Dân gánh hậu quả

23/04/2014 00:59 GMT+7

Dự án đội vốn vì chậm tiến độ, bị phạt hàng trăm tỉ đồng vì giao mặt bằng chậm, "ngâm" thủ tục khiến chi phí tăng vọt... tất cả đều trả giá bằng tiền nhưng không phải từ túi những người có thẩm quyền liên quan mà là tiền của dân. Có lẽ vì thế, tình trạng này cứ diễn ra khắp nơi, năm này qua năm khác như một thứ "dịch bệnh".

Dự án đội vốn vì chậm tiến độ, bị phạt hàng trăm tỉ đồng vì giao mặt bằng chậm, "ngâm" thủ tục khiến chi phí tăng vọt... tất cả đều trả giá bằng tiền nhưng không phải từ túi những người có thẩm quyền liên quan mà là tiền của dân. Có lẽ vì thế, tình trạng này cứ diễn ra khắp nơi, năm này qua năm khác như một thứ "dịch bệnh".

>> Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Đội vốn 339 triệu USD !
>> Chấm dứt nhà thầu thi công vì chậm tiến độ

Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông đội thêm 339 triệu USD, tương đương với 60% tổng giá trị, do chậm tiến độ. Điều đáng nói đây là gói thầu EPC, một hình thức mới trong triển khai dự án đầu tư công trình xây dựng với ưu điểm lớn nhất là đẩy nhanh tiến độ, giảm chi phí. Bởi nhà thầu được giao thực hiện cả ba nội dung công việc là tư vấn, mua sắm vật tư- thiết bị và thi công xây lắp thay vì thiết kế xong mới chọn nhà thầu thi công như cách truyền thống. Vì chỉ có một đầu mối đảm nhận nên giảm thiểu được sai lệch giữa thiết kế và thi công; có thể triển khai thi công ngay cả khi thiết kế chưa hoàn thiện; việc kiểm soát chi phí cũng dễ hơn... Thế nhưng, ở dự án Đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông, những lợi thế này hoàn toàn bị vô hiệu hóa, thậm chí còn bị chậm tiến độ dẫn đến tăng vốn.

Một trong những nguyên nhân chậm tiến độ, theo lãnh đạo Bộ GTVT, là do tổng thầu kiểm soát các thầu phụ thi công không chặt chẽ, công tác lập, trình phê duyệt thiết kế và biện pháp thi công còn chậm trễ... Như vậy, trách nhiệm thuộc về tổng thầu Trung Quốc. Họ đảm nhiệm từ thiết kế, mua thiết bị vật liệu đến thi công thì chậm, đội giá, chênh lệch tỷ giá, họ phải chịu trách nhiệm. Thậm chí phải chịu phạt. Không thể đơn giản nói rằng số vốn tăng thêm bổ sung từ nguồn vốn ODA của Trung Quốc bởi người trả cả vốn lẫn lãi là ngân sách, do người dân đóng thuế.      

Nhưng tất cả những vấn đề trên cũng mới chỉ là một dự án cụ thể, chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề. Sự bê bối của nhiều nhà thầu Trung Quốc đã được nói đến từ rất lâu nhưng vẫn tồn tại đến tận lúc này. Mới đây, tại hội nghị tổng kết thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí, các chuyên gia cũng kêu trời khi hàng loạt dự án tỉ USD rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc trong đó rất nhiều dự án chất lượng chưa biết thế nào nhưng họ mang từ ốc vít, đinh..., những vật liệu đơn giản mà Việt Nam hoàn toàn có thể làm được, vào thị trường nội địa. Việc nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu thấp để trúng thầu sau đó tìm cách tăng vốn; nhà thầu Trung Quốc đưa lao động từ cao cấp tới phổ thông vào VN; nhà thầu Trung Quốc ăn hết phần "thịt", bỏ mặc phần “xương” dẫn tới dự án bị đình trệ... quá nhiều, diễn ra quá lâu và đã trở thành chuyện "biết rồi, khổ lắm" nhưng rất ít khi thấy chúng ta có chế tài nghiêm, mạnh để xử lý.

Lãi suất ưu đãi nhưng suất đầu tư cao; phải chấp nhận cả nhà thầu không có kinh nghiệm dẫn tới đội vốn, tăng phí, kéo dài thời gian thực hiện dự án; làm thui chột cả ngành cơ khí trong nước khi không thể tham gia cung cấp vật liệu đơn giản nhất...

Có thể thấy, cái được quá nhỏ bé so với những hậu quả mà nhiều nhà thầu Trung Quốc để lại cho chúng ta. Tất nhiên, vốn cho các dự án hạ tầng vẫn luôn là vấn đề nan giải của Việt Nam nhưng không phải vì thế mà bất chấp tất cả để vay và gánh những hậu quả mà nhiều nhà thầu Trung Quốc để lại như hiện nay.

Đã đến lúc phải mạnh dạn nói không với các khoản vay và các nhà thầu Trung Quốc làm ăn bê bối.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.