Tiêu chảy mùa đông

28/12/2007 15:18 GMT+7

Số bệnh nhi mắc tiêu chảy do vi-rút đang tăng trong những ngày gần đây. Theo các bác sĩ, thời điểm gần cuối năm là lúc "tiêu chảy mùa đông" xảy ra rất nhiều.

Hiểu sai về bệnh

Trong những tuần gần đây, số trẻ đến khám, điều trị bệnh tiêu chảy do vi-rút tăng cao tại các bệnh viện (Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Xanh-pôn, Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội). Tại Bệnh viện Bạch Mai, nếu như những tháng trước, số bệnh nhi đến điều trị tiêu chảy do vi-rút rải rác thì ở thời điểm hiện nay riêng khoa  Nhi tiếp nhận 10-25 cháu đến khám mỗi ngày. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai: "Rota vi-rút là nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy trong những tháng đông xuân hằng năm, vì vậy, bệnh còn được gọi là "tiêu chảy mùa đông".

Trẻ mắc tiêu chảy do vi-rút khởi đầu thường có triệu chứng: sốt nhẹ, nôn, sau đó tiêu chảy, phân thường nhiều nước, đi nhiều lần trong ngày gây mệt mỏi, sụt cân, kém ăn. Bệnh xảy ra phần lớn ở trẻ 6 tháng đến 5 tuổi. Tiến sĩ Dũng cho biết thêm: đây là lứa tuổi mà sức đề kháng của trẻ còn kém nên dễ mắc hơn. Bệnh cũng dễ lây lan do giữ vệ sinh cá nhân không đảm bảo. Do đó, nên chăm sóc, giữ ấm cũng như đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Nếu trẻ mắc bệnh đang ở tuổi mẫu giáo cần cho trẻ nghỉ ngơi tại gia đình, vừa đảm bảo sức khỏe và phòng lây cho các trẻ khác. Ngay trong gia đình cũng rất cần lưu ý phòng bệnh, kể cả với người lớn.

Nếu không giữ vệ sinh tốt, bệnh tiêu chảy do vi-rút có thể lây lan trong các thành viên gia đình, ngay cả người lớn cũng mắc, mặc dù mức độ nhẹ hơn nhờ sức đề kháng tốt. Cần quản lý chất thải (phân, dịch nôn); dành chậu giặt riêng đồ có dính chất thải. Rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ bị bệnh cũng như nên có thói quen giữ vệ sinh hằng ngày. 

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, qua thực tế khám và điều trị cho thấy mặc dù tiêu chảy do vi-rút  ở trẻ em không phải bệnh lạ hay bệnh khó, nhưng còn rất nhiều người lớn chưa hiểu hết, hiểu sai về bệnh. Không ít gia đình vẫn chủ quan cho rằng, tiêu chảy do... mọc răng hay tướt mọc răng, vì vậy, có phần chủ quan. Chỉ đến khi trẻ diễn biến nặng lên mới đưa đi khám và điều trị. Có thể do lứa tuổi, nên trẻ có thể mắc tiêu chảy trùng với thời kỳ mọc răng nên người lớn hiểu lầm. Nguyên nhân gây tiêu chảy không liên quan đến mọåc răng thông thường.

Bù nước đúng cách

Tiêu chảy do vi-rút với trẻ khỏe, sức đề kháng tốt có thể diến biến nhẹ, sau đó khỏi mà không điều trị. Tuy nhiên, không ít trẻ diễn biến nặng lên, đi tiêu nhiều lần trong ngày, thì cần được xử lý sớm. Nguy hiểm nhất là tình trạng trẻ bị mất nước. Đây không phải là mất nước thông thường, có thể uống bù bằng nước lọc, mà là mất điện giải (muối, kali, can-xi...) - những thành phần cơ bản rất cần cho sức khỏe. Nếu nghiêm trọng sẽ dẫn đến sốc trụy tim mạch, tụt huyết áp thậm chí tử vong. Theo các bác sĩ, "Việc làm cơ bản nhất, rất cần thiết, tránh dẫn đến tử vong cho trẻ là bù nước kịp thời". Nước bù cho trẻ là oresol, có chứa các thành phần cần thiết chống mất điện giải. Tuy nhiên, lưu ý, cần bù nước đúng cách. Trẻ được uống nước từng thìa nhỏ, chừng 3-5 thìa lại nghỉ vài phút, sau đó lại cho uống tiếp, đây là cách bù nước kiểu "câu dầm", từng ít một để ruột có thể hấp thu được. Cũng cần lưu ý thêm, nên bù kẽm cho trẻ mắc tiêu chảy, theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc này đã được ghi nhận là giúp hỗ trợ tăng miễn dịch cơ thể, rút ngắn thời gian tiêu chảy. Việc sử dụng các thuốc điều trị cần theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nam Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.