Hợp lực

21/11/2008 09:13 GMT+7

Đó là một trong những biện pháp quan trọng để chủ động hạn chế tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới.

Tại sao phải hợp lực?

Trước hết, diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện có hai đặc điểm đáng lưu ý, đó là cuộc khủng hoảng đã lan nhanh từ lĩnh vực tài chính sang nhiều lĩnh vực kinh tế khác; lan nhanh từ một nước, từ một khu vực sang nhiều nước, nhiều khu vực khác trên toàn cầu. Mức độ thiệt hại đối với từng lĩnh vực, từng nước có thể trực tiếp/gián tiếp, nhanh/chậm, lớn/nhỏ hay nặng/nhẹ khác nhau, nhưng nếu không chủ động ứng phó thì nhiều khi sẽ là ngược lại: tưởng gián tiếp hóa ra trực tiếp, tưởng chậm hóa nhanh, tưởng nhỏ hóa lớn, tưởng nhẹ hóa nặng.

Việc hợp lực còn do quy mô của các doanh nghiệp VN còn nhỏ, vốn ít, trình độ quản trị còn thấp (số lao động bình quân 1 doanh nghiệp chỉ có 51 người; số vốn sản xuất kinh doanh bình quân 1 doanh nghiệp chỉ có 23,1 tỉ đồng; giá trị tài sản cố định bình quân 1 doanh nghiệp chỉ có 10,89 tỉ đồng…)

Hợp lực như thế nào?

Trước hết, các doanh nghiệp VN cần tập trung cạnh tranh với các đối thủ lớn từ nước ngoài, tránh cạnh tranh thiếu lành mạnh với nhau. Xin đưa ra một vài ví dụ. Khi các ngân hàng thương mại gặp khó khăn về thanh khoản, một số ngân hàng đã đưa lãi suất cho vay lẫn nhau lên đến 20 - 30, thậm chí tới 40%/năm, một số ngân hàng khác lại tranh đưa lãi suất cho vay xuống dưới mức lãi suất huy động của các ngân hàng nhỏ. Như vậy, nhiều ngân hàng nhỏ gặp khó khăn lớn; Trong lúc xuất khẩu của VN gặp khó khăn, thì một số doanh nghiệp tranh mua với giá cao, tranh bán với giá thấp; Trong khi chỉ số giá chứng khoán xuống quá thấp, liên tục lập "đáy mới", chỉ còn bằng một phần ba "đỉnh", thì nhiều công ty phát hành lớn làm pha loãng, cổ đông nội bộ đẩy mạnh bán ra, nhiều nhà đầu tư "cắt lỗ", "chốt lãi"…

Một giải pháp của hợp lực là chủ động hợp tác, liên kết, thậm chí sáp nhập vừa để tăng sức mạnh nội lực, vừa để tăng sức cạnh tranh để chủ động hạn chế tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu. Việc này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách vĩ mô, các cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp cần khẩn trương tính đến!

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.