Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga - Kỳ 1: Thanh Nga - cành hoa trắng mộng

19/11/2008 22:35 GMT+7

Cách đây 30 năm, vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga đã bị kẻ lạ mặt dùng súng sát hại vào khoảng hơn 11 giờ đêm 26.11.1978 ngay trước cửa nhà trên đường Ngô Tùng Châu (nay là đường Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM). Mời nghe đọc bài

Cái chết đột ngột của nữ nghệ sĩ tài hoa Thanh Nga đã gây bàng hoàng, thương tiếc và bàn tán xôn xao trong giới nghệ sĩ sân khấu cũng như khán giả ái mộ trong và ngoài nước.

Ngay sau án mạng, hai vợ chồng Thanh Nga được chở đi cấp cứu tại Bệnh viện Sài Gòn, nhưng đến nơi cả hai đều đã tử vong. Cuộc khám nghiệm tử thi được tiến hành ngay trong đêm ấy. Báo cáo của nguyên đội trưởng đội trọng án Phòng cảnh sát hình sự Võ Tấn Thành như sau: “Thanh Nga 36 tuổi, thân hình đẹp, hoàn mỹ giống như hoa hậu thời nay, vú trái gần vết thương bị trúng đạn, nằm như người ngủ, sắc mặt vẫn tươi đẹp (vết đạn không xuyên ra sau lưng). Phạm Duy Lân, chồng Thanh Nga, 56 tuổi, người cứng cáp, to bự gấp đôi Thanh Nga, cũng bị một vết thương ở ngực trái (vết đạn xuyên thẳng từ hướng tim ra sau lưng)”.

Dù được khám nghiệm rồi, nhưng sớm hôm sau 27.11, Phó giám đốc Sở Công an TP.HCM lúc bấy giờ là đại tá Cáp Xuân Diệm (về sau làm Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Nội vụ) ra lệnh khám nghiệm lại tử thi hai vợ chồng Thanh Nga một lần nữa. Lần này, khi giở tấm vải đậy lên, thấy thân hình Thanh Nga vẫn mềm dịu bình thường, còn Phạm Duy Lân tay chân đã cứng. Song lúc bấy giờ trời đã sáng, dân chúng hay tin Thanh Nga bị bắn chết tập trung khá đông quanh Bệnh viện Sài Gòn để nghe ngóng hư thực thế nào và theo ông Võ Tấn Thành lúc ấy “đáng lý phải giải phẫu tử thi để biết được chính xác đường đạn đi đến đâu, nhưng vì tình cảm ngưỡng mộ của gia đình, dân chúng và vì trinh sát có tâm hồn (trân trọng nghệ sĩ) và yêu thích nghệ thuật cải lương nên đã... không giải phẫu”. Việc ấy về sau bị phê bình tại hội thảo vụ án Thanh Nga do Tổng cục Cảnh sát nhân dân tổ chức vào 17 năm sau đêm ám sát trên, tức năm 1995,  rằng: “Không cởi quần áo để khám nghiệm như vụ án Thanh Nga là thiếu sót, mặc dầu là chưa có hại lớn nhưng như vậy làm sao thu thập đầy đủ để xác định và phát hiện tính chất của tội phạm?”. Tuy vậy qua đó cũng bộc lộ sự ái mộ của mọi giới đối với một tài hoa sân khấu như Thanh Nga.

 

Thanh Nga trong vai sơn nữ Phà ca (năm 15 tuổi) - Ảnh: Huỳnh Công Minh

Sau khâm liệm, nhập quan, linh cữu vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga được quàn tại trụ sở Hội Văn nghệ (số 81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM hiện nay), nườm nượp người đến viếng. Ngày đưa tang, hàng vạn văn nghệ sĩ và đồng bào các giới đã có mặt tại địa điểm trên để đưa Thanh Nga đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Chùa Nghệ sĩ - Gò Vấp, cách đó khá xa. Đó là đám tang lớn nhất trong giới nghệ sĩ lúc bấy giờ.

