Cà Mau: Phát triển đồng bộ hệ thống thủy lợi

03/08/2013 09:00 GMT+7

Tình trạng nước mặn thường xuyên xâm nhập sâu vào đất liền, đặc biệt ở những vùng được quy hoạch ngọt hóa, khiến đời sống và sản xuất của người dân Cà Mau gặp không ít khó khăn.

Tình trạng nước mặn thường xuyên xâm nhập sâu vào đất liền, đặc biệt ở những vùng được quy hoạch ngọt hóa, khiến đời sống và sản xuất của người dân Cà Mau gặp không ít khó khăn.

Đầu tư manh mún

Thời gian qua, một số hộ dân ở vùng ngọt hóa đã lén phá đập ngăn mặn, thậm chí nông dân ở xã Tân Lộc Bắc (H.Thới Bình) còn “mạnh dạn” cho phương tiện cơ giới đào mương để đưa nước mặn vào nuôi tôm trên ruộng lúa đang thực hiện “cánh đồng mẫu lớn”. Việc tự ý dẫn nước mặn vào vuông tôm, sau đó xả ra kênh, mương đã làm cho tình trạng nhiễm mặn trong nội đồng trở nên trầm trọng.

Ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình, nhiều cống đập thủy lợi được đầu tư hàng tỉ đồng, giờ gần như mất tác dụng. Chẳng hạn như xã Khánh Hội (H.U Minh), do địa hình trũng, thấp nên vào mùa mưa bão thường bị ngập chìm trong nước. Hằng năm, người dân chịu thiệt hại hàng trăm héc ta lúa và hoa màu. Để khắc phục tình trạng trên, Nhà nước đã cho xây dựng cống Giáo Bảy và đập T25 giáp ranh với xã Khánh Bình Tây Bắc (H.Trần Văn Thời). “Tuy nhiên, mỗi lần xã muốn xả nước đều bị người dân xã Khánh Bình Tây Bắc phản đối, bởi theo nhiều hộ dân ở đây, việc làm này sẽ gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất. Chúng tôi thường phải  “cầu cứu” lãnh đạo H.Trần Văn Thời”, ông Huỳnh Hoàng Tương, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hội cho biết.

Theo ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, do nguồn vốn đầu tư quá ít, nên địa phương chủ yếu sử dụng nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí hằng năm khoảng 80 tỉ đồng. Thiếu vốn nên các công trình thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt và chống tràn ở nhiều nơi chỉ dừng lại ở mức chắp vá tạm thời. Điển hình như kênh Cua Le Le (xã Khánh Hưng, H.Trần Văn Thời), 10 năm nay chưa từng được nạo vét. Vào mùa mưa, nước tràn bờ gây ngập úng; còn mùa hạn, kênh cạn nước, việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân rất khó khăn.

Cà Mau: Phát triển đồng bộ hệ thống thủy lợi
Vùng ngọt hóa của tỉnh được đầu tư cống ngăn mặn, song không đồng bộ - Ảnh: Chí Tín

Xây dựng thủy lợi đa mục tiêu

Sản xuất tôm - lúa được xem là mô hình bền vững trên cùng một diện tích, mùa mưa có nước ngọt sản xuất lúa, mùa nắng lấy nước mặn nuôi tôm. Do chưa xây dựng được hệ thống thủy lợi đồng bộ, nên nông dân Cà Mau phải chịu cảnh ngập nặng khi mưa nhiều và thiếu nước sản xuất lúc khô hạn. Để giải quyết tình trạng này, ông Nam cho rằng phải quy hoạch hợp lý 2 vùng sản xuất trọng điểm Nam và Bắc. Cà Mau cần xây dựng hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, để đảm bảo cùng lúc phục vụ trồng lúa và nuôi tôm. Ở vùng Bắc, hệ thống thủy lợi sẽ hỗ trợ cho việc sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản nước ngọt, còn vùng Nam đáp ứng sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi phải kiểm soát được nguồn nước mặn - ngọt phù hợp với từng mùa vụ sản xuất. “Để xây dựng được hệ thống thủy lợi hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất thực tế, Cà Mau cần nguồn vốn đầu tư khoảng 14.000 tỉ đồng”, ông Nam cho biết.

Hiện đang vào mùa mưa bão, vấn đề xâm nhập mặn tại các vùng ngọt hóa đã bớt căng thẳng, bởi độ mặn nước sông giảm. Tuy nhiên, tình trạng vỡ bờ bao do mực nước dâng cao có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt là vùng ngọt hóa. Vấn đề cấp bách hiện nay là Cà Mau cần có chính sách quy hoạch hợp lý, bổ sung nguồn vốn đầu tư kịp thời để xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, đảm bảo cho đời sống và sản xuất của người dân.

Theo quy hoạch cơ cấu sản xuất, Cà Mau có 2 vùng trọng điểm là Nam và Bắc với 23 tiểu vùng, tổng kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi gần 4.500 tỉ đồng. Mặc dù T.Ư và địa phương đã quan tâm đầu tư, nhưng hơn 12 năm qua, nguồn vốn mới đáp ứng được trên 10%, chỉ đủ khép kín tương đối 7 tiểu vùng. Do kinh phí có hạn nên năm 2012, Cà Mau chỉ có thể bố trí vốn cho khoảng 100/170 công trình thủy lợi. Trong khí đó, những năm qua, Cà Mau luôn là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích nuôi trồng cũng như kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Mục tiêu đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh sẽ đạt 5 tỉ USD, riêng năm 2013 là 1 tỉ USD.

Chí Tín

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.