Đưa lao động trở lại Hàn Quốc

11/10/2013 03:00 GMT+7

Trong tháng này, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cùng Bộ Lao động - Việc làm Hàn Quốc ký kết “Bản ghi nhớ đặc biệt về phái cử lao động sang Hàn Quốc theo chương trình Cấp phép việc làm (EPS)”.

Đưa lao động trở lại Hàn Quốc
Lao động tham gia kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính - Ảnh: T.H

Đây là tín hiệu đáng mừng cho thị trường lao động những tháng cuối năm.

Trao đổi với báo chí chiều 9.10, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho hay: “Trước đó, tháng 8.2012 Bộ Lao động - Việc làm Hàn Quốc đã tạm ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam do số lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng cư trú bất hợp pháp đang gia tăng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc triển khai các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước có nhiều dấu hiệu tích cực. Mọi nỗ lực cố gắng nối lại thị trường của phía Việt Nam đã được Hàn Quốc ghi nhận. Vì vậy, hai bên đang xúc tiến mở lại thị trường”.

Theo biên bản thỏa thuận giữa 2 bộ nói trên đã ký trong tháng 9, có 4 nhóm đối tượng sẽ được ưu tiên giới thiệu với các chủ sử dụng lao động bên Hàn Quốc, gồm: 11.096 lao động đã đỗ các kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn theo EPS vào tháng 12.2011 và tháng 8.2012; 755 ứng viên thuộc huyện nghèo đã đăng ký kiểm tra TOPIK - EPS tháng 8.2012 nhưng chưa được tham gia kiểm tra; hơn 2.000 lao động về nước đúng hạn, đã đỗ kỳ kiểm tra TOPIK - EPS trên máy tính mà chưa sang lại Hàn Quốc và các lao động trong ngành ngư nghiệp. Nếu thuận lợi, các lao động thuộc diện trên có cơ hội sang làm việc tại Hàn Quốc ngay trong năm nay.

Ông Choi Byung-gie, Giám đốc Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam (HRD), lưu ý: “Hồ sơ đăng ký tìm việc của lao động phải nộp cho Trung tâm lao động ngoài nước ngay khi bản ghi nhớ đặc biệt được ký. Trung tâm sẽ lập danh sách những lao động này chuyển sang Hàn Quốc, sau khi HRD Hàn Quốc thẩm tra sẽ giới thiệu những người được chứng nhận cho chủ sử dụng lao động. Hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam trong năm 2014 đến nay vẫn chưa thể biết được, vì Chính phủ Hàn Quốc sau khi quyết định số lượng lao động nhận theo hằng năm sẽ chia theo các quốc gia”. 

 

Chìa khóa sang Hàn Quốc vẫn chưa mở, để không bị mất tiền oan, người lao động cần cẩn trọng tìm hiểu thông tin chính thống trên các phương tiện thông tin đại chúng

Đào Công Hải
Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động - Thương  binh và xã hội

Lao động được vay vốn ưu đãi

Cùng với việc chuẩn bị ký kết, Bộ Lao động - Thương  binh - Xã hội cũng đang chuẩn bị công tác đưa lao động sang Hàn Quốc. “Chúng tôi đề nghị với các địa phương thông báo tới 11.000 lao động đã vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn. Phía Hàn Quốc ưu ái gia hạn thêm từ 14 - 15 tháng cho các chứng chỉ tiếng Hàn. Tuy nhiên, gần 2 năm qua, không sử dụng có thể tiếng Hàn đã bị mai một, nên trong thời gian tới chúng tôi sẽ bổ túc tiếng Hàn tập trung với mức học phí ưu đãi. Nếu ai không có nhu cầu học, có thể tự học. Còn số lao động trong ngành nông nghiệp chưa kiểm tra tiếng Hàn cũng sẽ được bổ túc trình độ để đảm bảo yêu cầu về chất lượng”, ông Minh nói.

Liên quan đến làm thủ tục cho người lao động, đại diện Bộ này cho hay, sẽ tiếp tục phối hợp với Lãnh sự quán và Đại sứ quán Hàn Quốc làm thủ tục visa cho người lao động. Thực hiện quyết định của Thủ tướng về việc thí điểm ký quỹ 100 triệu đồng với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, ông Minh chia sẻ: “Lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách - xã hội tối đa 100 triệu đồng để thực hiện việc ký quỹ. Bộ Lao động - Thương  binh - Xã hội, Bộ Tài chính và ngân hàng đã thống nhất trên tinh thần lãi suất tiền vay bằng với lãi suất tiền gửi. Thời hạn ký quỹ có thể kéo dài trên 4 năm 10 tháng”.

Trước thông tin Hàn Quốc sắp tiếp nhận lại lao động Việt Nam, tại nhiều địa phương một số đối tượng lợi dụng gọi điện, dụ dỗ ứng viên có chứng chỉ tiếng Hàn sắp hết hạn, muốn gia hạn phải mất tiền. Ông Đào Công Hải khuyến cáo: “Chìa khóa” sang Hàn Quốc vẫn chưa mở, để không bị mất tiền oan, người lao động cần cẩn trọng tìm hiểu thông tin chính thống trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Phạt trường hợp bỏ trốn ở lại Hàn Quốc

Theo ông Đào Công Hải, những trường hợp người lao động Việt Nam đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc cư trú trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động trước ngày 10.10.2013, nếu tự nguyện về nước trong thời gian 3 tháng (tính từ ngày 10.10 đến ngày 10.1.2014) sẽ được miễn xử phạt hành chính. Sau ngày này, những trường hợp trên sẽ bị phạt tiền đến 100 triệu đồng; đồng thời buộc phải về nước và không được đi nước ngoài làm việc trong 2 năm. Với những trường hợp bỏ trốn ngay tại sân bay và đối tượng dụ dỗ, lừa gạt, ép buộc lao động ở lại Hàn Quốc sẽ không được đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 5 năm.

Thu Hằng

>> Chuẩn bị cho thị trường lao động Đông Nam Á
>> Việt Nam nằm trong ba nước đe dọa thị trường lao động giá rẻ Trung Quốc
>> Thị trường lao động cuối năm
>> Chấn chỉnh để giữ thị trường lao động Malaysia
>> Khó hòa nhập thị trường lao động sau khi đi xuất khẩu về
>> Thị trường lao động cần tay nghề cao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.