Nền kinh tế Việt Nam có sức sống ngoài quy luật

30/12/2009 23:13 GMT+7

Năm 2009 khép lại với việc VN được đánh giá là một trong số ít nước vượt qua suy thoái nhanh nhất.

Làm thế nào để một nền kinh tế có quy mô nhỏ nhưng độ mở lớn (tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kiều hối...) như VN lại "thoát hiểm" thành công là câu hỏi đặt ra với nhiều người. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã trả lời phỏng vấn của Thanh Niên về những gì kinh tế trong nước đã trải qua và đạt được.

* Ông đánh giá thế nào về những khó khăn mà nền kinh tế của ta phải đối mặt trong năm 2009?

- Nếu không "nhìn" lại năm 2008 không thể thấy hết được những khó khăn mà nền kinh tế năm 2009 phải đối mặt.

Năm 2008, kinh tế VN đối diện với 2 thái cực "băng" và "lửa". Băng là thị trường tài chính thế giới đóng "băng", còn "lửa" là biến động cực mạnh của giá cả thế giới đối với 3 mặt hàng chính bao gồm lương thực thực phẩm, năng lượng và kim loại. Sự tăng vọt của giá cả khiến đầu năm 2008 chúng ta đối diện với lạm phát cao dẫn đến việc Chính phủ chuyển mục tiêu tăng trưởng sang mục tiêu kiềm chế lạm phát. Nhưng sau 15.9.2008, thời điểm thực sự nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường thế giới đã tác động mạnh đến nhiều lãnh vực trong hoạt động kinh tế của nước ta. Một lần nữa mục tiêu và chính sách kinh tế phải thay đổi: chuyển từ ưu tiên kiềm chế lạm phát sang ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích cầu đầu tư và tiêu dùng.

Với bối cảnh này, hành trang kinh tế VN vào năm 2009 khác với thế giới. Nếu như kinh tế thế giới đối mặt với suy thoái thì VN vừa phải kích thích tăng trưởng, vừa ngăn chặn thiểu phát lại phải phòng ngừa nguy cơ lạm phát quay trở lại. Nói tóm lại, năm 2009 là năm cực kỳ khó khăn với kinh tế VN.

* Nhưng cuối cùng thì chúng ta đã "cán đích" năm 2009 có thể nói là ngoài mong đợi. VN được đánh giá là một trong số ít nước vượt qua suy thoái nhanh. Theo ông, nhờ đâu mà chúng ta có được kết quả này?

- Nếu xét trên các mục tiêu là ngăn chặn suy giảm, ổn định vĩ mô và an sinh xã hội, có thể nói chúng ta đã "cán đích" năm 2009 khá tốt. Theo tôi, 2 nhóm chính sách công cụ mà Chính phủ sử dụng trong năm 2009 là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để điều tiết vĩ mô là phương pháp hiệu quả nhất. Đặc biệt, có tác dụng nhanh nhất là chính sách tiền tệ như nới lỏng chính sách tín dụng, hạ lãi suất cơ bản, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng thương mại, trả nợ tín phiếu bắt buộc, tái chiết khấu và tái cấp vốn qua nghiệp vụ thị trường mở, mở rộng biên độ tỷ giá VND... để kích thích sự gia tăng tổng cầu của nền kinh tế, qua đó làm tăng cả tổng cung.

 
Ảnh: N.H

“Có những điều ở nền kinh tế VN rất khó lý giải. Theo tôi, nền kinh tế của chúng ta có một sức sống ngoài quy luật”.
Tiến sĩ Trần Du Lịch
Để thực hiện gói kích thích kinh tế, thì cho đến nay việc thực hiện bù lãi suất 4% cho các doanh nghiệp (DN) thuộc đối tượng vay vốn lưu động vẫn là chính sách có nhiều tác dụng nhất. Có thể nói, cơ chế bù lãi suất là sáng tạo của VN, dùng một số tiền không lớn nhưng giúp được nhiều DN, kích thích được một nguồn vốn lớn đi vào sản xuất, kinh doanh...

* Nhưng không thể phủ nhận sự nỗ lực của các DN. Còn nhớ thời điểm đầu năm, hàng loạt nhận định từ các tổ chức có uy tín trong nước đều cho rằng, sẽ có tới 50% - 70% DN vừa và nhỏ VN phá sản do bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế điều này đã không xảy ra...

