'Cậu bé người dơi' và những giấc mơ khiến trái tim thổn thức

19/11/2013 15:00 GMT+7

(TNO) Ngoài câu chuyện đầy tính nhân văn về cậu bé người dơi Miles Scott, Make-A-Wish đã từng biến hơn 270.000 ước mơ cuối cùng của những đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo khác trên toàn thế giới thành sự thật.

(TNO) Toàn bộ nước Mỹ vào tuần trước đã dõi mắt theo câu chuyện cảm động về cậu bé người dơi (Batkid), một bệnh nhân 5 tuổi bị mắc bệnh ung thư máu có ước mơ được trở thành người hùng giải cứu thế giới.

>> Cậu bé người dơi cứu thành phố


Cậu bé người dơi Miles Scott - Ảnh: AFP

Cậu bé Miles Scott, 5 tuổi, đã phải chiến đấu chống lại căn bệnh hiểm nghèo nói trên từ khi mới được 20 tháng tuổi.

Trong khi căn bệnh có dấu hiệu giảm nhẹ sau đợt hóa trị gần nhất vào tháng 6, ước mơ lớn nhất của Scott là được sống phần đời còn lại như một người hùng - cụ thể là trở thành người dơi.

Với sự giúp đỡ của hàng ngàn người dân San Francisco (Mỹ), tổ chức Make-A-Wish đã tổ chức một sự kiện đặc biệt gây chú ý toàn thế giới bằng cách kết hợp nhiều hoạt động với vai diễn anh hùng cho cậu bé.

Ngoài câu chuyện đầy tính nhân văn về cậu bé người dơi Miles Scott, Make-A-Wish đã từng biến hơn 270.000 ước mơ cuối cùng của những đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo khác trên toàn thế giới thành sự thật.

Sau đây là 5 trường hợp nổi bật nhất, theo bình chọn của trang tin Care2 (Mỹ).

1. Lính cứu hỏa Bopsy

Frank "Bopsy" Salazar là “khách hàng” đầu tiên của tổ chức Make-A-Wish.

Khi được mẹ hỏi muốn làm gì khi lớn lên, Frank "Bopsy" Salazar, một bệnh nhân ung thư máu 6 tuổi người Mỹ sống tại thành phố Phoenix, nói cậu muốn trở thành lính cứu hỏa.

Mẹ của cậu bé đã đến sở cứu hỏa địa phương, giải thích về trường hợp của con trai mình và hỏi nhân viên ở đó rằng liệu có thể cho phép con trai mình ngồi trên xe cứu hỏa một vòng không.

“Chúng tôi có thể làm hơn thế nữa. Nếu bà có thể chuẩn bị cho cậu bé vào 7 giờ sáng thứ 4, chúng tôi sẽ biến cậu nhà thành một người lính cứu hỏa danh dự trọn cả ngày. Cậu có thể đến sở cứu hỏa, ăn với chúng tôi và đi chữa cháy trong thành phố”, một người lính cứu hỏa cho biết.

“Và nếu cho tôi kích cỡ của cậu bé, chúng tôi sẽ làm một bộ đồng phục lính cứu hỏa cho cậu”, người này nói thêm.

Cùng với sự hỗ trợ từ Make-A-Wish, 3 ngày sau lực lượng cứu hỏa địa phương đến tận bệnh viện đón Bopsy, mặc đồ cứu hỏa cho cậu và đưa cậu lên xe cứu hỏa.

Có ba cuộc gọi yêu cầu chữa lửa ngày hôm đó và Bopsy tham gia giải quyết cả ba trường hợp.


“Lính cứu hỏa” Bopsy đang tác nghiệp - Ảnh: tvaraj.com

Nhờ những tình cảm mà cộng đồng địa phương dành cho mình, Bopsy đã sống được 3 tháng lâu hơn thời gian bác sĩ ước tính.

Rồi một đêm trong bệnh viện, cậu bé đã ra đi thanh thản trong vòng tay của người thân và có cả sự chứng kiến của lực lượng cứu hỏa.

2. Tuyển thủ bóng chày Sam

Sam, một cậu bé Mỹ 11 tuổi, rất mê môn bóng chày, nhưng không chơi được do cậu mắc chứng neuroblastoma, căn bệnh ung thư hủy hoại gây ảnh hưởng lên thần kinh, ngay từ nhỏ.

Make-A-Wish đã xây hẳn một sân bóng chày để thực hiện ước mơ được chơi bóng chày của bệnh nhân ung thư nhỏ tuổi, nhờ sự đóng góp, hỗ trợ của người dân bang Mississippi, nơi Sam cư ngụ.


Cùng với sự giúp đỡ hết mình của cộng đồng người dân trong vùng Sam cư ngụ, Make-A-Wish đã xây hẳn một sân bóng chày cho cậu bé - Ảnh minh họa Reuters

Vào ngày ra sân, Sam đã chọn ra 18 người bạn để tạo thành một đội và cậu làm người quản lý.

