Ổn định giá, trông chờ vào doanh nghiệp

10/11/2007 21:49 GMT+7

Đó là nhận định của ông Hoàng Thọ Xuân (ảnh), Vụ trưởng Vụ Chính sách và thị trường trong nước (Bộ Công thương) khi trao đổi với Thanh Niên xung quanh vấn đề giá cả tăng cao hiện nay. Ông Xuân nói:

Trong thời gian qua, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao do tác động hết sức khách quan của thị trường thế giới. Theo tôi, nguyên nhân có tác động chi phối chính là do luồng hàng hóa vào nước ta không còn giá như trước đây. Nhiều người nhận định, thế giới đã thiết lập một mặt bằng giá mới. Từ xăng dầu, phôi thép, vàng đến phân bón, nguyên liệu thuốc, bông... đều tăng. Nhìn chung đã có "thế giới phẳng" về mặt bằng giá. Rõ ràng, mặt bằng giá đó tác động đến chúng ta rất nhanh, rất rộng. Không chỉ chúng ta mà tất cả các nước đều chịu tác động ở mức độ mạnh, nhẹ khác nhau.

* Các doanh nghiệp Việt Nam đã không đủ sức chống đỡ nổi "cơn bão" giá?

- Chúng ta còn quá ít doanh nghiệp lớn cầm trịch. Cả nước với 84 triệu dân - một thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng lại có quá ít hệ thống phân phối lớn. Trong khi đó, có tới hơn 2 triệu hộ kinh doanh nhỏ,  không biết WTO là gì. Mọi nhu cầu sinh hoạt, vật chất hằng ngày của người dân đều phụ thuộc vào hộ kinh doanh nhỏ. Từ mớ rau, con cá, cân gạo... đều thông qua các cửa hàng, chợ. Do vậy, khi có cơn bão về giá, trên 2 triệu bàn tay nhỏ chẳng làm được gì hơn. Thậm chí, còn theo tập quán cũ tìm cách "té nước theo mưa" hay "mượn gió bẻ măng". Thấy hàng xóm tăng cũng tăng theo. Nếu chỉ cần có từ 10-15 cánh tay khỏe khoắn chống đỡ thì tốt biết bao.

* Dự báo diễn biến thị trường từ nay đến cuối năm rất phức tạp, theo ông, giải pháp nào hiệu quả để bình ổn giá?

- Một số nước trên thế giới đã sử dụng công cụ dự trữ quốc gia để ổn định thị trường. Chẳng hạn ở Nhật, Mỹ, xăng dầu có thể dự trữ 90-100 ngày. Trung Quốc cũng có nguồn dự trữ thép, bông... Tiềm năng kinh tế chưa cho phép chúng ta hóa giải tình hình căng thẳng, gay gắt về giá cả. Vấn đề lo ngại nhất hiện nay là giá cả từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có nhiều biến động, nhất là mặt hàng thực phẩm. Theo quan điểm của tôi, chúng ta không chỉ sử dụng công cụ hành chính là giảm thuế, mà còn phải sử dụng đến công cụ thứ hai là doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối cần phải xem xét lại chi phí đã hợp lý chưa, tiết kiệm như thế nào. Giá thành, giá bán sẽ hạ nếu các doanh nghiệp biết cách phân phối tốt, có mạng lưới hợp lý. Mặt khác, nếu các doanh nghiệp nâng được nguồn cung lên sẽ góp phần giảm giá bán. Trong tháng này, Bộ Công thương sẽ tổ chức hai hội nghị cùng với 5 thành phố lớn, các doanh nghiệp, các nhà phân phối thống nhất hướng hành động về nguồn hàng dự trữ, tổ chức phân phối, tập trung vào thực phẩm và nhu yếu phẩm phục vụ Tết cho bà con.

Thu Hằng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.