- Đúng thế, tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất để nền kinh tế VN phục hồi nhanh chính là nhờ vào các DN. Sự năng động, khả năng tự choài đạp của DN VN rất cao. Trên thực tế, chỉ có 20% DN trực tiếp được vay vốn hỗ trợ lãi suất 4% theo gói kích cầu của Chính phủ. 80% còn lại chỉ được hưởng gián tiếp nhưng họ vẫn duy trì sản xuất, tự xoay xở được nguồn vốn. Trong sản xuất vẫn đảm bảo được số lượng. Đặc biệt, xuất khẩu vẫn đảm bảo được khối lượng, có giảm là giảm về giá do tình hình chung của thế giới mà thôi. Và như chúng ta thấy, kết thúc năm 2009 đã không hề có chuyện phá sản hàng loạt như các nhận định từ đầu năm. Tôi cho rằng, với nội lực này, sang năm 2010 nếu chúng ta ổn định được vĩ mô, DN sẽ tự vươn lên mà không cần trợ cấp gì cả.

* Chính sách linh hoạt và sự nỗ lực của các DN thì không chỉ VN mới có. Đó là những gì chúng ta có thể "nhìn" thấy được. Nhưng nhiều người vẫn ngạc nhiên và cảm thấy khó giải thích khi nền kinh tế của chúng ta vượt qua "sóng thần" an toàn đến vậy. Bỏ qua các lý thuyết kinh tế học, ông có sự lý giải riêng về chuyện này?

- Rất đúng. Có những điều ở nền kinh tế VN rất khó lý giải. Theo tôi, nền kinh tế của chúng ta có một sức sống ngoài quy luật. Ngoài nền kinh tế chính thức thì còn kinh tế phi chính thức, đó là nguồn tiền trong dân chúng cực lớn. Nó giúp các DN tư nhân có thể xoay xở được khi không trông cậy được vào hệ thống tín dụng. Đó là lý do khi khó khăn, các DN vừa và nhỏ lại vươn lên mạnh mẽ.

* Khó khăn nhất chắc chắn chúng ta đã vượt qua. Tuy nhiên, trong những tháng cuối cùng của năm rất nhiều DN lại lo về vốn, hệ thống ngân hàng thương mại không huy động được tiền nhàn rỗi trong dân chúng, lãi suất ngân hàng vẫn cạnh tranh quyết liệt dù đã có "trần”... Bất ổn vẫn là cảm giác chung của nhiều người. Ông có cảm giác đó không và ông lý giải thế nào về cảm giác này?

- Đó cũng là cảm giác của tôi. Có thể nói, nền kinh tế nước ta tuy vượt qua giai đoạn suy giảm, đang phục hồi nhưng vẫn còn nguyên vẹn những tồn tại cố hữu của cơ cấu kinh tế. Những nguyên nhân bên trong tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn về kinh tế vĩ mô. Sự bất cập của mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều ngang, chủ yếu dựa vào sự tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thô và gia công hàng xuất khẩu, tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài phải giải quyết cán cân thanh toán tổng thể bằng các nguồn ngoại tệ thiếu tính ổn định như kiều hối, giải ngân FDI, ODA...

Tình trạng đầu cơ thái quá trên thị trường bất động sản kéo dài nhiều năm cùng với sự thiếu lành mạnh trong hoạt động của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây đã đưa nền kinh tế nước ta rơi vào cảnh khoảng cách giữa tài sản thực và tài sản tài chính của nền kinh tế ngày càng dãn ra. Hay nói cách khác nền kinh tế tiền tệ đã thoát ly xa nền kinh tế thực. Chứng khoán không trở thành kênh huy động vốn cho DN, đẩy gánh nặng huy động vốn cho cả nền kinh tế lên vai các ngân hàng thương mại. Từ đó vấn đề đặt ra là thiếu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế...

Nếu chậm có giải pháp căn cơ cho các vấn đề trên thì nguy cơ xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục đeo đuổi, dù tình hình kinh tế thế giới có phục hồi. Tôi cho rằng, trọng tâm của năm 2010 là ổn định vĩ mô.

Nguyên Hằng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.