Đi dọc Hà Nội - Kỳ 3: Ba 'thần đèn' họ Vương

05/09/2013 03:15 GMT+7

Đình chùa thời xưa bị sụt lún, ngập do mưa lũ thường phải nhờ vả vào các thợ mộc cao tay. Ba thần đèn họ Vương là một trong số các nghệ nhân đó.

Thời Lý, chùa được xây dựng khá nhiều vì các vua triều Lý rất mộ đạo. Tùy theo dân vùng đó khấm khá hay nghèo đói mà chùa được dựng to hay nhỏ. Đến khoảng thế kỷ 15, đình bắt đầu mọc lên, đình thờ thành hoàng thường là các anh hùng dân tộc, người có công khai hoang lập ấp hay mang nghề về cho làng đó. Và cũng như chùa, có đình to, đình nhỏ vì phụ thuộc vào sức dân đóng góp. Vật liệu xây chùa, đình chủ yếu là gạch đất nung, xây bằng vôi trộn với mật mía nên rất chắc, chịu được khí hậu nóng và lạnh, mái gỗ lợp ngói vảy cá.

Chùa Láng xưa  d 
Chùa Láng xưa - Ảnh: Tư liệu

Thời Trần đã cho đắp đê quai vạc từ đầu nguồn ra biển nhưng đê không cao nên vào mùa mưa lũ, nước dâng lên khiến một số chùa, đình nằm ven sông Hồng bị úng ngập dẫn đến nghiêng hay lún. Văn bia không chép lại nhưng dân gian truyền rằng đời Lý, đình Lãng Bạc (nay thuộc P.Phú Thượng, Q.Tây Hồ) bị lún nên các cụ trong làng phải họp tìm cách nâng đình lên. Tuy nhiên, cũng không rõ là phường mộc nào đã nâng đình.

Đình làng Chèm thờ Lý Ông Trọng, một người làng có thân hình khổng lồ đã có công theo An Dương Vương đánh giặc ngoại xâm. Khi đi sứ sang nước Tần, vua Tần Thủy Hoàng đã nhờ ông đem quân đi đánh giặc Hung Nô và chiến thắng nên Tần Thủy Hoàng đã phong cho ông chức Tư Lệ Hiệu Úy rồi gả công chúa với ý đồ muốn giữ ông ở lại nước Tần nhưng ông từ chối xin về nước. Đình Chèm xây trên diện tích rộng khoảng 3 mẫu Bắc bộ theo hướng bắc, hướng hiếm thấy khi xây chùa.

Tam quan ngoài có bốn cột rất cao nên được coi là "bốn trụ cột bên sông Nhị". Qua tam quan là sân rộng hai bên có nhà bia vuông bốn mái trong đó có hai tấm bia đá. Vì đình nằm ngoài đê nên năm 1902, nước sông Hồng lên to làm đình bị ngập nặng gây hư hại nghiêm trọng, bị lún và nghiêng. Để tránh đình bị ngập nước vào mùa lũ những năm sau nên dân làng Chèm đã họp bàn, tìm phương án cứu đình. Có người đưa ra phương án dỡ ra làm lại nhưng phương án này quá tốn kém nên cuối cùng làng thống nhất cho mời nhiều phường thợ giỏi đến khảo sát và trình cách làm. Cuối cùng làng đã chọn phương án "kiệu đình" của Vương Đình Định với giá 5.000 đồng Đông Dương (khi đó công thợ chỉ khoảng 6 - 7 xu/ngày). Phường mộc của thợ cả Vương Đình Địch đã dùng gỗ làm đà, treo quang bỏ đá để nâng toàn bộ ngôi đình lên cao tới 2,4 m. Hiện tại trên tấm bia đá ở đình dựng đầu thế kỷ 20, tiến sĩ Nghiêm Xuân Quảng đã ghi công Vương Đình Địch, người làng Văn Trì có công "kiệu đình".

