí thường xuyên, đạt chi phí đơn vị hợp lý kể trên theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Giai đoạn 2 từ năm 2010-2020 sẽ ổn định HP, có tích lũy để đầu tư phát triển trường, đạt chi phí đơn vị theo mức chất lượng cơ bản của nhà trường vào năm 2020.

Chất lượng cao, thu học phí cao

Bộ GD-ĐT cho rằng việc sửa đổi chế độ HP cần phải thực hiện đồng thời đúng các mục đích:

Thứ nhất, tăng nguồn lực để các trường, đặc biệt là các trường thuộc khối đào tạo, có thêm điều kiện nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập. Theo Bộ GD-ĐT: “Trong các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục, ngân sách nhà nước vẫn đóng vai trò chủ yếu.

Tuy nhiên trong điều kiện hạn hẹp về tài chính của đất nước, HP là nguồn bổ sung tài chính quan trọng nhất, thể hiện sự chia sẻ chi phí giữa Nhà nước,


Sinh viên sẽ phải đối mặt với bài toán học phí tăng? - ảnh: N.Hùng

xã hội và người học để đạt tới chi phí đơn vị cần thiết, điều kiện cần để bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục”.

Thứ hai, Bộ GD-ĐT cho rằng sửa đổi HP sẽ “thực hiện tốt hơn công bằng trong giáo dục” vì “sửa đổi theo hướng huy động thêm sự đóng góp của các gia đình có điều kiện sẽ được tiến hành đồng thời với việc tăng ngân sách giáo dục, hoàn chỉnh các chính sách hỗ trợ người học và điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách giáo dục theo hướng không phân bổ đồng đều, dàn trải”. Bộ GD-ĐT cho rằng làm như vậy sẽ thực hiện sự bình đẳng về cơ hội học tập trong xã hội và giảm bớt khoảng cách chênh lệch về phát triển giữa các vùng miền.

Thứ ba, chế độ HP mới sẽ tạo động lực để các nơi có điều kiện thuận lợi, các trường trọng điểm nhanh chóng vươn lên đạt trình độ tiên tiến của khu vực, nâng cao tính cạnh tranh trong đào tạo nhân lực, nhân tài cho đất nước trong bối cảnh hội nhập và VN gia nhập WTO.

Chế độ HP mới được Bộ GD-ĐT đề xuất thực hiện theo một số nguyên tắc, trong đó có những nguyên tắc mới, như HP không thu bình quân mà được xác định khác nhau tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường và yêu cầu chất lượng khác nhau của từng chương trình giáo dục. HP cũng phải gắn với chất lượng giáo dục, những cơ sở giáo dục có chất lượng cao được phép thu HP cao. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT xác định nguyên tắc quan trọng: chế độ HP mới phải thực hiện được công bằng, bình đẳng về cơ hội học tập. Không phải chỉ tăng HP mà sẽ bao gồm cả các chính sách và giải pháp hỗ trợ để HSSV không phải bỏ học vì lý do HP.

Đề án đề xuất việc điều chỉnh HP được thực hiện từng bước, không có sự thay đổi đột ngột và phù hợp với khả năng huy động sự đóng góp của xã hội thông qua xã hội hóa giáo dục và khả năng chi trả của người học hoặc gia đình người học. Trong đó, Bộ GD-ĐT có nhấn mạnh: “Không được phép để xảy ra tình trạng HSSV nghèo, con em các gia đình thuộc diện chính sách phải bỏ học mà không có các giải pháp hỗ trợ để giúp đỡ họ khi điều chỉnh HP”.

Sau khi tính toán giữa mức thu nhập bình quân đầu người ước tính của năm 2006 và tỉ lệ đóng góp HP so với thu nhập bình quân đầu người, Bộ GD-ĐT cho rằng có thể lấy mức HP/tháng đối với THCS là 34.000 đồng, THPT: 39.000 đồng, TCCN: 280.000 đồng, dạy nghề: 295.000 đồng, ĐH là 318.000 đồng làm số liệu tham khảo để đề xuất phương án điều chỉnh HP.

Còn đến năm 2010, ước tính khoản thu cần thiết bình quân mỗi HSSV/năm đối với THCS là 544.000 đồng, THPT: 617.000 đồng, TCCN khoảng hơn 4,5 triệu đồng, dạy nghề: hơn 4,7 triệu đồng và ĐH khoảng 5 triệu đồng. Đây sẽ là những căn cứ để xác định mức HP từ nay đến năm 2010.

Theo Thanh Hà/Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.