ASEAN ra tuyên bố lịch sử về biển Đông

11/05/2014 08:40 GMT+7

Tuyên bố được đưa ra bởi các ngoại trưởng ASEAN trưa 10.5 tại Myanmar 'là sự ủng hộ đối với Việt Nam' trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông.

Tuyên bố được đưa ra bởi các ngoại trưởng ASEAN trưa 10.5 tại Myanmar “là sự ủng hộ đối với Việt Nam” trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông.

Ngoại trưởng các nước ASEAN chụp hình lưu niệm tại AMM
Ngoại trưởng các nước ASEAN chụp hình lưu niệm tại AMM - Ảnh: Thục Minh

Các ngoại trưởng ASEAN hôm qua đã họp 3 cuộc quan trọng gồm họp Ngoại trưởng (AMM), Hội đồng cộng đồng chính trị - an ninh và Hội đồng điều phối trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 24. Hình ảnh truyền trực tiếp về trung tâm báo chí hội nghị cho thấy các cuộc họp khá căng thẳng và kéo dài hơn dự kiến. Kết quả là: “Các bộ trưởng đã nhất trí ra một tuyên bố riêng của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tình hình biển Đông hiện nay với 4 điểm rất quan trọng”, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh thông báo với báo chí sau các cuộc họp bắt đầu từ 9 giờ sáng và kết thúc sau 2 giờ chiều. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1995, AMM ra tuyên bố riêng về một vấn đề cụ thể nóng bỏng.

 

Trước những căng thẳng trên thực địa vẫn đang tiếp tục leo thang, ASEAN cần phải đoàn kết và có phản ứng chung đối với tình hình nghiêm trọng này

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh

Trong bản “Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tình hình biển Đông hiện nay”, các ngoại trưởng “bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên biển Đông, đã làm gia tăng tình hình căng thẳng tại khu vực”. Tuyên bố “yêu cầu các bên liên quan thực hiện kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định của khu vực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”. Đây cũng chính là những nguyên tắc trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết với ASEAN năm 2002.

Tuy nhiên, bất chấp những cam kết, Trung Quốc ngày 2.5 đã ngang ngược đưa giàn khoan nước sâu khổng lồ Hải Dương-981 đặt vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chưa hết, tàu bè hộ tống giàn khoan của Trung Quốc, dưới sự yểm trợ của máy bay, còn chủ động tấn công gây thương tích và hư hại phương tiện thi hành nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam. Nhiều chính khách và học giả thế giới đã lên tiếng gọi những hành động đó của Trung Quốc là “hung hăng”, “khiêu khích” và “trái ngược với tinh thần và lời văn DOC”.

Vì vậy, Tuyên bố “đồng thời kêu gọi các bên tham gia DOC thực hiện đầy đủ” các nguyên tắc của văn kiện này. Tuyên bố cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC).

“Không thể im lặng”

Ngoại trưởng Singapore K Shanmugam hôm qua phát biểu trước báo chí rằng “ASEAN không thể im lặng” khi căng thẳng trên biển Đông “gây quan ngại nghiêm trọng”. Vì vậy, việc đưa ra bản tuyên bố là hết sức cần thiết trên nhiều phương diện. “Không đưa ra một tuyên bố như thế sẽ tiếp tục làm tổn thương uy tín của ASEAN. Chúng ta không thể im lặng khi biển Đông đang sôi sục”, ông Shanmugam nói. “Vì lợi ích của toàn khu vực, chúng ta cần có hòa bình chứ không phải biến cố”, ông nói thêm.

 

Chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến Naypyitaw và dự tiệc tối cùng các lãnh đạo ASEAN khác. Hôm nay, bên cạnh tham dự các phiên họp Thượng đỉnh ASEAN và các cuộc họp với đại diện các tổ chức dân sự và thanh niên, Thủ tướng sẽ có một loạt cuộc gặp song phương bên lề và gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar.

