Xem dân Sài Gòn chống...."bão"

19/11/2008 11:48 GMT+7

Lại thêm một cơn bão được dự báo... sai. Bão đã chệch lên phía bắc vào các tỉnh Nam Trung Bộ. Quả là may cho dân TP. Mặc dù vẫn biết, dân TP không hứng bão thì địa phương khác cũng lại "gánh". Nhưng miền Nam mà!

Mấy khi mới thấy bão. Thế mà trước đó, ngành khí tượng thuỷ văn lại dự báo bão rơi "trúng phóc" vào TP. Chúng tôi "nhanh nhảu" vượt 70km xuống huyện biển duy nhất của TP để xem người dân Sài Gòn "ra chiêu" chống bão thế nào...

Vô tư quá!

Cơn bão số 10 xuất hiện trên biển Đông rơi vào thời điểm cái "hạn" gần 23.10 (âm lịch). Ông bà nói: Bão lụt 23.10, ông tha mà bà chẳng tha, quả đúng thật. Theo dự báo, cơn bão hình như ngược với quy luật đã "bổ sầm" vào các tỉnh phía nam. Lâu lắm rồi, mọi người mới thấy đường đi của bão chếch xuống dưới vào những vùng đất ít gặp bão. Cần Giờ là huyện có biển duy nhất tại TPHCM. Nghe dự báo có bão, ngay từ sáng sớm ngày 17.11, UBND TP đã có văn bản hoả tốc gửi đến tất cả các cơ quan chức năng trên địa bàn TP và đặc biệt yêu cầu lãnh đạo huyện Cần Giờ phải di dời khẩn cấp trên 2.800 người dân ở xã đảo Thạnh An vào đất liền để tránh bão.

Từ bến phà Bình Khánh, chúng tôi phóng xe khoảng 2 giờ mới đến thị trấn Cần Thạnh. Con đường thẳng tắp chạy giữa rừng đước không một chút gió, trời ít mây. Chúng tôi đã từng chứng kiến cảnh trời quang, mây tạnh trước cơn bão lịch sử Xangsane (bão số 6) đổ bộ vào miền Trung và hậu quả tàn khốc của nó nên cũng thấy lo lo. Ngay bến cầu tàu tạm (Cầu Đen) của thị trấn, chúng tôi chứng kiến hàng trăm người dân của xã đảo Thạnh An được tàu của biên phòng sơ tán vào đất liền và được chuyển lên xe đi thẳng vào nhà văn hoá.
 
Ông Trần Văn Hải - 71 tuổi - người dân xã Thạnh Bình vừa xuống tàu vào đất liền cùng với gia đình đã cho biết: "Mấy mươi năm nay, tui có thấy gì đâu, bão có mấy khi mới vô được Sài Gòn. Có vào thì cũng chỉ phủi bụi. Theo lệnh chính quyền thì tui đi thôi". Dòng người được di dời đang nối đuôi nhau tay xách, nách mang từ trên tàu bước xuống bến. Nhiều người vừa đi, vừa nói cười rôm rả... như hội mà không có một chút lo sợ cơn bão đang đến gần mình. Hai bên đường, những dãy nhà của người dân tại thị trấn Cần Thạnh vẫn dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra.

Những mái nhà tranh lụp xụp chẳng biết đổ sập lúc nào cũng không được người dân chèn chống lại. Sát mé biển, chỉ dăm ba nhà xúc cát đổ vào bao như có lệ để tạm trên mái. Hình như cơn bão số 9 năm 2006 vẫn chưa khiến mọi người lo sợ. Mặc cho chính quyền ra lệnh cấm tàu thuyền ra khơi từ 0 giờ ngày 17.11, nhưng tại cầu sắt của cơ sở sửa chữa cơ khí ở thị trấn Cần Thạnh, chúng tôi vẫn thấy có vài chiếc tàu nhỏ lén lút nổ máy chạy ra hướng biển. Từ thị trấn Cần Thạnh, chúng tôi theo tàu của Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng TP đang di dời và vận chuyển phao cứu sinh, áo mưa cho người dân trên xã đảo Thạnh An.

Đại tá Phạm Văn Sơn - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng - cho biết: "Chúng tôi đã được lệnh của TP huy động 3 tàu lớn để đưa khoảng 2.500 người dân ra khỏi đảo trước 16 giờ ngày 17.11". Vượt biển khoảng 30 phút trên tàu cứu hộ, mọi người mới đến được xã đảo Thạnh An. Trái với sự lo lắng và cấp tập của lực lượng biên phòng, nhiều ngư phủ trên những chiếc tàu to - nhỏ đang neo đậu gần đảo vẫn vô tư mở bàn nhậu. Đại tá Sơn phì cười rồi chỉ cho chúng tôi xem các "chiến tửu" đang cụng ly và lắc đầu: "Vô tư đến thế là cùng!". Tàu cập vào cầu cảng của Đồn biên phòng 554 (xã đảo Thạnh An). Nước triều đã xâm xấp vượt qua mặt đường cầu dẫn.

"Thiết quân luật"

Xã đảo Thạnh An gồm 3 ấp: Thiềng Liềng, Thạnh Bình và Thạnh Hoà. Toàn xã có gần 4.600 người dân. Trong đợt di dời này, người dân ở ấp Thiềng Liềng được phép ở lại do nằm ở vị trí khuất gió. Còn các ấp Thạnh Bình và Thạnh Hoà thì được lệnh di dời bắt buộc. Theo thống kê của xã Thạnh An, trên 2.500 người của 2 ấp phải di dời vào nơi an toàn trước 16 giờ cùng ngày. Mỗi nhà cử lại 1 người mạnh khoẻ để trông tài sản và chống chọi với bão. Trên 1.000 người dân được lệnh phải bám trụ.
 
