Bí ẩn cội nguồn một vợ một chồng

04/08/2013 03:00 GMT+7

Khởi thủy, chế độ một vợ một chồng ở loài người không đơn thuần xuất phát từ lòng chung thủy, mà nhằm ngăn chặn nguy cơ con cái chết non.

Kết quả nghiên cứu cho thấy một số loài đã duy trì chế độ hôn phối một bạn đời thông qua tiến hóa. Trong khi đó, quyết định này của linh trưởng, bao gồm loài người, không hề liên quan đến những tình cảm lãng mạn mà nhiều người cho rằng phải xuất hiện ở động vật tiến hóa cấp cao. Đó là kết luận rút ra từ cuộc nghiên cứu của các chuyên gia Đại học Cao đẳng London (Anh), trong nỗ lực giải mã bí ẩn lâu nay về tình trạng hôn nhân một vợ một chồng ở loài người.

Theo nhà nhân loại học Christopher Opie, chế độ một vợ một chồng đóng vai trò chủ đạo trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên, nguồn gốc của nó vẫn là một bài toán đố khó giải đối với cộng đồng khoa học. Trong tự nhiên, sự kết hợp của giống đực và giống cái tùy thuộc theo từng giống loài. Khoảng 90% số loài chim chóc sống thành đôi, nhưng con số này ở động vật có vú chưa đến 3%. Con người và các loài linh trưởng khác rơi vào khoảng giữa, với khoảng 25% giống loài kết đôi đến trọn đời, theo chuyên gia Opie. Điều gì khiến một số loài quyết định theo chế độ một bạn tình còn những loài khác thoải mái trong vấn đề luyến ái? Các nhà khoa học đã đưa ra 3 cách giải thích khác nhau.

Đầu tiên, hai phụ huynh sẽ dễ đáp ứng nhu cầu của lũ con hơn trong quá trình nuôi chúng trưởng thành. Khả năng thứ hai là “bảo vệ bạn tình”, tức con đực cần phải ở gần con cái để đánh đuổi những con đực đối thủ. Cuối cùng là con đực gắn kết với con cái để bảo vệ hậu duệ trước sự tấn công của các con đực khác, những kẻ có ý đồ tiêu diệt lũ con để con cái có thể sẵn sàng kết đôi và thụ thai tiếp. Để lần theo cuộc hành trình tiến hóa của chế độ một vợ một chồng, chuyên gia Opie và đồng sự đã dựng nên một cây phả hệ gia đình khổng lồ, dựa trên dữ liệu di truyền của các mối quan hệ giữa các loài linh trưởng. Kế đến các nhà nghiên cứu sử dụng những mô hình thống kê để xác định thời gian xảy ra sự thay đổi hành vi, chẳng hạn như sự xuất hiện của thói quen cha mẹ chăm sóc con cái.

“Chúng tôi đã mô phỏng thành công hàng triệu lần tiến hóa trải rộng theo cây phả hệ và thu hoạch được các khả năng về những thay đổi hành vi theo thời gian”, Opie giải thích. Các mô hình cho thấy tình trạng tử vong ở hậu duệ (do con đực khác giết hại) trong các loài linh trưởng đã trùng vào sự thay đổi hành vi của mẹ chúng, chuyển từ thói quen kết đôi với nhiều con đực khác sang quan hệ một vợ một chồng. Kết quả cũng cho thấy những hành vi khác, như sự chăm sóc của phụ huynh, cũng bắt nguồn từ chế độ độc hôn, theo báo cáo trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences.

Dựa vào các phát hiện trên, chuyên gia Opie cũng suy ra rằng sự thay đổi trong quan hệ hôn phối có liên quan đến sự gia tăng kích thước bộ não. Ở linh trưởng, kích thước não phát triển khi các nhóm xã hội đông đúc hơn, có nghĩa là thời gian làm mẹ của con cái dài hơn, trong khi xuất hiện nhiều con đực trong cộng đồng. Do vậy, đối với con đực, giết chết hậu duệ của con cái là một chiến lược để khiến con cái chuyển về tình trạng sẵn sàng thụ thai một lần nữa. Đồng tác giả cuộc nghiên cứu, Giáo sư Robin Dunbar của Đại học Oxford cho rằng quan hệ độc hôn ở tổ tiên loài người có thể chỉ diễn ra sau khi những chi người thông minh hơn xuất hiện, có lẽ trong 100.000 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, đối với một vài nhà khoa học, bí ẩn của quan hệ hôn nhân một vợ một chồng vẫn chưa được giải quyết. Tiến sĩ Maren Huck của Đại học Derby nhận xét rằng ở một số loài linh trưởng, con cái chỉ sinh sản mỗi năm một lần nên dù mất con vẫn không thể tăng vòng sinh sản của chúng được. Ngoài ra, có những loài khỉ cổ đại vẫn theo đuổi chế độ hôn phối chung thủy, và hành vi này chẳng ăn nhập gì đến kích thước não bộ lớn hay nhỏ.

Phi Yến

>> Con người hạnh phúc nhất ở độ tuổi nào?
>> Khỏe mạnh hơn nhờ hôn nhân hạnh phúc
>> Tẩy trang: Phút giây hạnh phúc
>> Càng nhiều tiền càng hạnh phúc?
>> Ngày hạnh phúc nhất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.