Năng lực cạnh tranh vận tải Việt Nam thấp nhất châu Á

12/11/2005 00:17 GMT+7

Ngày 11/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kết hợp với Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam (VAMA) tổ chức hội thảo về hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải ô tô. Các ý kiến sẽ được tập hợp trước cuộc họp của Thủ tướng với giới doanh nghiệp vào tháng 12 tới.

Chi phí ngày càng cao 

Phát biểu mở đầu cuộc hội thảo, ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch VCCI nói: "Chi phí của ngành vận tải và chi phí vận tải trong các doanh nghiệp tự làm dịch vụ vận tải quá cao, trong đó các khoản chi phí không chính thức chiếm phần lớn". Ông Túc cho rằng, tình trạng hệ thống cơ sở giao thông vận tải yếu kém, nhiều loại phí và lệ phí bất hợp lý, giá xăng dầu  tăng cao... đang là những thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh. 

Nhất trí với ý kiến của ông Túc, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch VAMA cho rằng, "nhiều quy định trong chính sách về quản lý giao thông hiện nay là  rất bất hợp lý". Ông Hùng nói:  "Tốc độ giới hạn cho xe ô tô 16 năm qua không thay đổi trong khi Nhà nước đã đầu tư hàng trăm ngàn tỉ đồng vào nâng cấp đường sá và nhu cầu vận tải hàng hóa thì tăng mạnh". Cụ thể hơn về điều này, ông Đoàn Công Giáo, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Quang Ninh cho biết: "Ở nước ta, hiện có khoảng 250.000 ô tô tải nhưng mỗi xe chỉ chở được trung bình 1,7 tấn/ngày. Phần do đường xấu, phần vì hạn chế tốc độ nên các xe chỉ chạy được khoảng 35 km/giờ. Ở các nước, một đầu xe của họ chạy bằng 3-4 đầu xe của mình".

24,5% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, các biện pháp xử lý vi phạm giao thông vừa qua là "không có tác dụng"; 51% số lái xe cũng đồng ý với ý kiến này. 71,4 % số doanh nghiệp cho rằng, các biện pháp đó chỉ làm tăng chi phí vận tải và 63,3% cho rằng các quy định hiện hành tạo điều kiện cho nhũng nhiễu. 78,8% số lái xe cũng trả lời là quy định xử phạt hiện nay "chỉ tạo điều kiện cho nhũng nhiễu".

Nguồn: Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng phàn nàn về quy định hiện hành bắt doanh nghiệp phải đăng ký xe đi theo tuyến mỗi năm một lần hoặc giam giữ xe vi phạm (lẽ ra chỉ bị phạt)... Đó cũng là những điều khoản bất hợp lý cần phải được dỡ bỏ.

Lãi ngày càng giảm

Cũng theo ông Đoàn Công Giáo: "Trước năm 2003, một xe tải lãi trung bình 3,5 triệu đồng/tháng. Nhưng đến năm 2004, lãi bằng không và bước sang năm 2005, đại đa số doanh nghiệp vận tải, theo tôi, đều bị âm".  Đánh giá về sự bất cập về quản lý vận tải hiện hành, ông Vũ Quốc Huy, Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển bức xúc: "Quy định của Nhà nước không đúng hướng đã triệt tiêu động lực đổi mới, phát triển của doanh nghiệp, chưa nói đến sức ép hội nhập"... 

Nhiều người còn cho rằng, trong khi chi phí, nhất là giá xăng dầu tăng cao nhưng doanh nghiệp không được chủ động tính toán tăng giá cước vận tải là điều rất bất hợp lý.  Ông Vũ Văn Tuyến - Giám đốc Công ty TNHH vận tải Hoàng Long cho rằng, việc kìm hãm giá cước của doanh nghiệp đã khiến các doanh nghiệp thực sự bị "nghèo đi". Ông Tuyến nói rằng riêng công ty của ông trong mấy tháng xăng dầu tăng giá giữa năm đã bị lỗ 2-3 tỉ đồng.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, năng lực cạnh tranh vận tải của Việt Nam hiện nay thấp nhất trong 10 nước châu Á. Tính theo thang điểm 7 là cao nhất, Việt Nam đứng cuối bảng, được 2,98 điểm, sau Philippines, Pakistan (3,24 điểm), Bangladesh (3,5 điểm). Đứng đầu là Malaysia (đạt 5,28 điểm) và Thái Lan (4,78 điểm), Trung Quốc (4,08 điểm).

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.