Năm 2009 tiếp tục khẳng định vị thế và tầm vóc của VN

01/01/2010 23:00 GMT+7

Vào buổi chiều cuối cùng của năm 2009, ông Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, đã dành cho Thanh Niên một cuộc phỏng vấn riêng. Ông nói:

- Đối với thế giới nói chung và nước ta nói riêng, năm 2009 là một năm đầy vất vả nhưng nhân dân ta đã kiên trì vượt qua những khó khăn, nhọc nhằn do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra. Chính điều đó cộng với việc thực thi nhất quán chính sách đối ngoại đầy tính nguyên tắc nhưng hết sức linh hoạt và cởi mở đã làm cho vị thế của đất nước trên trường quốc tế vốn đã được gây dựng trong những năm đổi mới càng cao thêm.

Về kinh tế, điều đó được thể hiện rõ trong kết quả của hội nghị các nhà tài trợ cuối năm 2009; còn về chính trị, nét nổi bật của năm 2009 là chúng ta đã hoàn thành tốt vai trò ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó 2 lần gánh trách nhiệm Chủ tịch hội đồng. Hai nét nổi bật về kinh tế và chính trị của năm 2009 đã nói lên vị thế, tầm vóc của VN”.

* Nhìn lại năm cũ, chắc ông cũng còn nhiều trăn trở?

- Ta hay nói “Thắng không kiêu, bại không nản”. Kinh nghiệm thực tế cho thấy một khi quá say sưa với thắng lợi, không chú ý đúng mức tới những thách thức thì dễ sinh chuyện. Năm qua ta đã thành công trong việc ngăn chặn đà suy giảm nhưng trước mắt chúng ta còn bộn bề biết bao nhiêu chuyện.

Phải đổi mới giáo dục một cách rất sâu sắc, rất toàn diện để thích nghi với thời đại công nghiệp hóa của đất nước, thích nghi với thời đại kinh tế tri thức toàn cầu.

Về kinh tế, nước ta đã đi sâu vào thể chế kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế và về đại thể chúng ta cũng biết rằng điều đó ẩn chứa cả những mặt tích cực lẫn tiêu cực, cả cơ hội lẫn thách thức. Nhưng những gì diễn ra trong năm qua làm cho chúng ta cảm nhận rõ hơn rằng, cần phải làm quen kỹ càng hơn với những quy luật vận động của chúng, những ngóc ngách của chúng, cần thành thạo hơn trong việc theo dõi, dự báo, ngăn chặn những tác động tiêu cực của chúng.

Trong cơn suy giảm chúng ta càng nhận diện rõ hơn những điểm yếu của kinh tế nước ta như hiệu quả tăng trưởng, chất lượng phát triển và cuộc sống còn thấp, thị trường trong nước chưa được quan tâm, hạ tầng cơ sở và chất lượng nguồn nhân lực còn quá nhiều bất cập, sự kết hợp hài hòa giữa sự điều tiết và quản lý của Nhà nước với sự vận động của quy luật thị trường không phải lúc nào cũng hài hòa, nhịp nhàng... Nếu không khắc phục được những mặt yếu kém như vậy thì trong những năm tới sẽ khó khăn.

Về quan hệ chính trị đối ngoại, chúng ta đã phát triển được quan hệ khá rộng nhưng có vẻ còn thiếu chiều sâu, chưa tạo nên tính tùy thuộc giữa nước ta và các nước.

* Theo ông, năm 2010 sẽ mở ra cơ hội gì cho đất nước phát triển?

- Năm 2010 là một năm rất đặc biệt vì là năm hậu suy giảm, nhưng lại phải làm sao kết thúc thành công kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chuẩn bị hành trang đi vào 10 năm cuối để đưa đất nước lên bậc thang mới là nước công nghiệp. Điều đó cho thấy năm 2010 tổng hòa nhiều nhiệm vụ: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn và như vậy là ta phải giải quyết đồng thời cả 3 loại nhiệm vụ ấy trong sự gắn kết với nhau.

Trong khi giải quyết nhiệm vụ ngắn hạn hậu suy giảm, kết thúc tốt kế hoạch 5 năm rất cần chú trọng tới những nhiệm vụ dài hạn, chí ít là tới 2020. Muốn vậy, theo tôi, có lẽ điều quan trọng nhất là tái cấu trúc lại nền kinh tế theo nghĩa rộng. Đương nhiên, tái cấu trúc là công việc thường xuyên và lâu dài nhưng trong những thời điểm nhất định cần có những cú hích, những khâu đột phá. Thời điểm 2010 có 4 nét đặc trưng: một là, phải khắc phục những di chứng của suy giảm, những yếu kém đã bộc lộ trong cơn “cảm cúm kinh tế” vừa qua; hai là, thiên hạ người ta tái cấu trúc cả, mình không bắt kịp sự chuyển biến ấy thì sẽ càng tụt hậu xa hơn, nhất là về chất lượng phát triển; ba là, nước mình đã “lên hạng” nước có thu nhập trung bình, cho dù mới chỉ bước chân vào ngưỡng cửa thôi; và bốn là, mình đang bước vào chặng nước rút để trở thành nước công nghiệp - một việc rất khác với các nước công nghiệp hóa trước, ngay trong những năm 60-70 của thế kỷ trước chứ chưa nói đến thế kỷ XVIII-XIX.