Và để duy trì hòa bình và ổn định an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, vốn có tầm quan trọng sống còn đối với các quốc gia ven biển và kinh tế thế giới, “những gì đang diễn ra đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc phải có một Bộ quy tắc ứng xử biển Đông” giữa ASEAN và Trung Quốc, Ngoại trưởng Singapore khẳng định.

Ủng hộ Việt Nam

Bác bỏ nhận định của một phóng viên rằng bản tuyên bố là chung chung, không đề cập các vụ việc cụ thể, nên có thể không đủ sức mạnh để tạo ra ảnh hưởng làm thay đổi tình hình, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nói: “Chúng ta thấy được bản tuyên bố nhắm vào nước nào”. Ông chỉ ra: “Bản tuyên bố đề cập Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về biển Đông, Tuyên bố cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 15 kỷ niệm 10 năm DOC, và Bộ quy tắc ứng xử biển Đông” vốn là những văn kiện chỉ có giữa ASEAN với Trung Quốc.

Trao đổi với Thanh Niên về kết quả mà ông gọi là “diễn biến nóng” từ thủ đô Naypyitaw của Myanmar, Giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc tỏ ra lạc quan: “Bản tuyên bố phản ánh sự thống nhất và đồng thuận cao giữa các lãnh đạo ASEAN so với trước đây”.

Cũng ghi nhận bản tuyên bố không đề cập cụ thể các bên liên quan, đặc biệt là Trung Quốc, như các lần AMM ra tuyên bố riêng về một vấn đề cụ thể nóng bỏng năm 1992 và 1995, nhưng Giáo sư Thayer nhìn nhận “nó sẽ cung cấp nền tảng cho các lãnh đạo ASEAN chuẩn thuận văn kiện này” tại các cuộc họp thượng đỉnh sẽ diễn ra trong hôm nay 11.5.

Nhưng điều đáng nói hơn cả là, “Tuyên bố này rất đáng chú ý bởi nó nhằm đến tình hình liên quan giữa Việt Nam và Trung Quốc”, chuyên gia theo dõi an ninh chính trị khu vực Đông Nam Á Carlyle Thayer nhấn mạnh. Ông giải thích: “Các thành viên ASEAN thường coi những tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa là một vấn đề song phương Việt - Trung. Trong trường hợp này, bản tuyên bố có thể được nhìn nhận là một sự ủng hộ đối với Việt Nam”.

Đánh giá về tác động có thể có của việc ASEAN đạt được đồng thuận trong vấn đề biển Đông thể hiện qua bản tuyên bố ngày 10.5.2014, Giáo sư Thayer nói: “Trung Quốc sẽ phải lưu tâm đến bản tuyên bố do tất cả các ngoại trưởng ASEAN đưa ra”. Và, “Trung Quốc tất nhiên sẽ lưu tâm đặc biệt nếu bản tuyên bố được chuẩn thuận bởi các lãnh đạo của khối”, ông phân tích.

Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN sáng qua, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay ở biển Đông. “Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc ở các cấp khác nhau với phía Trung Quốc, phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay tàu và giàn khoan ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”, ông nói. Việt Nam cũng đề nghị Trung Quốc giải quyết tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại biển Đông thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về luật Biển năm 1982. Bản thân ông đã điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì vào ngày 6.5, ông nói thêm.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Trước những căng thẳng trên thực địa vẫn đang tiếp tục leo thang, ASEAN cần phải đoàn kết và có phản ứng chung đối với tình hình nghiêm trọng này”. Do đó, ông đề nghị ASEAN có tiếng nói chung bằng việc ra tuyên bố riêng về tình hình biển Đông hiện nay.

Thục Minh
(Từ Naypyitaw, Myanmar)

 >> Tổng thống Philippines kêu gọi ASEAN cùng đương đầu với mối nguy Trung Quốc
>> Tổng thư ký ASEAN: vụ việc ở biển Đông 'cực kỳ nghiêm trọng
>> Khai mạc Thượng đỉnh ASEAN thứ 24 tại Myanmar
>> Thượng đỉnh ASEAN ‘cần hành động mạnh mẽ về biển Đông’
>> Thượng đỉnh ASEAN sẽ bàn về tranh chấp biển Đông  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.