Internet Việt Nam thời hội nhập - Bài 1: Kỷ nguyên công nghệ tốc độ cao

30/12/2008 16:16 GMT+7

(TNO) Internet Việt Nam đã và đang có nhiều hướng phát triển tích cực từ thị trường và từ người sử dụng. Năm 2008 đã đánh dấu những bước tiến quan trọng của thị trường này về cả số lượng nhà cung cấp dịch vụ lẫn về chất lượng.

Từ Dial…

Loại hình quay số (Dial) được VNPT triển khai ngay từ khi internet vào Việt Nam (những năm 1997 - 1998), qua dịch vụ Gọi VNN 1260, 1268, và 1269. Đây được xem là hình thức truy cập internet cao cấp bấy giờ. Tuy nhiên, bị vướng mắt về tốc độ chậm và tiền cước cao, nên dịch vụ này chỉ được dùng khi thật sự cần. Đây là mô hình truy cập internet rất sâu rộng và dàn trải trên toàn lãnh thổ Việt Nam mà đến bây giờ vẫn còn sử dụng ở vùng nông thôn.

Sau VNPT, SPT, Viettel, FPT…cũng nhảy vào thị trường này. Tuy nhiên, VNPT vẫn có thế mạnh vì cung cấp trên toàn lãnh thổ Việt Nam, còn các ISP khác chỉ cung cấp nhỏ lẻ và không dàn trải. Cho đến nay thì VNPT lại là đơn vị độc quyền lên lĩnh vực này trên toàn quốc.

... đến ADSL

Tháng 5.2003, dịch vụ Internet băng thông rộng, gọi tắt là ADSL, được chính thức tung ra thị trường. Và ngay từ buổi ban đầu, dịch vụ này luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Các nhà cung cấp lắp đặt cáp tới đâu khách hàng đăng ký tới đó. Vẫn là VNPT cung cấp dịch vụ trên toàn Việt Nam, theo sau đó là Viettel Telecom và EVN Telecom. Trong khi đó, còn có nhiều nhà cung cấp dịch vụ Internet khác như SPT, Netnam, FPT với thị  phần tập trung chủ yếu và thành phố, đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Từ Wireless…

Nếu như ADSL đã làm một một cuộc cách mạng về tốc độ thì giờ đây, với công nghệ không dây, người dùng máy tính có thể sử dụng laptop để truy cập internet mọi lúc mọi nơi với những phạm vi cho phép phủ sóng Wifi. Đây là một dịch vụ mới dựa trên ADSL nhưng được dùng cho các thiết bị di động hỗ trợ công nghệ không dây như laptop, điện thoại, PPC… Ngày nay, Wireless đã được sử dụng như một dịch vụ cung cấp thêm, một hình thức khuyến mãi để thu hút khách hàng của nhiều loại hình dịch vụ khác. Theo đó, người dùng có thể sử dụng hoàn toàn miễn phí, với tốc độ kết nối nhanh gấp nhiều lần so với Dial.

... đến Mobile Internet

Mobile Internet là loại hình cho phép người dùng có thể sử dụng điện thoại CDMA và máy tính để kết nối internet mọi lúc mọi nơi miễn là có sóng của nhà cung cấp mạng. Đi tiên phong là S – Fone với dịch vụ phủ sóng EVDO (cho tốc độ tương đương ADSL khoảng 2.4MBps) tại 5 tỉnh thành là Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và TP.HCM. EVN Telecom cũng triển khai dịch vụ này nhưng hạn chế ở TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội.

Hơn thế, với ưu điểm của CDMA, các nhà cung cấp mạng là S – Fone, EVN Telecom đã cung cấp dịch vụ Mobile Internet trên khắp các tỉnh thành Việt Nam với tốc độ kết nối tương đương gấp ba lần dial trong khoảng 112.5kbps. Trong khi đó, GSM cũng không ngừng gia tăng vùng phủ sóng GPRS để có thể cho người dùng sử dụng Mobile Internet với tốc độ 56 kbps ở nơi có sóng GPRS.

Và VSAT IP

 

Những dịch vụ tiên tiến trên công nghệ VSAP - IP

Không phải lúc nào người dùng ở Việt Nam cũng có thể sử dụng được dịch vụ Internet nhanh với mức cước hợp lý. Và vì thế loại hình VSAT IP là một lựa chọn cho những vùng quê nông thôn cần đường truyền tốc độ cao nhưng không thể sử dụng ADSL vì quá xa trạm. VSAT IP đáp ứng được điều này, với mức cước hợp lý, thông qua đường truyền vệ tinh.

Việt Nam hiện nay có hai tuyến cáp quang biển là TVH và SMW3. Tuyến cáp quang TVH được đưa vào khai thác từ năm 1995, kết nối với Thái Lan và Hồng Kông để từ đó kết nối tiếp với hơn 30 hướng trên thế giới. Dung lượng mỗi hướng là 560Mbps, sử dụng công nghệ PDH.

Tuyến cáp quang SMW3 được đưa vào khai thác từ năm 1999, nối liền Việt Nam với 35 điểm cập bờ trên thế giới, sử dụng công nghệ WDM, khai thác 16 bước sóng với tốc độ 2.5Gbps trên mỗi bước sóng. Tuyến cáp quang SMW3 có trạm cập bờ Đà Nẵng nối một bước sóng với Trung Quốc, một bước sóng với Hồng Kông và hai bước sóng với Singapore.

Ngoài ra, cả ba nhà IXP lớn tại Việt Nam là Viettel Telecom, EVN Telecom và VNPT đang từng bước xây dựng nhiều tuyến cáp quang trong khu vực để có thể ngày càng mở rộng hướng nối quốc tế làm tăng dung lượng đường truyền đi quốc tế, dự phòng khi nghẽn hoặc sự cố như dự án cáp quang biển xuyên Á có tên IA, với tổng trị giá 200 triệu USD với sự tham gia của EVN Telecom.

Minh Định

Bài 2: Dịch vụ thời Internet

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.