Phim kiếm hiệp tung hoành trên màn ảnh nhỏ

29/09/2004 21:54 GMT+7

Sau "cơn sốt" phim lịch sử Trung Quốc, phim tình cảm Hàn Quốc, giờ đây phim kiếm hiệp đang tràn ngập trên màn ảnh nhỏ.

Thử làm một cuộc điểm phim các đài, ta sẽ thấy được điều đó. Ở đài Đồng Nai, nếu ĐN1 vừa hết phim Phương Thế Ngọc thì Xứng danh anh hùng được chiếu ở ĐN2. Đài Long An buổi trưa có Tài tử phong lưu, còn 8 giờ tối là Long hổ phá thiên môn. Trên BTV2 (Đài Truyền hình Bình Dương) ngay sau phim Quan công võ thánh là Long tại giang hồ; còn BTV1 có Mỹ nhân và quân tử. Mạnh nhất hiện nay vẫn là Đài Truyền hình TP.HCM. Trên HTV7, 14 giờ đang chiếu Phú hộ Thẩm Vạn Tam, 17 giờ thì có Thiên long bát bộ và mới đây là Trộm long tráo phụng (phần II); trên HTV9 đang chiếu Như Lai thần chưởng (11 giờ), còn buổi 17 giờ 45 thì có Ỷ thiên đồ long ký… Có thể thấy, các phim kiếm hiệp đã và đang chiếu (nhất là trên HTV) đều thu hút khán giả về nội dung, trang phục rất đẹp, cảnh quay hoành tráng còn võ thuật rất hấp dẫn. Dường như sau khi bị khán giả lên tiếng về tình trạng chiếu quá nhiều phim tình cảm Hàn Quốc, các đài bắt đầu ưu ái phim kiếm hiệp.

Đồng ý rằng việc trình chiếu ngày càng nhiều thể loại phim thể hiện sự quan tâm của nhà đài đối với nhu cầu giải trí mỗi lúc một phong phú, đa dạng của khán giả, và phim kiếm hiệp có rất nhiều phim hay, tuy nhiên việc chiếu liên tục và quá nhiều phim kiếm hiệp nước ngoài trên khắp các đài như hiện nay quả là không ổn. Hầu như mở ti vi vào bất cứ giờ nào trong ngày chúng ta đều có thể gặp những cảnh bay, đấm, đá, chưởng, chém... Thiết nghĩ, món ăn dù ngon đến đâu nhưng nếu cứ phải ăn liên tục thì chắc rằng sớm muộn gì người xem cũng "ngán". Hơn nữa, nhu cầu xem phim của khán giả rất đa dạng, đâu phải ai cũng thích phim kiếm hiệp hay phim Hàn Quốc. Bởi vậy, việc cân nhắc về thời lượng, thể loại phim truyện nước ngoài chiếu trên truyền hình là điều rất đáng được các đài lưu tâm.

Điều đáng nói hơn là trong một số phim kiếm hiệp cũng có những "pha" đánh đấm không thua gì phim hành động bạo lực. Phim thường có sự thanh trừng lẫn nhau giữa các môn phái, sự giải quyết mối hận thù từ đời này sang kiếp khác nên những cảnh chém giết, máu me cũng có tần số xuất hiện rất cao. Nhiều cảnh sát phạt nhau vô cùng quyết liệt, dữ dội; cảnh đâm chém, máu me rất tàn khốc. Dù những cái chết của các nhân vật trong phim kiếm hiệp bao giờ cũng mang tính bi tráng nhưng ít nhiều đều gây cho người xem - đặc biệt là trẻ em - cảm giác khiếp sợ. Như trong Thiên long bát bộ có cảnh nhân vật Kiều Phong đâm liên tục vào chính mình để chịu tội thay cho 5 vị anh hùng trong Cái bang, hoặc sau khi vô tình hại chết A Châu, chàng đã tự dằn vặt mình bằng những cú chưởng nghe rợn người. Hay trong Phú hộ Thẩm Vạn Tam, khi Vạn Tam bị kẻ thù đánh cho mất trí, 2 tiểu thư (đều có tình cảm với chàng) đã cứu người bằng cách dùng gậy đập vào đầu chàng ! Và tất nhiên sau những nhát kiếm, gậy thì máu phun ra lênh láng. Đây cũng là điều mà các nhà biên tập phim cần xem xét trước khi giới thiệu mỗi bộ phim kiếm hiệp đến khán giả.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.