Những dấu ấn đẹp

29/10/2005 00:10 GMT+7

Ngày 28/10/2005, tại Nhà hát TP.HCM đã diễn ra buổi lễ tổng kết, trao giải cho các tiết mục và các đoàn tham gia hội diễn. Nhìn chung, hội diễn đã thành công và để lại nhiều dấu ấn đẹp cho khán giả.

Điểm nhấn lớn nhất của hội diễn lần này là sự chuẩn bị công phu của đa số các đoàn ca múa nhạc tham gia dự thi. Sự đầu tư thể hiện ở nhiều mặt từ việc lựa chọn ca khúc, điệu múa đến tổ chức chương trình theo chủ đề gây được sự chú ý của người xem. Suốt các buổi diễn, khán giả được đắm mình vào những không gian âm nhạc hết sức đa dạng và phong phú: có tiếng cồng chiêng Tây Nguyên, bài ca trù và tiếng phách trong đêm Hà Nội, lại có nhịp trống của người Chăm Bình Thuận, điệu múa của người Khmer Nam Bộ, câu quan họ dùng dằng thương nhớ của các liền anh liền chị Kinh Bắc... Với hội diễn, khán giả có thể cảm nhận được không gian đặc trưng vùng miền từng địa phương và nét duyên dáng của chiều sâu văn hóa Việt Nam.

Có thể thấy ưu thế thuộc về các đoàn đến từ các tỉnh, thành phố lớn, có tiềm lực về kinh tế, được hỗ trợ, đầu tư nhiều về vật chất lẫn tinh thần, có quá trình biểu diễn chuyên nghiệp lâu năm hơn, bề dày thành tích hơn. Các đoàn Nhà hát Nhạc nhẹ trung ương, Ca múa nhạc Việt Nam, Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen TP.HCM nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Có sự chênh lệch nhất định về tính chuyên nghiệp giữa các đoàn tham gia hội diễn. Một số đoàn của các tỉnh có khả năng kinh tế mạnh nhưng do thiếu sự đầu tư đúng mức nên chương trình còn thiếu và yếu về nhiều mặt. NSƯT Tạ Minh Tâm, thành viên ban giám khảo, cho biết: "Hội diễn lần này được đánh giá là thành công ngoài mong đợi. Trong các buổi diễn, khán phòng chật kín khán giả là một biểu hiện cụ thể của sự quan tâm từ công chúng dành cho hội diễn. Về chất lượng chuyên môn, các nghệ sĩ tham gia hội diễn đã có những tiến bộ rất lớn so với các lần hội diễn trước". Có thể thấy những tên tuổi được khẳng định thêm qua hội diễn này như Linh Nga (Đoàn ca múa nhạc dân tộc Bông Sen TP.HCM), Hồ Quỳnh Hương (Nhà hát Nhạc nhẹ trung ương). Điều đáng tiếc nhất của hội diễn lần này là việc ban tổ chức chưa lường được hết sự quan tâm của công chúng nên đã chọn địa điểm có quá ít chỗ ngồi làm số đông khán giả yêu thích nghệ thuật không được vào xem. Bên cạnh đó, việc một số đơn vị xã hội hóa không được tham gia hội diễn cũng gây hẫng hụt, làm giảm sự đa dạng của sự kiện mang tầm vóc quốc gia này và đồng thời chưa ghi nhận đúng mức sự đóng góp của xã hội vào phong trào biểu diễn văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp. Một số chương trình dàn dựng sơ sài, thiếu tính chuyên nghiệp.

Chia tay hội diễn 2005, khán giả mong đến hội diễn lần sau để được thưởng thức những chương trình nghệ thuật đích thực với việc mở rộng cánh cửa cho cả khán giả lẫn các đoàn làm nghệ thuật không phân biệt Nhà nước hay tư nhân.

Kết quả hội diễn

Giải chương trình: 3 HCV cho các đoàn: Nhà hát Nhạc nhẹ trung ương, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Bình Thuận. 5 HCB cho các đoàn: Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen TP.HCM, Ca múa nhạc kịch tỉnh Nghệ An, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long Hà Nội, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca múa Hải Phòng. Giải tiết mục: Có 22 HCV, 54 HCB. Giải thưởng riêng: 8 giải cho các thành phần: dàn nhạc, chỉ đạo nghệ thuật, biên đạo, nhạc sĩ, họa sĩ. Ngoài ra, BGK còn trao 3 giải diễn viên xuất sắc cho các diễn viên Nguyệt Thu (Nhà hát Nhạc nhẹ trung ương), Trung Thành (Đoàn nghệ thuật tổng hợp tỉnh Hậu Giang), Linh Nga (Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen TP.HCM).

Vinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.