Xuất xứ dòng họ Vương Đình

Vương Đình Địch người làng Vân Trì, xưa làng nằm trong vùng Diễn gồm 7 làng: Phú Diễn, Đức Diễn, Đình Quán, Ngọc Mai, Ngọc Long, Nguyên Xá và Văn Trì. Cuối thế kỷ 19, thôn Kiều Trì (nay Văn Trì thuộc xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội) tách riêng ra thành lập xã Văn Trì. Tuy nhiên, việc đổi tên không biết chính xác là năm nào vì trong bản khoán ước của làng viết năm 1895 vẫn còn gọi là thôn Kiều Trì thuộc xã Phú Diễn, nhưng trong quyết định ông Nguyễn Trọng Húc làm lý trưởng viết năm 1901 thì thấy ghi là Văn Trì. Sở dĩ có tên Kiều Trì là vì cửa đình có một con ngòi thoát nước chảy quanh nên làng phải bắc cầu cho dân đi. Sau này thì ngòi bị lấp để làm đường.

Tên Văn Trì do Vương Duy Trinh, đỗ cử nhân khoa Canh Ngọ (1870), cuối thế kỷ 19, ông này làm Tổng đốc Thanh Hóa đã góp tiền làm đình và bắc cầu bằng đá ở cửa đình. Văn Trì có 3 họ lớn gồm họ Vương, Vũ và Nguyễn, trong họ Vương có Vương Văn, Vương Đình và Vương Duy. Theo ông Vương Đình Xuân, năm nay 68 tuổi, xưa chỉ có Vương Văn, nhưng khi hai chi của Vương Văn mâu thuẫn đến mức không thể giải quyết được nên nhân chuyện làng xây đình đã đổi từ Văn sang Đình vì thế mới có Vương Đình. Họ Vương có nghề mộc, chuyên dựng nhà, đình, chùa, nổi tiếng khắp Thăng Long, dù không ghi chép nhưng thợ mộc họ Vương qua các đời đều tham gia xây dựng các công trình trong Hoàng thành nên mới có câu "bất Vương gia bất thành thành" (có nghĩa: Không có nhà họ Vương thì không có thành Thăng Long).

Cũng theo Vương Đình Xuân, đầu những năm 1940, ông nội của ông là Vương Đình Bá và bố là Vương Đình Ngân đã bắn chùa (tức: kê chùa lên cao, từ chuyên dùng trong nghề thợ mộc xưa) Đình Quán (ở thôn Đình Quán, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm) khi ngôi chùa này bị nghiêng vì lún sụt. Chùa Đình Quán xây vào đời Trần, trải qua nhiều lần trùng tu cùng thăng trầm của lịch sử đến nay vẫn là ngôi chùa lớn và đẹp. Vì chùa Đình Quán bị lún không giống như đình Chém nên Vương Đình Bá và con trai Vương Đình Ngân vừa kích bằng con lăn gỗ vừa chêm cho đến khi phần lún cao ngang bằng với nền cũ thì cho gia cố móng. Công việc tiến hành trong nửa năm với mấy chục thợ. Năm 1953, chùa Láng cũng bị lún một phần và sư trụ trì đã cho mời hai cha con Vương Đình Bá vì tin tưởng vào tay nghề của họ. Chùa Láng không chỉ là di tích lịch sử mà còn là thắng cảnh nổi tiếng của đất Thăng Long, một nhà nho đã có thơ vịnh:

Đệ nhất tùng lâm có phải đây?

Có ai cho vãi hỏi thăm thầy

...

Chùa được xây vào đời vua Lý Anh Tông (1138 - 1175) trên diện tích rộng 4 mẫu Bắc bộ. Giữa sân có lầu bát giác, với mười sáu mái đao, đây là nơi rước thánh ra làm lễ mộc dục và lễ dâng hoa trong ngày hội. Hai bên lầu bát giác có tả hữu vu mỗi bên 9 gian. Những ghi chép cho thấy đời Lý chùa có 100 gian. Những năm 1920, chùa Láng là bối cảnh cho phim Kim Vân Kiều, bộ phim đầu tiên do người Việt Nam sản xuất và thủ vai. Công việc cũng không dễ dàng nhưng bằng kinh nghiệm đã nâng chùa Đình Quán, hai cha con đã hoàn thành xuất sắc công việc. Như vậy trong nửa đầu thế kỷ 20, ba người trong nhánh Vương Đình của họ Vương đã trở thành những thần đèn đầu tiên của Hà Nội. Cuộc sống thay đổi, bây giờ con cháu Vương Đình cũng không còn theo nghề cha ông nữa, kể ra cũng tiếc...

Nguyễn Ngọc Tiến

>> Đi dọc Hà Nội - Kỳ 2: Chiếc váy phụ nữ Hà thành
>> Đi dọc Hà Nội: Những con ma đất Hà thành  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.