Tất cả đều phải vào cuộc!

29/10/2005 22:50 GMT+7

Ngày 29.10, lãnh đạo UBND TP.HCM đã triệu tập hội nghị với tất cả các sở, ngành và lãnh đạo chính quyền cấp phường, xã để triển khai các hành động khẩn phòng chống cúm gia cầm. Mối đe dọa về một đại dịch cúm trên người đã không còn xa nữa.

Sau Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc... dịch cúm gia cầm tiếp tục lan rộng ra đến Mông Cổ, Kazakhstan, Bắc Triều Tiên, Nga, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Hy Lạp, Croatia. Tại Việt Nam, Cục Thú y nhận định, cả nước đang tập trung tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm, tuy nhiên đó cũng chưa phải là biện pháp an toàn tuyệt đối. Bằng chứng là tại Indonesia, dù đã triển khai tiêm phòng từ năm 2003 nhưng hiện nay dịch cúm gà vẫn diễn biến phức tạp và đã có nhiều người tử vong. Chính vì vậy, các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, nếu đại dịch cúm xảy ra ở người, số người nhiễm ở TP.HCM là 1,6 triệu và con số tử vong có thể lên đến 80.000 hoặc 160.000 người.

Một kế hoạch khẩn cấp đã được thông qua và ngay sau hội nghị toàn thành phố ngày 29.10, các quận, huyện sẽ đồng loạt triển khai thực hiện. Theo đó, các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ phải nhanh chóng giết mổ tự tiêu dùng trong gia đình, hạn chót đến ngày 10.11 phải ngưng nuôi và không được nuôi trở lại. Đối với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, đến ngày 15.11 phải xuất bán hết; các doanh trại quân đội cũng ngưng nuôi gia cầm với mục đích tăng gia sản xuất. Các công tác khác như kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm soát hoạt động kinh doanh tiêu thụ gia cầm sẽ được siết chặt.

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu chỉ đạo tại hội nghị: “Đã đến lúc thành phố phải kiểm soát 100% sản phẩm gia cầm lưu thông, đến ngày 16.11 phải hoàn tất việc xử lý đàn gia cầm. Quận, huyện nào báo cáo hết gia cầm mà vẫn còn phát hiện ra thì chủ tịch UBND quận, huyện đó phải chịu trách nhiệm". Ông Nhân nhấn mạnh: "Thành phố không thiếu tiền, không thiếu người cho việc phòng chống dịch, cái thiếu nhất là lòng quyết tâm. Chỉ cần một số ít người không quan tâm là sẽ phá hủy toàn bộ nỗ lực của cả thành phố".

Kế hoạch hành động khẩn cấp cũng đã đặt ra các tình huống phải đối mặt trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát. Bác sĩ Phan Xuân Thảo - Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM nói: "Nếu có dịch cúm xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long, thành phố sẽ lập tức đóng cửa miền Tây, nếu có dịch ở các tỉnh Đông Nam Bộ, thành phố sẽ đóng luôn cửa ngõ với các tỉnh này". 

Bác sĩ Lê Trường Giang - Phó giám đốc Sở Y tế nói rằng, trong tình huống dịch cúm xảy ra trên người nhưng ở nước khác, nhiệm vụ chính lúc này sẽ là kiểm dịch y tế quốc tế ở các cửa khẩu quốc tế và kiểm dịch tại nơi cư trú đối với người nước ngoài; mỗi quận, huyện thành lập một điểm kiểm dịch tập trung để thực hiện cách ly đối với những người trong diện phải kiểm dịch... Đối với tình huống dịch cúm xảy ra ở khu vực một tỉnh, thành phố với số người mắc ít từ 1 - 25 người (trong vòng 14 ngày) thì phải thực hiện giám sát vi- rút trên một số ca bệnh. Đối với tình huống dịch xảy ra ngay tại TP.HCM, thì biện pháp cơ bản là khẩn cấp bao vây dập dịch; cách ly lập tức mọi ca bệnh nghi ngờ; đồng thời cho uống thuốc đặc trị trong khi chờ chuyển bệnh lên Bệnh viện Nhiệt đới, BV Phạm Ngọc Thạch, BV Nhi đồng I và BV Nhi đồng II. Nếu dịch xảy ra với số người mắc nhiều hơn, từ 26 - 50 người/14 ngày, thì không chuyển người bệnh lên tuyến trên mà giữ lại điều trị ngay tại chỗ, với sự hỗ trợ của đội điều trị cơ động được trang bị đầy đủ các phương tiện của TP. Trường hợp xấu nhất, nếu xuất hiện đại dịch với lượng người mắc từ 50 - 1.000 người/14 ngày, thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn TP; tạm thời đóng cửa trường học, cấm họp chợ, cấm đi lại vùng có dịch;  thực hiện hoàn toàn 3 tại chỗ, với sự hỗ trợ của các đội cơ động dự phòng, cơ động điều trị do Sở Y tế trực tiếp chỉ huy; điều trị dự phòng cho tất cả người dân sống trong vùng cách ly... Nếu dịch lan truyền nhanh chóng, với số người mắc vượt con số 1.000 người thì thực hiện như tình huống trên, nhưng với quy mô, cường độ mạnh mẽ hơn nữa...

Cùng ngày 29.10, tại Hà Nội cũng đã diễn ra buổi tọa đàm giữa Bộ Y tế và các đại biểu Quốc hội về dịch cúm H5N1, với sự tham dự của các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO)... Các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến các vấn đề như: khả năng phòng chống dịch của ngành y tế; các cơ chế lây nhiễm bệnh; người dân có nên tiêm phòng hay không... Trả lời các câu hỏi này, ngành y tế nhấn mạnh, các loại vắc-xin phòng chống các vi-rút cúm hiện tại không có tác dụng phòng chống H5N1. Việt Nam và nhiều nước khác đang nghiên cứu vắc-xin phòng vi-rút H5N1, nhưng sớm nhất cũng phải đến đầu năm 2006 mới công bố. Về thuốc Tamiflu (thuốc điều trị đặc hiệu cúm A H5N1) cũng chỉ có tác dụng cao trong vòng 48 giờ sau khi mắc bệnh. Hiện tại ở Việt Nam chưa phát hiện vi-rút H5N1 lây từ người sang người, nhưng đại dịch có thể xảy ra trong tháng 12 tới.

T.Tùng

Thanh Tùng - Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.