Chim cũng biết “bảo kê”

22/11/2010 16:20 GMT+7

Nghiên cứu mới cho thấy loài chèo bẻo sa mạc Kalahari, hay còn gọi là chèo bẻo đuôi chĩa, hoạt động như thành viên của một băng bảo kê cho các loài chim khác.

Theo nhóm chuyên gia Đại học Bristol, Cambridge (Anh) và Cape Town (Nam Phi), nghiên cứu này cho thấy hai loài động vật phát triển từ quan hệ ký sinh sang hỗ sinh như thế nào.

Tiến sĩ Andrew Radford, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Do chèo bẻo sa mạc Kalahari (tên khoa học là Dicrurus adsimilis) là loài chim ký sinh chuyên nhào xuống trộm thức ăn của các loài khác, bạn sẽ nghĩ rằng chúng ít lộ diện trong thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên là chèo bẻo đậu ngay bên trên những con chim hét cao cẳng đang lục tìm thức ăn bên dưới, và thông báo sự hiện diện của mình bằng cách phát ra tiếng kêu đặc trưng trong khoảng 4-5 giây”.

Khi nhóm chuyên gia phát lại âm thanh chèo bẻo cho một nhóm chim hét, họ nhận thấy chúng giãn ra trên một phạm vi rộng và ít ngước cổ lên hơn. Điều đó cho thấy chúng ít lo ngại động vật ăn thịt rình rập khi có chim chèo bẻo canh chừng. “Chúng tôi nghĩ rằng chèo bẻo đã phát triển khả năng báo động cho chim hét biết sự hiện diện của chúng, giúp nhóm chim này lục tìm thức ăn hiệu quả hơn”, ông nói thêm.

Thế nhưng, cũng theo các chuyên gia, bất chấp dịch vụ “bảo kê” của chèo bèo hữu dụng đến mức nào, các con chim tìm mồi có phản ứng tốt hơn với những cuộc gọi báo động của đồng loại. “Có thể chim hét không tin tưởng mafia chèo bẻo bằng các con vật cùng loài với chúng”, ông Radford nói.

Việc nghiên cứu sâu sự đồng tiến hóa phức tạp giữa các loài vật cung cấp cho những nhà khoa học cách thức tìm hiểu các mối quan hệ quan trọng khác, chẳng hạn như giữa các loại thuốc và vi khuẩn. Nghiên cứu được đăng trên chuyên san Evolution thuộc Hội Nghiên cứu về sự tiến hóa của Mỹ.

Khang Huy (Theo Nature)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.