Vậy Thanh Nga được ngưỡng mộ bắt đầu từ những “dấu ấn” nào? Có thể nhắc đến bước ngoặt trong đời hoạt động sân khấu của Thanh Nga là lúc được trao giải Thanh Tâm năm 16 tuổi (1958). Giải này do ký giả Trần Tấn Quốc sáng lập và các nhà nghiên cứu phê bình sân khấu, các soạn giả, diễn viên uy tín tham gia chấm giải. Người trúng giải phải là người hát hay diễn giỏi (thanh), có ngoại hình đẹp (sắc) và có đức hạnh. Chính Thanh Nga được ban giám khảo cho số điểm cao nhất theo các tiêu chuẩn trên và cũng là người đầu tiên đoạt giải Thanh Tâm (các nghệ sĩ được trao giải tiếp theo, có thể kể: Lan Chi, Hùng Minh, Bích Sơn, Ngọc Giàu, Thanh Thanh Hoa, Ngọc Hương, Ánh Hồng, Bạch Tuyết, Kim Loan, Trương  Ánh Loan, Diệp Lang, Thanh Tú, Lệ Thủy, Thanh Sang, Bo Bo Hoàng, Thanh Nguyệt, Phượng Liên, Phương Quang, Mỹ Châu, Ngọc Bích, Bảo Quốc, Phương Bình... (theo Địa chí Văn hóa TP. HCM, nhiều tác giả, do Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng chủ biên). Được vậy là do vai diễn của Thanh Nga trong vở Người vợ không bao giờ cưới (soạn giả: nhà thơ “hoa trắng thôi cài trên áo tím” Kiên Giang và Phúc Quyên) với vai sơn nữ Phà Ca do bà Bầu Thơ của đoàn Thanh Minh quyết định đưa lên sân khấu.

Bà Bầu Thơ (Nguyễn Thị Thơ) là mẹ ruột của Thanh Nga (và danh hài Bảo Quốc). Chính bà đã đóng vai trò rất lớn trong sự nghiệp nghệ thuật của Thanh Nga, đưa Thanh Nga lên sân khấu lần đầu tiên lúc mới lên bảy tuổi với vai Nghi Xuân trong vở Phạm Công Cúc Hoa. Ngay vai diễn này Thanh Nga đã được chú ý, một số vai “đào con” tiếp theo trong các vở Đứa con hai dòng máu, Phận trẻ lạc loài, Hồi trống Văn Lâu, Biên thùy nổi sóng... cũng được nhiều  người trong giới nghệ sĩ đương thời tiên đoán sẽ là diễn viên gạo cội tương lai. Điều đó được chứng thực qua vai sơn nữ Phà Ca trên. Tuy nhiên, việc đảm nhiệm vai ấy không suôn sẻ từ đầu, vì bà Bầu Thơ trước khi cho con gái nhập vai, đã đắn đo nhiều, vì đây là vai của một người tình đau khổ, nhiều bi ai. Và cũng bởi bà nghe một số ý kiến bên ngoài cho rằng không nên đưa con gái cưng nhất của mình chưa trưởng thành (mới 15 tuổi) lên sân khấu với vai một người tình và là “người vợ không bao giờ cưới” như Phà Ca e sẽ là “điềm” xui xẻo về sau. Song cuối cùng, bà Bầu Thơ cũng đã quyết định đưa Thanh Nga vào vai. Bà đã không lầm, vì Thanh Nga đóng rất đạt, người hâm mộ đến xem ở rạp Nguyễn Văn Hảo (Sài Gòn) đông nghẹt, rất nhiều xuất bán hết vé, không còn chỗ ngồi. Nổi tiếng từ đó, đến nỗi khi Thanh Nga ra đường  gặp không ít người ái mộ nhận mặt và đọc mấy câu thơ trong vở diễn, để tỏ niềm ưu ái với người nhập vai sầu muộn kia: “Ngày mai đám cưới người ta. Tại sao sơn nữ Phà Ca lại buồn?”.

(Còn tiếp)

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.