Hành trình đến thiên đường ảo - Kỳ cuối: Lạc giữa “lục địa đen”

30/12/2009 11:24 GMT+7

Từ miền Trung họ được đưa qua châu Phi. Từ châu Phi họ sẽ được đưa tới các khu rừng nước Pháp và tìm cách vượt biên qua Anh. Đường dây này có lúc đưa cả trăm người sang Tanzania.

Chỉ một vài người sau đó may mắn được đưa tới Pháp, hầu hết bị bỏ rơi tại châu Phi dù đã đóng một số tiền lớn cho đường dây. Ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình có hàng chục người ôm mộng đi Anh nhưng phải đến châu Phi và Pháp rồi trở về trắng tay.

Đi Anh từ... châu Phi

Cầm đầu đường dây này, theo người lao động, là ông H.M.Đ. - chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty AS (tên công ty được viết tắt - PV) để đưa đi Anh. Người lao động cho biết họ được ký hợp đồng lao động và trở thành nhân viên của Công ty AS. Sau khi được hợp thức hóa, công ty sẽ gửi cho họ một thông báo đi làm việc tại nước ngoài. Điểm đến là nước Cộng hòa Tanzania với mục đích làm cho chi nhánh của công ty tại nước này.

Sau đó, theo lời hứa hẹn của ông Đ., họ sẽ được đưa qua Anh với nhiệm vụ “khảo sát thị trường cho công ty”, người nào không qua được đường này sẽ được đưa đến Pháp rồi từ đó tìm cách sang Anh.

Bằng thủ đoạn nói trên, tháng 10-2007 ông Đ. đã tổ chức cho anh P.Khiêm cùng năm người khác quê Quảng Bình bay đi Tanzania. Trước nhóm của anh Khiêm, ông Đ. cũng đã tổ chức đưa nhiều nhóm khác. “Tính từ cuối năm 2007 đến cuối năm 2008, ông Đ. đã đưa qua Tanzania gần cả trăm người và cho sống chung trong một tòa nhà do chính ông Đ. thuê làm trụ sở Công ty V.Z.” - anh Khiêm cho biết. Ông Đ. hứa với mọi người chỉ sống ở Tanzania khoảng hai tháng sẽ đưa qua Anh. Nhưng nhóm của anh Khiêm và hàng chục người khác đã phải sống tại châu Phi gần cả năm trời.

Đầu tháng 6-2009 một nhóm sáu người cũng thất thểu trở về từ Indonesia sau mấy tháng chờ đợi đi Anh và Úc nhưng bất thành. Tiếp xúc với những người này họ cho biết có gần 30 người chủ yếu quê Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Phòng... đều được các đường dây tổ chức đi Anh, Úc bằng đường du lịch để tìm cách lao động chui. Họ cũng mất ít nhất 6.000-25.000 USD cho các đường dây lừa đảo, nhưng sau mấy tháng ở Indonesia đành trở về trắng tay.
 
Để người lao động khỏi nóng ruột chờ đợi, ông Đ. đã bày ra trò tạo công ăn việc làm cho người lao động bằng cách mở mấy shop áo quần để “các nhân viên Công ty V.Z bán hàng tìm thu nhập thêm”. Chị Viễn Thị Huyền (quê
Bố Trạch, Quảng Bình) cũng được ông Đ. thu xếp bán hàng quần áo trong sáu tháng với mức lương 200 USD/tháng. Nhưng bán hàng sáu tháng, chị Huyền cùng nhiều người khác chỉ được trả hai lần lương, mỗi lần chưa đến 2 triệu đồng rồi không còn được nhận thêm đồng nào. Trong thời gian chờ đợi, ông Đ. chỉ lo cơm nước hằng ngày cho người lao động.

Tới tháng 6-2008 hàng chục người lao động rơi vào bi kịch khi ông ta biến biệt tăm. “Đó là thời gian ông Đ. thông báo và tổ chức cho nhóm sáu người, trong đó có anh Khiêm, đi Pháp và 10 người khác đi Anh rồi biệt tăm, bỏ rơi chúng tôi ở lại châu Phi” - chị Huyền kể lại giọng còn đầy căm phẫn.

