Ngăn chặn hành vi phá hoại

12/05/2014 03:00 GMT+7

Cuối tuần qua, chính quyền H.Chư Sê (Gia Lai) chính thức đề nghị các đơn vị chức năng ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển rễ tiêu trên địa bàn. Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của chính quyền, trước tình trạng thương lái Trung Quốc thu gom rễ tiêu sống xảy ra trên địa bàn từ hơn một năm nay và nhiều nhà vườn lo ngại tình trạng đào chặt trộm rễ tiêu để bán.

Cuối tuần qua, chính quyền H.Chư Sê (Gia Lai) chính thức đề nghị các đơn vị chức năng ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển rễ tiêu trên địa bàn. Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của chính quyền, trước tình trạng thương lái Trung Quốc thu gom rễ tiêu sống xảy ra trên địa bàn từ hơn một năm nay và nhiều nhà vườn lo ngại tình trạng đào chặt trộm rễ tiêu để bán.

Việc đào cắt trộm rễ tiêu gây mất an ninh trật tự trên địa bàn chỉ là hậu quả trực tiếp, được các cơ quan chức năng công khai thừa nhận, nhưng vấn đề dư luận nghi ngờ đây là hoạt động phá hoại, khi Chư Sê là vùng chuyên canh hồ tiêu lớn nhất của Gia Lai và của cả nước. Không nghi ngờ sao được khi đã có khá nhiều tiền lệ về việc này, thương lái Trung Quốc (TQ) thu mua các mặt hàng kỳ dị như móng trâu, móng bò, mỡ lợn, lá cây này, rễ cây nọ..., không rầm rộ, không thành chiến dịch nhưng âm ỉ, lúc khoan lúc mau, diễn ra ở nhiều địa phương, với nhiều phương thức khác nhau. Điểm chung của hoạt động này đều là thu gom trực tiếp, khai thác triệt để điểm yếu, thiếu hiểu biết, hám lợi của nông dân. Đã có hàng trăm hộ dân khóc ròng nhìn đàn lợn mỡ đến kỳ xuất chuồng, hàng ngàn héc ta điều không ra trái, hàng trăm tấn lá điều khô phải đem đốt khi thương lái TQ đột ngột biến mất...

Vấn đề bây giờ là chúng ta nên giải mã công khai tất cả những chuyện này cho người dân biết để cảnh giác, hay vẫn tiếp tục để tồn tại những tin đồn truyền miệng, mà hậu quả thật? Vấn đề này thì không chỉ H.Chư Sê, thậm chí là tỉnh Gia Lai trả lời được.

VN là nước nông nghiệp, lại nằm cạnh quốc gia có thị trường quá rộng lớn là TQ nên việc giao thương nông sản là tất yếu. Nhưng trách nhiệm của quản lý nhà nước là phải làm rõ, giúp người dân phân biệt được những cá nhân, tổ chức chấp hành nghiêm luật pháp về thương mại và những cá nhân (không loại trừ có tổ chức) lợi dụng chính sách tự do thương mại để phá hoại.

Mua lá điều hay mầm, rễ cây... rõ ràng không phải là hoạt động thương mại bình thường. Vậy thì ai mua, mua để làm gì? Người nông dân thì đơn giản thấy giá cao là trồng, thu mua rồi bán mong có thu nhập trước mắt. Nhưng với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thì không thể để chuyện này kéo quá dài. Cần phải lý giải được mọi hoạt động thương mại, khuyến cáo rõ ràng đầy đủ.

Trên thực tế, hệ thống pháp luật của chúng ta còn đang thiếu nhiều điều luật điều chỉnh các hoạt động mua bán của người nước ngoài tại VN. Luật chưa đủ, chính quyền làm chưa hết trách nhiệm, là nguyên nhân khiến thương lái TQ vẫn cứ thoải mái “bức hại” nông dân.

Giải pháp căn cơ để tránh người nông dân thụ động, chính quyền bị động trước những hoạt động thương mại bất thường như thế, chính là phải xây dựng được hệ thống phân phối nông sản chuẩn mực. Làm thế nào để tất cả các thương lái đều phải được quản lý, muốn kinh doanh phải đăng ký, mọi hoạt động mua bán phải có hợp đồng...

An Nguyên

>> Giá tăng nên đốn cả chuối non bán cho thương lái Trung Quốc
>> Không còn bán lá khoai lang non cho thương lái Trung Quốc
>> Thương lái Trung Quốc ồ ạt nâng giá thu mua mầm thảo quả
>> Đổ xô tìm cây máu chó bán cho thương lái Trung Quốc
>> Thương lái Trung Quốc thu mua lá khoai lang không giới hạn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.