Quốc hội thảo luận về Thuế thu nhập cá nhân: Giảm trừ gia cảnh bao nhiêu là đủ ?

03/11/2007 00:28 GMT+7

Hôm qua, các ĐBQH đã họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Mức giảm trừ gia cảnh nên cao hay thấp?

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân (Hải Dương) nói: "Đến năm 2009, luật có hiệu lực, dự báo thu nhập đầu người của chúng ta khoảng 1.100 đô la, bình quân khoảng 1,5 triệu/người/tháng. Như vậy nếu như giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng/người và phụ thuộc là 1,6 triệu (như dự án luật) thì vừa phải, thậm chí quá thấp so với những người có thu nhập cao. Nhưng nó lại là cao so với đa số người dân vào thời điểm đó thu nhập chỉ 1,5 triệu đồng/tháng".

Bộ trưởng Ngân bày tỏ quan điểm: "Như thế, đa số người dân không ai phải nộp thuế này, chỉ một bộ phận ít người có thu nhập cao mới nộp. Tôi cho rằng mức như dự luật đề ra là phù hợp". Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi đề nghị hạ mức giảm trừ xuống thấp hơn để nhiều người nộp  thuế nhưng  thiết kế thêm các mức thuế  suất thấp 2-3% để người dân "làm quen với thuế TNCN".

Phó chủ nhiệm Lương Phan Cừ của ủy ban này cũng đồng quan điểm: nên giảm thấp mức giảm trừ cá nhân và gia cảnh xuống 2 triệu, chung cho cả hai loại, tức là cả về giảm trừ cá nhân và gia cảnh luôn, để cho đỡ phức tạp trong quá trình tính thuế cũng như thu thuế và thiết kế thuế suất thấp hơn. "Với mức thuế suất thấp thì mọi người có thể đóng thuế được và cũng không ảnh hưởng gì tới gia cảnh. Bởi vì theo tính toán của chúng tôi nếu giảm như thế thì với một người có thu nhập 10 triệu đồng thì người ta chỉ phải đóng có 1,6% thu nhập, tức là 160.000 đồng/tháng. Thuế suất nhỏ, người dân sẽ tự giác nộp, nguồn thu sẽ tăng lên, nhờ có hàng chục triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân thường xuyên, chúng ta sẽ có nguồn thu lớn", ông Cừ lập luận.

ĐB Hồ Trọng Ngũ (Ninh Thuận) có ý kiến khác: "Tôi thấy mức giảm trừ gia cảnh như thế rất hú họa và không có cơ sở". ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) nói: "Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên nâng mức giảm trừ này lên 5 triệu (giảm trừ với đối tượng nộp), 2 triệu (với người phụ thuộc) là hợp lý hơn. Hoặc nếu không, quy định mức giảm trừ bằng 10 hay 12 lần lương tối thiểu. Nếu không luật một vài năm lại phải sửa, sửa  quanh năm".

Cổ phiếu ưu đãi có được ưu ái? 

Khoản 11, điều 5 của dự án luật quy định "miễn thuế đối với thu nhập từ cổ tức của người lao động là cổ đông được mua cổ phần ưu đãi trong doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa". 

ĐB chuyên trách Hồ Quốc Dũng (Bình Định) nói: "Bây giờ 1 cổ phiếu hiện hữu người ta thưởng 2 cổ phiếu. Lượng cổ phiếu thưởng cho một cá nhân có thể trị giá hàng trăm triệu đồng. Nếu không tính thuế thì vô lý quá". 

ĐB Đỗ Căn (Hà Nội) đồng tình: "Phải đánh thuế khoản này bởi vì bản thân người lao động là cổ đông của doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa và bản thân người lao động đã được ưu đãi hơn so với các cổ đông bên ngoài, do được mua cổ phiếu với mức giá thấp hơn". "Về bản chất cổ phần của người lao động cũng là khoản vốn do người lao động đầu tư vào doanh nghiệp, nên cổ tức nhận được cũng phải được tính nộp thuế cũng như các nhà đầu tư khác bên ngoài doanh nghiệp. Mặt khác, nếu chỉ đánh thuế đối với cổ đông ngoài công ty dẫn tới trường hợp cổ đông bên ngoài sẽ đầu tư cổ phiếu qua người lao động công ty để lách luật, trốn thuế", ĐB Đỗ Căn phân tích. 

ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nói: "Thuế đối với thu nhập chuyển nhượng bất động sản trong thực tế rất phức tạp. Vì người chuyển nhượng bất động sản từ khi mua bất động sản cho đến khi bán bất động sản có khi một thời gian rất dài không làm thủ tục. Cho nên, giữa giá mua và giá bán nhiều khi cùng một thời điểm rất khó tính toán. Theo tôi nên tính theo cách tính thứ hai trong biểu thuế. Đó là nên tính 2%/giá bán, chứ không nên tính %/mức chênh lệch giữa bán và mua".

Bộ trưởng LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân bình thêm: "Nếu chúng ta miễn thuế cho khoản này sẽ là không công bằng đối với các lao động ở doanh nghiệp khác, không công bằng ngay cả với những cổ đông tại doanh nghiệp này, tôi chưa nói chúng ta vi phạm cam kết của tổ chức WTO. Hơn nữa sẽ bất bình đẳng với những người lao động là công chức, viên chức... khác nhưng không được hưởng cổ phần ưu đãi. Mà tất cả lợi tức này có được từ nguồn vốn tài sản đất đai của Nhà nước giao cho doanh nghiệp Nhà nước chứ không phải bản thân tự có". Bộ trưởng Ngân nói tiếp: "Trong thực tế, báo cáo với QH, có bao nhiêu người lao động có khả năng mua hết số cổ phần ưu đãi, người ta sẽ bán ngay, bán lúa non để mong thu được khoản chênh lệch kha khá đảm bảo cuộc sống. Như thế vô hình trung chúng ta lại miễn thuế cho những người có tiền mua gom hết cổ phần ưu đãi của người lao động". 

Tuy nhiên, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng cho rằng phân tích của các ĐB trên không hợp lý ở chỗ chủ doanh nghiệp tư nhân lại không đóng thuế TNCN (chỉ chịu thuế thu nhập doanh nghiệp - PV). Theo ông Tùng, để công bằng, nếu đánh thuế cổ tức trên cổ phần ưu đãi của người lao động thì cũng phải đưa chủ doanh nghiệp tư nhân vào diện chịu thuế TNCN.  

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.