Vụ án điệp viên trong lòng NATO

19/11/2008 22:18 GMT+7

Một quan chức của Estonia vừa bị bắt giữ vì đã thu thập thông tin mật của NATO và EU để bán cho Nga.

"Kẻ đi đêm"

Vị quan chức đó là Herman Simm, 61 tuổi. Theo báo The Times, vốn là người đứng đầu Cơ quan An ninh thuộc Bộ Quốc phòng Estonia nên Simm có nhiệm vụ xử lý tất cả các thông tin mật của nước này tại NATO. Nhờ đó, Simm có thể tiếp cận gần như tất cả mọi tài liệu được xếp vào hạng tối mật từ những thành viên khác thuộc liên minh này và cả những thông tin trao đổi giữa EU và NATO. Theo các nhà điều tra, những thông tin này sau đó đã được chuyển đến Cơ quan tình báo ở nước ngoài của Nga (SVR).

 

Herman Simm

Các nhà điều tra còn cho biết Simm đã liên lạc với tình báo Liên Xô từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Vào thời đó, Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) vẫn còn hoạt động và Estonia là một phần thuộc Liên Xô nhưng đang nỗ lực tách khỏi liên bang này. Đến khi giới chức NATO tiến hành bàn thảo tư cách thành viên của Estonia vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, Simm chính thức được Chính phủ Nga tuyển dụng, một thành viên của Quốc hội Estonia tên là Jaanus Rahumaegi mới đây tiết lộ. Sau khi Estonia gia nhập EU vào năm 2004, vị thế của Simm trong Chính phủ Estonia đã trở thành tài sản vô giá cho Moscow. Kể từ đó, Simm được xem là điệp viên đầy tín cẩn của Nga. Trong thời gian làm điệp viên, Simm cùng vợ là bà Heete đã chuyển những thông tin đầy nhạy cảm cho Moscow, trong đó có cả các thông tin về hệ thống lá chắn tên lửa và hệ thống an ninh mạng của Mỹ cũng như các hoạt động của NATO từ Kosovo cho đến Afghanistan, theo báo Daily Mail. Bà Heete, từng là luật sư tại các trụ sở cảnh sát quốc gia Estonia, cũng đã bị bắt giữ với các cáo buộc dính líu tới âm mưu phản quốc.

Sai lầm ngớ ngẩn

Sự nghiệp làm điệp viên Simm có lẽ vẫn còn tiếp diễn nếu ông này không phạm phải một loạt sai lầm ngớ ngẩn. Sai lầm thứ nhất là trong thời buổi công nghệ hiện đại này, Simm vẫn sử dụng một chiếc radio cũ kỹ được sửa lại thành máy liên lạc để hẹn gặp với đối tác, một người giả dạng một doanh nhân Tây Ban Nha thường đi lại khắp châu u. Theo các nhà điều tra, đối tác của ông Simm có thể là một nhân viên tình báo Nga có hộ chiếu giả mang quốc tịch Tây Ban Nha. Thứ hai là Simm đã gây sự chú ý của mọi người khi mua được nhiều miếng đất và nhà cửa có giá trị, trong đó có một trang trại trên bờ biển Baltic và một biệt thự lớn ở ngoại ô Tallinn, theo The Times. Nhiều chuyên gia cho rằng Simm có được tài sản lớn như vậy là nhờ bán thông tin mật cho Nga. Những sai lầm này kết hợp với việc đối tác của Simm đã bất cẩn khi tìm cách tuyển dụng thêm một kẻ nội gián thứ hai và chính người này đã báo sự việc lên giới chức an ninh Estonia, dẫn tới việc Simm bị bắt giữ hồi cuối tháng 9 vừa qua. Ông này bị buộc tội cung cấp thông tin mật cho nước ngoài. Các nhà điều tra cũng đang tìm hiểu thêm liệu Simm có phối hợp với quan chức Estonia nào khác nữa hay không, theo báo Daily Mail.

Các nhà điều tra cho rằng động cơ chính khiến Simm trở thành gián điệp cho Nga là do ông ta quá mê tiền và quyền lực, theo báo Postimees. Simm đã nhận hàng triệu USD từ việc bán thông tin cho Nga. Trong khi đó, một cựu quan chức cảnh sát cấp cao Estonia tiết lộ với báo Postimees rằng KGB có thể đã tuyển dụng Simm khi ông này bị bắt quả tang buôn lậu trong thời gian theo học tại Moscow hồi những năm 80. "Có tin cho rằng sự việc đó xảy ra tại Moscow khi Simm theo học tại Học viện cảnh sát và đã bị bắt vì buôn hàng lậu từ Estonia", vị quan chức này nói.

EU và NATO vào cuộc

Nhiều nhóm điều tra của EU và NATO, dưới sự giám sát của một quan chức Mỹ, đã đến thủ đô Tallinn của Estonia để đánh giá quy mô vụ việc. Một số chuyên gia lo ngại đây sẽ trở thành một vụ bê bối gián điệp lớn nhất thế giới kể từ vụ nhân viên CIA Aldrich Ames, một chuyên gia phản gián, bị bắt vì tội làm tình báo cho Moscow trong những năm đầu thập niên 90. Vụ việc này được xem là vụ vi phạm an ninh quốc gia tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trở lại vụ điệp viên Simm, ông ta đã thú nhận tội lỗi và cung cấp chi tiết về các hoạt động của mình, theo báo Postimees. Báo Telegraph cũng đưa tin rằng Simm có thể chính thức bị buộc tội vào đầu năm tới sau khi các chuyên gia NATO hoàn tất công việc điều tra. Nếu có tội, Simm có thể bị kết án từ 3-15 năm tù giam. Một quan chức Chính phủ Đức đã mô tả vụ bê bối này là một thảm họa trong khi ông Rahumaegi thì cho rằng vụ phản bội của Simm có thể gây ra một tổn thất lớn trong lịch sử Estonia.

Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.