Cành cây 'cỡ ngón tay út' là hung khí nguy hiểm?

22/09/2013 11:50 GMT+7

Tang vật vụ án chỉ là một cành cây cao su đường kính 0,5 cm nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn quy kết bị cáo cố ý gây thương tích với tình tiết định khung “dùng hung khí nguy hiểm”.

Tang vật vụ án chỉ là một cành cây cao su đường kính 0,5 cm nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn quy kết bị cáo cố ý gây thương tích với tình tiết định khung “dùng hung khí nguy hiểm”.

Cành cây “cỡ ngón tay út” là hung khí nguy hiểm ?

Minh hoạ Dad

Theo cáo trạng, do có tranh chấp đất đai giữa gia đình Vũ Thị Bé, Nguyễn Văn Toàn và Ngô Thị Hà, Nguyễn Văn Hùng từ trước, chiều 17.5.2012, tại ấp Thạnh Quới, xã Thạnh Đông, H.Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, Hà và Hùng kêu máy cày đến khu vực đất tranh chấp cày đất thì Bé, Toàn, Nguyễn Minh Tiến và Phạm Văn Kiếm (em rể Bé) đến ngăn cản, không cho cày đất.

 

Hiện nay các cơ quan tiến hành tố tụng đang suy luận ngược, tức là lấy tỷ lệ thương tật để suy diễn ra hung khí nguy hiểm. Nếu như vậy, không khéo tất cả mọi vật dụng đều biến thành hung khí nguy hiểm và mọi người dân đều bị truy tố

Luật sư Hà Hải

Lúc này bà Bé nhặt cành cây cao su dài 1 m, đường kính 0,5 cm đánh ông Hùng. Ông Hùng cầm con dao cán gỗ bằng sắt dài 50 cm, đường kính 5 cm dọa chém bà Bé và những người ngăn cản. Bà Hà thấy vậy can ngăn và giật con dao trên tay ông Hùng. Lúc này, ông Kiếm dùng cây gỗ đánh vào tay cầm dao bà Hà làm gãy tay, con dao rơi xuống đất. Tại bản kết luận ngày 2.11.2012 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Tây Ninh kết luận bà Hà bị gãy đầu dưới xương quay phải, có tỷ lệ 8,92% thương tật.

Sau đó, ông Kiếm bị khởi tố và bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung “dùng hung khí nguy hiểm”. Thế nhưng, kèm theo vụ án này thì “vật chứng thu giữ” chỉ gồm “1 cây cao su dài 1 m, đường kính 0,5 cm; 1 con dao cán gỗ bằng sắt dài 60 cm, đường kính 5 cm”.

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: “Tại mục 2.1 và 2.2 mục 2 của Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP đã nói rõ phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công. Cụ thể, a. Về công cụ, dụng cụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn… b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ… c. Về vật có sẵn trong tự nhiên: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...”.

Trở lại trường hợp của ông Kiếm như đã đề cập phần trên, cáo trạng mô tả ông này cầm cây gỗ đánh nhưng trong biên bản thu giữ vật chứng chỉ thể hiện có một đoạn cây cao su, đường kính chỉ có 0,5 cm. Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: “Với đường kính 0,5 cm, chỉ là cành cây to cỡ ngón tay út. Hơn nữa căn cứ vào đặc tính vật lý của cây cao su thì đây là cây gỗ giòn chứ không phải loại cây gỗ chắc làm sao là hung khí nguy hiểm được. Quy buộc là hung khí nguy hiểm từ cơ quan điều tra với sự chấp thuận của Viện Kiểm sát và tòa án là do cảm tính, trái với quy định tại Nghị quyết 02 của hội đồng thẩm phán”. Thế nhưng mới đây ông Kiếm vẫn bị xử phạt 3 tháng tù vì “dùng hung khí nguy hiểm cố ý gây thương tích”.

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, hướng dẫn của TAND tối cao đã rõ nhưng trong thực tế nhận thức của những người tiến hành tố tụng vẫn còn khác nhau. “Có không ít tranh cãi giữa các cơ quan tố tụng về việc thế nào là hung khí nguy hiểm vì hiện nay các cơ quan tiến hành tố tụng đang suy luận ngược, tức là lấy tỷ lệ thương tật để suy diễn ra hung khí nguy hiểm. Nếu như vậy, không khéo tất cả mọi vật dụng đều biến thành hung khí nguy hiểm và mọi người dân đều bị truy tố”, luật sư Hà Hải bức xúc.

Lê Nga 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.