Bị bỏ rơi, hàng chục người không biết số phận sẽ ra sao vì tiếp tục đi sang Anh hay Pháp thì không biết đường, còn muốn về VN lại không có tiền. “Chúng tôi lúc ấy bàn tính anh em nào còn tiền thì gom lại mua thức ăn chờ đợi tiền

từ gia đình gửi sang mua vé máy bay về VN và chờ ngày ông Đ. quay lại” - anh Võ Thanh Việt (ngụ Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình) ngậm ngùi kể. Nhưng niềm hi vọng vào tin tức ông Đ. ngày một xa mờ, cuối cùng tất cả số người bị bỏ rơi đành mua vé về VN và truy tìm ông Đ..

Phía sau thiên đường ảo

May mắn hơn hàng chục người khác, anh Khiêm với năm người bay chung đợt từ VN qua được ông Đ. tổ chức đi Pháp. Sang Pháp, cả nhóm sống ở Paris hai tháng rồi bị đưa vào rừng Lognes sống với hàng chục người khác chờ cơ hội vượt sang Anh.

“Trong quá trình ở rừng, ngày nào chúng tôi cũng được đưa tới các bãi xe tải đang đậu lấy xăng để tìm cơ hội chui vào thùng xe, gầm xe, trên mui xe... mà trốn qua Anh. Kể từ khi được đưa vào rừng, tôi tham gia vượt biên bảy lần nhưng đều thất bại. Có lần bị chủ xe phát hiện, có lần xe dừng lại nghỉ ngơi ở trạm, có người tưởng đã sang tới Anh nên nhảy xuống bị phát hiện và cả nhóm bị bắt trả về lại” - anh Khiêm kể.

Đến lần thứ tám cũng là ngày 8-8-2008, anh Khiêm cùng ba người quê Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng tiếp tục thử vận may. Anh Khiêm trốn được vào thùng xe, những người khác chia nhau trên mui xe, dưới gầm xe... Chuyến hành trình kéo dài gần 12 giờ khiến ai cũng đói lả, khát nước và mệt mỏi nhưng không dám rời chỗ.

Chuyến đi ấy may mắn lọt qua các trạm của Pháp và qua được đất Anh, nhưng chưa kịp mừng thì ngay trạm đầu tiên của nước Anh cả nhóm bị phát hiện và bị bắt về trại giam. Ở trại giam này có 50 người khác bị bắt từ các chuyến vượt biên trước đó. Ở trong trại được năm tháng, tất cả mọi người sau đó được Tổ chức IOM (Tổ chức Di trú quốc tế) mua vé và làm thủ tục trở về VN.

Trong gần 100 người đi theo đường dây do ông Đ. tổ chức, ở Quảng Bình có gần 50 người trắng tay trở về, trong đó tại Bảo Ninh, Đồng Hới đã có khoảng 30 người. Hầu hết đều đã đóng tiền cho ông Đ. hay cò môi giới. Người thấp nhất 160 triệu đồng, người cao nhất cũng trên 30.000 USD.

Dẫn đường cho chúng tôi qua Bảo Ninh gặp những đồng hương bị nạn như mình, anh Khiêm cho biết tổng cộng anh mất cho chuyến đi này khoảng 30.000 USD, trong đó tiền nộp ông Đ. là 25.000 USD và tiền chi tiêu hết 5.000 USD. Số tiền này là tích cóp của hai vợ chồng trong hơn chục năm và vay mượn người thân. “May là mình không phải vay ngân hàng để đi, nếu không giờ này có bán nhà cũng trả không hết”.

Không may mắn như anh Khiêm, anh Võ Thanh Việt đóng cho đường dây 13.000 USD bằng tiền vay ngân hàng, trở về trắng tay, không tìm gặp được ông Đ. nên số tiền coi như một đi không trở lại. “Túng quá gia đình tôi phải cắn răng bán một miếng đất để trả nợ ngân hàng. Giờ thì ra biển mưu sinh chứ có cho vàng tôi cũng không dám đi Anh lần nữa” - Việt bùi ngùi kể lại. Theo lời Việt, trong khu vực xã Bảo Ninh còn có nhiều người bị lừa như Việt, trong đó có chị Dung cũng bán đất để trả cho ngân hàng 200 triệu đồng. Nhưng bi đát nhất là những người không có đất để bán bởi họ làm nghề đi biển.

Sau giấc mộng tìm kiếm thiên đường ảo, giờ đây họ trở về đối diện cùng sự thật đau lòng: người thì nằm bệnh viện, người tan nát cơ nghiệp, nợ nần. Cái kết của thiên đàng ảo là một thực tại ê chề...

Theo Hồ Văn (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.