Bà già đoán tình duyên cho... Tây !

27/09/2004 21:29 GMT+7

Một bà già nhà quê tuổi đã gần 70 nhưng lại nói tiếng Anh làu làu. Mỗi ngày, bà xách giỏ ra ngồi ở cầu ngói Thanh Toàn để đoán tình duyên cho Tây. Kỳ thực, bà chỉ cầm tay, đoán xì xồ một vài chuyện tình vui buồn cho khách nước ngoài. Chuyện đoán tình duyên của bà có lẽ không mang bóng dáng của những điều mê tín dị đoan nên chính quyền địa phương cũng không có ý kiến gì, vẫn để cho bà ngồi đó, mỗi ngày đem đến cho du khách niềm vui nho nhỏ.

Bà tên là Trần Thị Diều, sinh năm Tân Tỵ, cộng tuổi theo kiểu "ông bà ta" thì năm nay bà đã ngoài 64. Bà Diều đoán tình duyên cho Tây từ sau Festival Huế 2002, khi lần đầu tiên tour du lịch "Chợ quê ngày hội" được đưa về cầu ngói Thanh Toàn thuộc làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế). Cầu ngói Thanh Toàn và chùa cầu Hội An là hai chiếc cầu cổ độc đáo nhất tại Việt Nam, theo kiến trúc thượng gia hạ kiều - trên là nhà, dưới là cầu. Cầu ngói Thanh Toàn đẹp mê hồn nằm bên dòng sông Như Ý thơ mộng, giữa một vùng quê chiêm trũng của Thừa Thiên- Huế. Khách du lịch nước ngoài đến với cầu ngói Thanh Toàn ngày một đông, và bà Diều cũng bắt đầu có mặt trên cầu. Đối với du khách, chiếc cầu ngói Thanh Toàn có bà dường như cũng thú vị. Bởi khách nước ngoài vượt hơn 6 km đường đi từ TP Huế về đây sau khi ngắm một chiếc cầu ngói đơn độc nhuốm màu thời gian, họ chẳng biết làm gì ngoài việc ngồi nghỉ và xòe tay ra xem... chuyện tình duyên.

Bà Diều cho biết, trước ngày giải phóng miền Nam bà đi làm tạp vụ như nấu ăn, giặt là quần áo... trong "sở Mỹ" tại Phú Bài. Chính vì thế mà bà biết "tiếng bồi". Sau năm 1975, bà Diều trở về quê Thủy Thanh rồi gặp một người đàn ông và sinh được một cô con gái. Thời kỳ ấy, đời sống ở quê quá khó khăn, bà đành bồng con vào Sài Gòn kiếm sống...

“ Thế rồi vì sao bà lại trở về quê?”. Bà Diều thở dài. Bà chỉ cho biết, khoảng sau năm 1987, khi con gái đã lớn bà quyết định về quê để cho con biết gốc gác quê hương. Sau khi về quê, con gái của bà cũng không gặp may trên đường tình duyên, sinh một cháu gái! Sau đó, cô con gái bà lấy một người chồng khác và giao lại đứa cháu ngoại cho bà. Hết nuôi con đến nuôi cháu, cuộc sống vất vả khiến bà phải... ra cầu ngói Thanh Toàn nói chuyện mua vui, kiếm tiền nuôi cháu.

Bà Diều nói: "Đa số dân du lịch Tây thường thích xem chỉ tay và đặc biệt rất thích đoán chuyện tình duyên". Đang trò chuyện với bà Diều, chợt có một cô gái trẻ người nước ngoài đến tham quan. Bà Diều cất tiếng chào: "Hello, good afternoon!". Cô gái tóc vàng có vẻ ngạc nhiên lắm. Cô dừng lại. Bà Diều tiếp tục trò chuyện với cô gái bằng tiếng "bồi". Cô gái trẻ ngồi xuống bên bà, lấy khăn lau tay cẩn thận và chìa tay ra cho bà xem. Bà Diều nói xong, cô gái rút ví đưa cho bà 2.000 đồng! Sau đó, trò chuyện với cô gái, tôi mới biết cô ta tên là Maris, người Anh. Maris cho biết, bà lão ấy nói cô rất xinh. Bàn tay của cô rất đầy đặn, tương lai sẽ có rất nhiều tiền. Còn về chuyện hôn nhân, sau này sẽ có tới 2 đời chồng, có 3 đứa con, 1 đứa con trai và 2 đứa con gái. Nhưng Maric lại tiết lộ: “bà ta nói rằng hiện nay tôi đã có người yêu, điều ấy thì đúng, nhưng người đó sẽ không phải là chồng của tôi sau này...". Câu chuyện tình duyên của bà Diều nói với Maris kết cuộc là một câu chuyện vui. Những lời xì xồ bằng tiếng "bồi" của bà Diều không biết đúng, sai thế nào, chỉ biết sự có mặt của bà Diều trên chiếc cầu cổ này đã tạo nên thú vị cho du khách...

Qua câu chuyện trên, cần nói rõ rằng, người viết không có ý cổ súy cho việc bói toán. Với riêng trường hợp bà Diều thì đem lại cho người ta một cách nghĩ gợi mở khác. Bà là người đem đến cho du khách niềm vui, là người biết cách "khai thác" hầu bao của khách du lịch nước ngoài một cách triệt để nhưng vẫn không làm tổn thương giá trị văn hóa phương Đông.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.