Có lẽ cái cần đột phá trước hết là về mặt tư duy theo hướng làm sao bắt nhịp trúng những xu thế lớn của thời đại về phát triển, chuyển hóa sự phát triển của mình từ chiều rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng. Thực ra chuyện này nói thì dễ song làm thì rất khó. Ví dụ, một mặt ta vẫn cần đạt tốc độ tăng trưởng cao để tránh tình trạng tụt hậu ngày càng xa, nhưng mặt khác lại phải bảo đảm cho sự tăng trưởng ấy chịu cái giá thấp nhất về đầu tư, môi trường, chất lượng cuộc sống, không xảy ra những sự mất cân đối vĩ mô. Hay là ta không thể không mở rộng thị trường, thu hút thêm nguồn lực từ bên ngoài, nếu không sẽ khó cả ở đầu vào lẫn đầu ra của nền kinh tế nhưng lại phải làm sao phát huy được tiềm năng của thị trường 86 triệu người... Hoặc ta không thể quay về cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp và phải kiên trì theo đuổi thể chế thị trường nhưng làm sao điều tiết được hợp lý giữa vai trò Nhà nước và thị trường. Nói tóm lại, cái gì cũng có 2 mặt, nhiều khi mâu thuẫn nhau, vấn đề là làm sao chọn lựa cho trúng thứ tự ưu tiên. Đây là vấn đề lớn nhất của kinh tế năm 2010.

* Chúng ta đã hội nhập sâu và rộng ở cuộc chơi toàn cầu, ông đánh giá như thế nào về sự thích ứng của các doanh nghiệp VN đối với những khó khăn khi tham gia “sân chơi” này?

- Người VN có một đặc thù là thích ứng rất nhanh, trong thời chiến cũng như thời bình. Ta dần dần ra khỏi đà suy giảm, tất nhiên là nhờ tác động của chính sách nhà nước nhưng cũng phải nhận biết những nền tảng của nền kinh tế VN làm cho ta đỡ bị va đập. Chúng ta vẫn còn là nước nông nghiệp nên tận dụng được lợi thế của nước nông nghiệp, khủng hoảng nhưng xuất khẩu gạo lại cao nhất trong lịch sử.

Chúng ta có một thị trường nội địa rất lớn, chính lúc khó khăn bên ngoài thì thị trường nội địa như là cái đệm đỡ cho những thiệt hại do thị trường ngoài nước co hẹp. Kinh tế nước ta đã hội nhập sâu song về tài chính - tiền tệ - ngân hàng thì chỉ mới bước chân vào ngưỡng cửa. Các doanh nghiệp của ta phần lớn đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ nên xoay xở nhanh. Và bao trùm lên cả là dân ta có khả năng thích ứng nhanh. Thực tế lịch sử cho thấy, trong cả thời chiến lẫn thời bình thì dân là nhân tố quyết định. Không có người lãnh đạo nào có thể thay người dân xoay xở được, Nhà nước chỉ có thể hướng dẫn bằng chủ trương, chính sách hợp lý.

* Ông là người có công lớn trong việc đàm phán ký kết Hiệp định thương mại Việt Mỹ, và VN gia nhập WTO. Chắc lúc đó ông kỳ vọng rất nhiều cho đất nước, thực tế những năm qua những điều mà ông kỳ vọng có trở thành hiện thực?

- Tất cả đều vượt rất xa kỳ vọng của tôi, dệt may lúc đi đàm phán mới xuất được có 50 triệu USD, bây giờ lên tới 6 tỉ USD và riêng sang Mỹ đã trên 4 tỉ USD. Không bao giờ tôi dám nghĩ đến những con số đó. Hay như đầu tư nước ngoài, tôi có ngờ đâu năm 2008, 1 năm sau khi gia nhập WTO nó lên tới mấy chục tỉ. Thế mới biết, tiềm năng của đất nước mình khá lớn, khi có điều kiện là nó bùng lên rất mạnh.

* Thưa ông, như vậy chúng ta đã nắm bắt được tất cả các cơ hội để phát triển?

- So với tiềm năng của ta thì còn rất nhiều cơ hội mà ta có thể nắm bắt, tận dụng được. Muốn vậy thì nhân tố quyết định nhất là con người. Con người có đầu óc, trí tuệ, kiến thức, kinh nghiệm thì mới tận dụng được hết cơ hội. Ví dụ mình hiểu biết về thế giới còn ít quá, cả những mặt thuận cũng như những mặt hạn chế của nó. Khi dùng từ “mình” thì nên hiểu đó là mọi người, từ già tới trẻ, từ người lãnh đạo quản lý tới các doanh nghiệp và cả người dân nữa. Nếu không thay đổi mạnh mẽ sự hiểu biết của con người thì khó tận dụng hết được các cơ hội.

* Theo ông, đột phá trong yếu tố con người phải bắt đầu từ đâu?

- Có lẽ điểm xuất phát là đổi mới triết lý, hệ thống, phương pháp... giáo dục. Phải đổi mới giáo dục một cách rất sâu sắc, rất toàn diện để thích nghi với thời đại công nghiệp hóa của đất nước, thích nghi với thời đại kinh tế tri thức toàn cầu.

* Cơ hội phát triển cho đất nước còn nhiều, ông kỳ vọng gì ở thế hệ trẻ?

- Tôi tiếp xúc rất nhiều với thanh niên, sinh viên, học sinh vì những cuộc tiếp xúc như vậy làm cho mình trẻ ra, hiểu biết thêm nhiều điều. Thanh niên bây giờ khác chúng tôi rất nhiều. Bể kiến thức của thanh niên ngày nay rất lớn, khi chúng tôi mười mấy tuổi có biết gì lắm đâu. Bây giờ tầm tuổi đó lớp trẻ biết nhiều lắm. Thứ hai là thanh niên ngày nay cởi mở, mạnh dạn hơn chúng tôi nhiều. Hai nhân tố này sẽ là chủ bài giúp cho thế hệ trẻ tận dụng được cơ hội, làm cho nước giàu, dân mạnh. Tương lai của đất nước này là tùy thuộc vào thanh niên.

Xuân Toàn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.