Ngân hàng e dè chợ

30/12/2007 22:37 GMT+7

Nhu cầu vay vốn ngân hàng (NH) của tiểu thương, hộ kinh doanh vào thời điểm cuối năm đang gia tăng. Nhưng các NH vẫn còn e dè.

Là gia đình chuyên kinh doanh nữ trang vàng bỏ sỉ cho các tiệm vàng tại TP.HCM, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (Q.Tân Bình, TP.HCM) vừa vay 780 triệu đồng tại NH TMCP An Bình (ABBANK) trong thời gian 12 tháng. Chị Thủy cho biết: "Số tiền vay NH sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động. Lãi trả hằng tháng và sau 12 tháng mới trả gốc. Trước khi vay, tôi đã tham khảo một số NH.

Gia đình tôi muốn vay nhiều hơn, khoảng 90% nhu cầu vốn, nhưng hầu hết các NH cho vay bổ sung vốn lưu động chỉ từ 60% - 80% nhu cầu vốn. Các tiểu thương, hộ kinh doanh như chúng tôi hiện nay rất cần vốn. Nếu NH nâng hạn mức cho vay cao hơn nữa thì những người kinh doanh như chúng tôi sẽ thuận lợi hơn". Ông Đàm Thế Thái, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân ABBANK cho biết: "Sau nhiều tháng triển khai sản phẩm cho tiểu thương, hộ kinh doanh vay vốn, lượng khách hàng ngày càng tăng cao. Đặc biệt, hiện nay khi các tiểu thương, hộ kinh doanh đang đẩy mạnh quy mô và số lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân".

Số tiền các NH cho tiểu thương, hộ kinh doanh vay vẫn còn rất thấp. Các NH thường cho vay mỗi khoản dưới 100 triệu đồng nếu thế chấp bằng quyền sử dụng sạp, còn tiểu thương muốn vay cao hơn phải thế chấp bằng bất động sản hoặc những tài sản khác. Theo lý giải của các NH, thói quen dùng tiền mặt, kinh doanh không hóa đơn chứng từ của các tiểu thương, hộ kinh doanh là khó khăn mà NH gặp phải khi cho vay vốn. Một cán bộ tín dụng NH cổ phần cho biết, do đặc thù của các tiểu thương, hộ kinh doanh như vậy nên NH rất khó xác định được doanh thu, thu nhập của khách hàng khi quyết định cho vay. Bởi thế các NH không mấy mặn mà cho đối tượng này vay vốn nếu không có tài sản thế chấp là bất động sản.

Một số NH tuy đánh giá tiểu thương, hộ kinh doanh là đối tượng tiềm năng trong dịch vụ tín dụng, nhưng khi xây dựng kế hoạch cho nhân viên xuống tận nơi để cho vay và thu hồi nợ hằng ngày thì không thực hiện được vì chi phí bỏ ra sẽ cao hơn so với các đối tượng vay vốn khác. DongA Bank nhận thế chấp quyền sử dụng sạp có xác nhận của ban quản lý chợ về địa chỉ sạp, chủ quyền sạp và giá trị sạp mà không cần các giấy tờ chứng minh thu nhập. DongA Bank còn cử nhân viên tín dụng thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các chợ, doanh số mua bán mỗi tháng...

Trong số ít các NH triển khai cho hộ kinh doanh, tiểu thương vay bổ sung vốn lưu động, đầu tư mới hay nâng cấp sạp chợ..., ABBANK là NH cho vay với hạn mức khá cao. Với dịch vụ YOUshop, ABBANK cho vay 80% giá trị tài sản đảm bảo và tối đa 5 tỉ đồng đối với hộ kinh doanh, tiểu thương có giấy phép kinh doanh, 500 triệu đồng đối với trường hợp không có giấy phép kinh doanh. Thời gian vay tối đa 5 năm, thời gian ân hạn 6 tháng. Lãi suất cho vay từ 1,05% - 1,08%/tháng, áp dụng trong suốt thời gian vay.

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.