Tường trình từ vùng lũ: 3 người chết và mất tích, 30 nghìn ngôi nhà ngập

12/11/2007 09:34 GMT+7

(TNO) Đến 7h sáng nay 12.11, mực nước tất cả các sông ở Quảng Nam đã vượt mức báo động III từ 0,9 đến 1,54 mét. Hiện nay trên vùng thượng nguồn mưa vẫn rất to, mực nước các sông tiếp tục lênh nhanh. >> Quảng Nam: Nửa đêm lụt lớn

Theo dự báo, chiều nay mực nước các sông vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Chỉ trong ngày hôm qua 11.11, trên địa bàn Quảng Nam đã có 2 người chết và 1 người mất tích do lũ. Trong đó, đã tìm thấy thi thể 2 nạn nhân ở huyện Đại Lộc; còn một người đàn ông - chưa rõ tên tuổi, quê ở xã Tiên Lộc (huyện Tiên Phước) bị nước lũ cuốn trôi khi đi qua cầu Quế Phương, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh - đến sáng nay vẫn chưa tìm được.

Vào lúc 20h30 ngày 11.11, anh Nguyễn Văn Việt (26 tuổi) trú tại thôn 2, xã Điện Tiến, H.Điện Bàn trên đường vượt sông về nhà đã bị nước lũ trên sông Vu Gia cuốn trôi hơn 2 km. Khi anh Việt trôi đến địa phận thôn 4 xã Điện Tiến, được người dân phát hiện và kêu cứu. Lập tức hai anh em ruột Trần Văn Khương (50 tuổi) và Trần Văn Trí (32 tuổi) đã dùng ghe lao ra, cứu được anh Việt thoát chết. Hành động dũng cảm của hai anh em này đã được xã Điện Tiến biểu dương và đề nghị cấp trên khen thưởng về thành tích cứu người trong lũ. Tại huyện Đại Lộc, ngay trong đêm qua, các lực lượng đã cứu hộ, cứu nạn an toàn 5 hộ gia đình với 25 nhân khẩu ra khỏi vùng bị lũ cuốn. Tại thôn ven biển Hồng Triều, xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên - Quảng Nam), địa phương cũng đã kịp đưa 28 hộ với 100 nhân khẩu ra khỏi vùng ngập sâu.


Người dân phố cổ dọn lũ


Lũ lên phố cổ Hội An trong đêm 11.10 


Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Hải kiểm tra công tác phòng tránh lũ lụt vào khuya 11.11 

Mưa lũ đã làm hơn 30 nghìn ngôi nhà của người dân ở các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An bị ngập sâu từ 1 mét đến 2,5 mét. Tại thị xã Hội An, vào rạng sáng nay, nước lũ đã đạt đỉnh 3 mét, chỉ thấp hơn so với cơn lũ năm 1999 là  0,2 mét. Thị xã đã chỉ đạo cho các địa phương vùng trọng điểm lũ là Cẩm Kim, Cẩm Nam, Cẩm Châu và khu vực phố cổ sơ tán gần người già và trẻ em ra khỏi vùng nguy hiểm.

Các khu vực có nhà cửa ở ven sông đã được chính quyền các xã phường đưa người và tài sản vào tạm trú ở phía trong. Thị xã cũng đã dùng thuyền máy đưa 150 người dân của huyện Duy Xuyên đang đi buôn bán và mắc lũ tại thị xã trở về địa phương ngay trong chiều tối 11.11. Thị xã đã huy động đội thanh niên xung kích với 350 đội viên tại các trường cao đẳng - trung học chuyên nghiệp và các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn thị xã phối hợp với lực lượng xung kích tại chỗ của 13 xã, phường, giúp dân đưa bao tải cát, cây tre, gỗ chằng chống lại các di tích, kiến trúc cổ và toàn bộ nhà cửa cho dân.

Chính quyền địa phương cũng đã trưng dụng 32 tàu công suất lớn của ngư dân, 5 ca nô của lực lượng vũ trang cùng 20 xe khách của HTX vận tải thuỷ bộ - du lịch Hội An để di dời dân và cứu hộ các di tích. Các xã phường đã kiểm tra việc dự trữ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu như nước uống, dầu thắp sáng... đủ dùng từ 5 đến 7 ngày ở từng gia đình. Tại các vùng thường ngập lụt như các xã Cẩm Kim, Cẩm Nam, thị xã đã tu sửa lại các địa điểm sơ tán dân và có biện pháp hỗ trợ vì không loại trừ khả năng đỉnh lũ sẽ vượt mức như năm 1999 và kéo dài nhiều ngày.

Tại cuộc họp khẩn cấp sáng nay 12.11, UBND tỉnh Quảng nam đã huy động 400 cán bộ, chiến sĩ cùng 50 phương tiện đến các vùng trọng điểm để sơ tán dân. Đến 8h45 cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã có mặt tại tất cả vùng trọng điểm lũ lụt của tỉnh. Lũ vẫn đang lên rất nhanh.        

Bài, ảnh: Hồ Trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.