Nội soi khớp vai bị rách

30/12/2009 10:29 GMT+7

Bệnh nhân nam, 68 tuổi, cách ngày nhập viện gần sáu tháng bệnh nhân có cơn đau từ vai lan lên cổ và xuống mặt ngoài cánh tay. Bệnh nhân đi khám, được chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ, điều trị bằng thuốc, tập vật lý trị liệu nhưng không hết cho đến khi được giới thiệu khám khớp vai tại Bệnh viện Đại học Y dược.

Kết quả, bệnh nhân được chẩn đoán rách gân trên gai và dưới gai của khớp vai.

Chóp xoay là gì?

Chóp xoay là nhóm gồm bốn cơ của khớp vai theo thứ tự từ trước ra sau, đó là cơ dưới vai, cơ trên gai, cơ dưới gai và cơ tròn bé. Nhóm các cơ này có tác dụng giữ vững khớp vai, giúp khớp vai là khớp duy nhất trong cơ thể có tầm vận động rất lớn. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm hay đứt chóp xoay, như yếu tố cơ học (cử động của gân trên gai), yếu tố gân (sử dụng quá nhiều), yếu tố mạch máu, bệnh lý thoái hóa chóp xoay...

Bệnh biểu hiện như thế nào?

Triệu chứng đầu tiên là đau ở vùng vai lan lên tới cổ, lan xuống cánh tay nhưng dừng lại ở vùng khuỷu tay. Đau vào đêm khuya làm bệnh nhân mất ngủ, đau khi nằm nghiêng bên vai bị đau. Bệnh lâu ngày dẫn tới rách chóp xoay sẽ làm bệnh nhân cử động vai khó khăn...
Chẩn đoán ra sao?

Các bác sĩ sẽ chỉ định chụp khớp vai ba tư thế thẳng, nghiêng và lamy để kiểm tra tình trạng xương vùng vai và những dấu hiệu gián tiếp của rách gân. Nhưng chính xác nhất là chụp MRI có bơm thuốc tương phản từ hay chụp CT scan có bơm thuốc cản quang trong khớp.

Chữa viêm/rách chóp xoay thế nào?

Thông thường sẽ bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng viêm giảm đau, giãn cơ kèm thêm việc tập vật lý trị liệu. Tuy nhiên việc tập phải nhẹ nhàng, nếu tập gây đau đớn sẽ làm tình trạng nặng hơn, thời gian uống thuốc sẽ dài hơn, tiêm corticoide vào khớp vai cũng là một phương pháp điều trị nhưng phải rất cẩn thận vì nếu bị nhiễm trùng sẽ rất tai hại, hơn nữa corticoide sẽ làm gân khó lành hơn khi khâu.

Trong trường hợp uống thuốc không bớt hoặc chóp xoay bị rách thì phương án tiếp theo sẽ là phẫu thuật khâu lại gân. Có nhiều phương pháp phẫu thuật nhưng hiện tại đa số bác sĩ trên thế giới áp dụng phương pháp khâu qua nội soi. Phương pháp này cho kết quả tương đương mổ mở với đường mổ nhỏ nhưng làm giảm thiểu tình trạng tổn thương cơ xung quanh, thời gian hồi phục nhanh hơn.

Tuy vậy phương pháp này đòi hỏi phẫu thuật viên phải được huấn luyện kỹ để quen với kỹ thuật, bệnh viện cần trang thiết bị nhiều hơn và giá thành cao hơn. Hiện tại TP.HCM đã triển khai phương pháp phẫu thuật nội soi này ở một số bệnh viện.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần hạn chế cử động tay trong ít nhất 3-6 tuần để gân lành, sau đó tập vật lý trị liệu để lấy lại tầm hoạt động cho khớp vai. Tỉ lệ gân lành chung khoảng 75%.

Làm gì để hạn chế rách chóp xoay?

Không nên xách nặng khi đã có tuổi, nên dùng các loại xe kéo thay vì khệ nệ xách giỏ đi chợ. Tránh các động tác khớp vai đột ngột và quá tầm. Nếu có những cơn đau ở vai, nên đi khám chuyên khoa sớm để hạn chế tình trạng đau và rách gân.

BS Tăng Hà Nam Anh (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.