Chiến công "tề gia" của ông kỹ sư nông học

29/09/2004 21:49 GMT+7

Có lần, tại một quán ăn - bình dân thôi - nhóm thực khách từ Sài Gòn xuống đã phải tròn mắt ngạc nhiên khi trong thực đơn có món "thịt bò xào rau mầm". Đây là một thứ rau khá hiếm, ươm từ một loại hạt cải và chỉ bé tí xíu như cây tăm. Giá của loài rau đỏng đảnh này cũng “ngất ngưởng” và vốn chỉ có mặt trong menu của những khách sạn có... một dãy sao trở lên. Hỏi kỹ mới biết, công đầu trong việc bình dân hóa món ăn quý tộc này thuộc về một cặp vợ chồng và cũng là giảng viên Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT).

Lan man thế nào mà câu chuyện giữa chúng tôi lại đi từ rau đến... tình yêu. Kỹ sư Đinh Công Mười cho biết: "Tôi quen vợ tôi từ thời còn là sinh viên khoa Nông nghiệp Trường ĐHCT (khóa 1976-1981). Hồi đó, tụi tôi lặn lội hết những cánh đồng phèn chua, cỏ cháy đến những vườn cây ăn trái nổi tiếng của miền Tây để nghiên cứu các giống cây, rau, quả... Ai dè, riết rồi phải lòng nhau qua câu hát "Ta yêu nhau trên đồng lúa vàng, ta quen nhau ngày lúa còn xanh...". Nghe ra cũng lãng mạn quá chừng !

Anh Mười xuất thân từ nhà nông "chánh tông" quê Sóc Trăng, còn thạc sĩ Trần Thị Ba là con gái xứ Rạch Gòi, Hậu Giang. Năm 1981, sau khi tốt nghiệp, cả hai được giữ lại làm giảng viên Trường ĐHCT. Năm 1984 đứa con trai đầu lòng Đinh Trần Nguyễn ra đời; thấy cuộc sống chật vật quá anh Mười xin chuyển về làm việc ở Công ty Nông sản xuất khẩu Cần Thơ. Năm 1988, khi anh chị có thêm bé Đinh Trần Công Định, thêm niềm vui cũng là thêm một gánh nặng. Anh Mười nghỉ làm để có thời gian chăm con và cũng để cho vợ an tâm đi tu nghiệp tại Thái Lan. Anh bắt đầu nuôi 1.000 con gà công nghiệp nên nhiều người trong xóm còn gọi anh là "kỹ sư gà". Ngoài ra anh còn đảm trách công việc kỹ thuật của Ban Khuyến nông Cần Thơ. Năm 1994, 1995, chị Ba lại tiếp tục tu nghiệp tại Thái Lan để lấy bằng thạc sĩ. Chị Ba nói rất thật lòng: "Tôi có được học vị như hôm nay là nhờ công của ảnh đó. Mà đâu chỉ lo chuyện nhà, nhiều đề tài nghiên cứu của tôi được ảnh chuyển giao đến tận tay nông dân".

Và quả là khó có cặp vợ chồng nào lại đồng thuận, tương trợ nhau trong nghề nghiệp đến vậy. Trước đây, chị Ba được nhiều nông dân biết đến qua các chương trình Khuyến nông, Nhịp cầu nhà nông phát trực tiếp trên Đài Truyền hình Cần Thơ. Sau khi biết được số điện thoại, địa chỉ, nhiều nông dân ở các tỉnh miền Tây đã tìm đến nhà thạc sĩ Ba để được cả chị và anh Mười hướng dẫn IPM, cách chọn trồng các loại rau màu theo công nghệ sạch, trồng dưa lê, dưa hấu chất lượng cao. Anh Trần Văn Luông - một nông dân ở Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ cho biết: "Chúng tôi xem kỹ sư Mười và thạc sĩ Ba như là sư phụ. Nhờ được chỉ dẫn kỹ thuật mà 3 năm qua chúng tôi khá lên từ dưa lê". Theo anh Mười, hiện nay tại Thới Lai và Long Phú, Sóc Trăng có gần 100 công dưa lê được trồng 2, 3 vụ/năm cho thu nhập gấp 10 lần trồng lúa. Chưa hết, ngoài việc cung cấp giống dưa tốt, kỹ thuật, hai vợ chồng anh còn đứng ra hợp đồng với các siêu thị, nhà hàng ở Cần Thơ, TP.HCM để bán sản phẩm giúp nông dân. Công ty Nông Hữu TP.HCM chuyên cung cấp giống cây cũng đã tìm đến chị Ba - vốn là trưởng nhóm Chương trình nghiên cứu rau sạch, rau thủy canh Trường ĐH Cần Thơ - để hợp tác sản xuất rau, củ, quả sạch chất lượng cao, thông qua mạng lưới nông dân sản xuất giỏi trong vùng. Mới đây anh Mười còn bỏ ra 10 triệu đồng để cử 2 cộng sự của mình ra tận Hà Nội ký hợp đồng với một số chủ vựa, doanh nghiệp trong việc cung cấp dưa lê và dưa hấu giống mới của Mỹ để tìm đường xuất khẩu sang Trung Quốc.

Khi chúng tôi đến nhà cũng là lúc hai cha con anh Mười đang mở vi tính coi hình chị Ba ở Úc mail về, mới biết gần một năm nay chị đi làm luận án tiến sĩ về đề tài "Rau sạch và hữu cơ". Anh Mười cho biết: "Nhớ bả thì mở máy lên coi hình cho đỡ nhớ. Bả tuần nào cũng mail về kể chuyện nghiên cứu bên Úc và hay cằn nhằn tui sao không viết thư gì hết". Tuy anh Mười không nói ra nhưng chị Ba vẫn hiểu ở nhà anh quá bận rộn. Vừa lo cơm nước, cho con đi học thay vợ, lại phải quản lý một cửa hàng phục vụ nông nghiệp. Gần 4 năm nay, cửa hàng của anh chị đã trở thành tụ điểm sinh hoạt, trao đổi thông tin và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau của nhiều nhà nông, nhà vườn và sinh viên hơn là một điểm kinh doanh.

Anh Mười bật mí: "Còn hơn tháng nữa là vợ tôi về nước sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ. Cha con tôi chỉ mong bả về để bả làm cho món "bò nướng rau mầm lót dĩa". Hiện nay, đứa con lớn Đinh Trần Nguyễn đang theo nghiệp cha mẹ - sinh viên năm thứ 2 khoa Trồng trọt ĐHCT. Còn đứa trai út Đinh Trần Công Định, học lớp 11 chuyên toán tin Trường chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ) thì rất giỏi tin học. Một gia đình quá hạnh phúc.

Trương Công Khả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.