Ông Nguyễn Hữu Hiệp - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - cho biết: "Để di dời được số lượng người dân lớn vào đất liền, cả huyện phải huy động hơn 750 người thuộc các lực lượng biên phòng, thanh niên xung phong và các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc. Tuy nhiên, đến 13 giờ cùng ngày, theo ông Hiệp còn hơn 1.000 người dân chưa chịu di dời, huyện sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế".
 
Đại tá Phạm Văn Sơn - người đã có "thâm niên" giúp dân di dời từ cơn bão số 9 năm 2006 - cho biết: "Năm nay, chúng tôi phải áp dụng "thiết quân luật" để di dời người dân". Ba chiếc tàu cứu hộ lớn của bộ đội biên phòng hoạt động hết công suất đã thực hiện được 24 chuyến đưa người dân vào đất liền. Những chiếc loa phóng thanh được bố trí nhiều điểm quanh xã ra rả thông báo thông tin về bão.

Chủ tịch xã Nguyễn Văn Tốt - với đôi dép nhựa, áo thun, quần ống cao, ống thấp lăng xăng chạy lui, chạy tới để ra lệnh miệng cho mọi người. Khi chúng tôi hỏi: Nếu bão đổ vào với cường độ mạnh thì trên 1.000 người dân ở lại đảo sẽ trú ẩn ở đâu? Không cần suy nghĩ, ông nói ngay: "Chúng tôi đã tìm được 3 địa điểm an toàn lắm. Cả ba điểm này có thể chứa được trên 1.500 người. Còn lương thực thì đã được dự phòng trên 8.800 gói mì ăn liền, gần 5 tấn gạo và 17.000 lít dầu".

Một cuộc họp chớp nhoáng giữa lãnh đạo xã và Bộ Đội biên phòng TP. Một bản kế hoạch chi tiết đã được đưa ra: "Sau khi vận chuyển người dân vào bờ, các tàu của bộ đội biên phòng sẽ nhận thêm trách nhiệm túc trực cứu hộ. Các tàu này đậu ở ngã ba Gò Da để khi có sự cố sẽ xuất phát nhanh chóng đến các điểm cần thiết".

Có mấy khi bão vô mà chống với chọi... (?!)

Đảo có vẻ vắng lặng hơn những ngày bình thường vì đã có trên 2.000 người của hai ấp đã được đưa vào đất liền. Những người còn lại hối hả theo chuyến tàu cứu hộ cuối cùng của lực lượng kiểm ngư. Tuy nhiên, càng vào hướng sâu trong đảo mới thấy được sự thờ ơ của người dân. Hình như họ vẫn chưa tin là có bão đến.

Thậm chí, có người chẳng cần quan tâm bão bọt là gì. Ông Trần Văn Hiệp - 53 tuổi, ấp Thạnh Bình - ngồi trước nhà thản nhiên đốt thuốc như không có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi hỏi: "Sao ông không đi vào đất liền trú bão với mọi người?", ông thong thả nhả khói thuốc, giọng lào khào: "Cả đời tui có thấy bão đâu. Miền Nam làm gì mà có bão. Tui sống ở đây từ nhỏ, tui biết mà. Tui ở lại để nhìn thấy bão cho biết..." - ông nói xong rồi cười một tràng dài. "Trước khi bão đến, mọi người nhanh chóng chằng chống nhà cửa..." - mặc cho tiếng loa phóng thanh đang vang lên lời cảnh báo, người dân dọc tuyến đường bêtông chính trong xã chỉ biết bắc ghế trước nhà ngồi tán gẫu. Nhà lợp tôn, ngói, lá vẫn không thấy một bao cát chằn lên trên.

Chuẩn bị chuyến tàu cuối cùng rời đảo, tại ấp Thạnh Hoà, chúng tôi vẫn còn chứng kiến gia đình ông Võ Văn Đực (72 tuổi), số nhà 106 vẫn ung dung cùng vợ con và cháu nhỏ ra ngồi hóng chuyện. Ông nói cả nhà ông có 6 người và chẳng có chuyện gì phải sợ bão vì đã có ghe nhà. "Bão à. Tui cũng có nghe nói. Mọi người trong xã cứ đi trước, tui có ghe nhà mà. Khi có bão, tui sẽ cho ghe nổ máy và đưa cả nhà vào đất liền". Chúng tôi đoán chắc 100% là ông quyết định bám trụ lại nhà chứ chẳng đưa vợ con đi đâu cả. Ông quên rằng, lãnh đạo xã đã cấm cho ghe tàu tư nhân ra biển ngay từ sáng sớm...

Lại một lần nữa dự báo sai. Nam Bộ mấy khi có bão vào. Người dân cũng có cái lý! Bão không vào Nam Bộ hoá ra lại mừng. Quả thật, nói dại mồm, nếu bão có đến thì sự chủ quan của những người dân trên đảo sẽ chịu hậu quả như thế nào? Đến 18 giờ cùng ngày, chúng tôi nhận được tin báo bão đã chệch hướng. Mừng cho các tỉnh phía nam ít có kinh nghiệm chống bão, nhưng lại lo cho những người dân miền Trung lại phải chịu thêm cái "hắt hơi" của đất trời. Thôi! Đó cũng là bài diễn tập di dời dân cho người Sài Gòn vậy! Nói thì nói vậy, cứ dự báo theo kiểu dự báo "trật trìa" như cơn bão vừa rồi thì e rằng đến khi có bão vào thật, chẳng biết người dân có chịu di dời không...

Theo Võ Tuấn - Vinh Hải / Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.