Toàn bộ người dân trong vùng đã đi xem đội của Sam và cậu chính là người ném lượt bóng đầu tiên.

3. Nicole và buổi khiêu vũ năm cuối cấp

Nicole là một cô gái trẻ 17 tuổi người Mỹ bị mắc phải chứng bệnh Rhabdomyosarcoma, một bệnh ung thư hiếm tấn công các mô mềm.

Các bác sĩ cho biết cô không sống nổi đến tháng 5, thời điểm diễn ra buổi khiêu vũ cuối năm cấp ba của Nicole, vốn là sự kiện mà cô ước ao được tham dự.

Để biến ước mơ cuối đời của Nicole thành hiện thực, Make-A-Wish đã tổ chức một buổi khiêu vũ sớm trên một du thuyền và mời khoảng 100 bạn học của Nicole tham dự để khiến sự kiện trở nên giống với một buổi khiêu vũ cuối năm cấp 3 thông thường.


Make-A-Wish đã biến giấc mơ được tham dự buổi khiêu vũ cuối năm cấp 3 của Nicole thành hiện thực - Ảnh minh họa The Salt Lake Tribune 

Mặc dù bệnh tật khiến Nicole quá yếu không thể khiêu vũ được, nhưng cô đã được chào đón như một nữ hoàng của buổi khiêu vũ. 

4. Ca sĩ Angel trong buổi hòa nhạc

Dù bị mắc chứng bệnh ung thư hiểm nghèo Rhabdomyosarcoma, nhưng Angel, một cô gái trẻ 18 tuổi người Hồng Kông, đã thề rằng sẽ sống hết mình trong từng ngày còn lại của cuộc đời mình.

Ước nguyện của Angel là được tham gia trình diễn trong một buổi hòa nhạc cho bạn bè, người thân và hàng xóm xem.

Make-A-Wish đã biến ước mơ của Angel thành hiện thực và cô đã được trình diễn một số sáng tác của mình cùng với cả một ban nhạc.


Angel trong buổi thu âm bài hát do chính cô sáng tác - Ảnh: Make-A-Wish

Bài hát Wish (Điều Ước), một trong những sáng tác của cô, đã được ghi âm lại và được dùng để kêu gọi quyên góp tiền cho tổ chức Make-A-Wish để thực hiện những ước mơ khác cho trẻ em bị bệnh hiểm nghèo.

5. Ben Duskin và game về ung thư


Ben Duskin - Ảnh chụp màn hình video bản tin CNBC News 

Vào năm 2004, Make-A-Wish đã giúp cậu bé người Mỹ Ben Duskin, một bệnh nhân ung thư khi đó 9 tuổi, thực hiện ước mơ của mình. 

Cũng bị ung thư máu, Ben có một ước mơ - đó là kết hợp đam mê trò chơi điện tử của mình với ước muốn mang lại niềm vui cho những đứa trẻ cùng cảnh ngộ.

Ý tưởng của Ben là tạo ra một trò chơi điện tử cho thấy căn bệnh ung thư sẽ tác động như thế nào đối với cơ thể, nhưng cậu muốn đây không chỉ là một trò chơi giáo dục khô khan, mà phải lý thú.

Mặc dù việc phát triển trò chơi này rất tốn kém và tốn nhiều thời gian, nhưng kết quả đạt được rất đáng kể. Đã có hàng chục ngàn người tải về trò chơi miễn phí này, bao gồm các bác sĩ và những bệnh nhân ung thư.

“Cháu chỉ muốn các bạn hiểu về tác động của thuốc đối với cơ thể họ và cách mà thuốc giúp điều trị bệnh. Cháu mong các bạn học cách không đầu hàng căn bệnh, kiên trì điều trị nếu không sẽ không có tiến triển gì hết. Hãy cứ thoải mái và vui chơi”, Ben cho hay.

Tổ chức Make A Wish ra đời mùa hè năm 1980 sau khi một nhóm cảnh sát tại Arizona thực hiện điều ước của Chris Greicius, một cậu bé 7 tuổi con trai của một người bạn, được làm cảnh sát.

Họ quyết định tiếp tục công cuộc này cho nhiều đứa trẻ bị bệnh hiểm nghèo khác với tâm niệm một điều ước nhỏ có thể mang đến thay đổi lớn.

Hoàng Uy

>> Siêu bão Hải Yến: Cảm động chuyện sĩ quan và đứa bé cứu nhau
>> Cảm động chuyện hiến gan cứu chồng cũ
>> Bức thư cảm động của một người con viết về mẹ nhiễm HIV
>> Chuyện cảm động về cậu bé khuyết tật tứ chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.