"Bể" giọng tuổi dậy thì

30/12/2007 21:42 GMT+7

Rối loạn giọng (hay thường gọi "bể" giọng) gây khó khăn trong giao tiếp cho trẻ khi bước vào tuổi trưởng thành. Khiến hiểu lầm giới tính Rối loạn giọng tuổi dậy thì là sự duy trì giọng nói của trẻ em sau khi đã dậy thì đầy đủ và thanh quản đã phát triển hoàn toàn, nghĩa là người đó có thanh quản của một người trưởng thành, nhưng lại không có giọng nói trưởng thành.

Việc bị rối loạn giọng này khiến cho nhiều người bị mặc cảm mỗi khi giao tiếp, và nhất là mỗi khi nói chuyện qua điện thoại làm cho người nghe hiểu lầm về giới tính. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung (Bệnh viện Tai - mũi - họng, TP.HCM) trình bày tại buổi truyền thông dành cho cán bộ y tế hôm 27.12 ở TP.HCM thì: khi mới sinh, kích thước thanh quản của trẻ em chỉ bằng 1/3 ở người trưởng thành. Trước tuổi dậy thì, đã có sự khác nhau giữa giọng nói nam và giọng nói nữ, nhưng rất kín đáo - chủ yếu là khác ở cường độ và âm sắc. Đến lúc dậy thì có sự biến đổi đột ngột giọng nói dưới tác động của nhiều yếu tố nội tiết. Ở trẻ nam, sự thay đổi giọng thường xuất hiện ở lứa tuổi 12-14, cùng thời điểm của sự phát triển nhanh của cơ thể và sự phát triển của hệ lông mao, sự thay đổi kích thước của thanh quản kéo theo sự thay đổi về giọng. Trước tuổi dậy thì, trẻ thường sử dụng giọng đầu, sau khi dậy thì, trẻ sử dụng giọng ngực, lúc này âm độ của giọng nói giảm một bậc, nhưng âm sắc thì trở nên sâu hơn, trầm hơn.

Cũng có một số nhà chuyên môn cho rằng, việc thiếu hụt dinh dưỡng trong thời kỳ dậy thì cũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của giọng nói...

Luyện giọng

Phần lớn những trường hợp bị rối loạn giọng đến khám tại Bệnh viện Tai - mũi - họng (TP.HCM) là từ 16-25 tuổi - tuổi đã biết ý thức về giọng nói khác thường của mình so với những người nam khác, hoặc đã trải qua những rắc rối, trục trặc (như bị nhầm là "chị" khi nói chuyện qua điện thoại, hay bị bạn gái chọc ghẹo vì giọng nói ẻo lả...).

Hiện nay, các khoa thanh học của các bệnh viện trên thế giới áp dụng phương pháp luyện giọng để giúp cho những người bị rối loạn giọng tìm lại giọng nói trầm của đàn ông. Qua chữa trị cho những trường hợp bị rối loạn giọng sau dậy thì tại Bệnh viện Tai - mũi - họng (TP.HCM) trong 5 năm qua, cũng cho thấy kết quả khả quan, với tỷ lệ thành công khoảng 87%, giúp bệnh nhân có lại được giọng nói nam cố định, nhờ đó họ tự tin hơn, mạnh mẽ hơn. Phác đồ mà các nhà chuyên môn áp dụng để luyện giọng bao gồm những bước cơ bản như: thư giãn, tập thở bụng, tằng hắng, phát âm, tập thở và phát âm, tập đọc (nhỏ, lớn, thấp, cao và kể chuyện), tập động tác môi miệng, tập phong cách, tập hát và phát âm theo đàn. Thông thường thì mỗi tuần tập 45 phút tại bệnh viện, sau đó tự tập tại nhà 2 lần/ngày, mỗi lần độ nửa giờ. Việc chữa trị không tốn kém gì nhiều về tiền bạc, chỉ cần người bệnh dành thời gian để luyện giọng.

Khánh Vy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.