img
Giáo sư Trần Huy Thịnh:“Đừng cố là số một, hãy là duy nhất !”- Ảnh 1.

Đâu là những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu của ông? Liệu có thể gọi đó là những "bước nhảy" trong cuộc đời?

Có 3 dấu mốc thực sự có ý nghĩa quan trọng, quyết định các hướng đi của tôi về sau. Giai đoạn 1 là khi tôi bắt đầu về ĐH Y Hà Nội làm việc và định hình hướng nghiên cứu; giai đoạn 2 là thời gian tôi học, làm việc tại Nhật Bản - đây là giai đoạn tôi xác định rõ nhất hướng nghiên cứu về sinh học phân tử, tế bào, miễn dịch học ung thư; và giai đoạn 3 là thời gian quay về VN tiếp nối những nghiên cứu về sinh học phân tử, hỗ trợ điều trị một số bệnh lý liên quan đến ung thư - tức là đi theo hướng ứng dụng thực tế hơn, mang lại lợi ích thiết thực hơn cho bệnh nhân.

Tôi nghĩ cũng có thể gọi đó là những bước nhảy, khi sự tích tụ về lượng chuyển hóa thành sự biến đổi về chất. Ở mỗi giai đoạn đều có sự tích lũy về kiến thức và nhân sinh quan, và khi có một sự kích hoạt từ một hoặc nhiều yếu tố, với tôi là sự thay đổi môi trường và tính chất nghiên cứu, con người như bước sang một trạng thái mới, rất khác biệt.

Giáo sư Trần Huy Thịnh:“Đừng cố là số một, hãy là duy nhất !”- Ảnh 2.

GS. Trần Huy Thịnh (thứ 2 từ phải qua) cùng người thầy là GS. Honjo Tasuku - Giải Nobel Y học 2018

Mỗi giai đoạn như vậy hẳn phải gắn liền với những công trình khoa học đặc trưng?

Đó là một phần, bởi sự ra đời của những công trình khoa học đặc trưng lại phụ thuộc vào độ chín trong nghề và nhiều điều kiện ngoại cảnh khác. Nếu nói riêng về các công trình quan trọng, tôi nghĩ sẽ là nghiên cứu các biểu hiện, điều hòa về gen quyết định chức năng kháng thể, và nghiên cứu về sự cân bằng miễn dịch trong hệ vi khuẩn đường ruột với vai trò quyết định của phân tử chủ chốt PD-1 - phân tử kiểm soát điều hòa hệ thống miễn dịch. Chính công trình liên quan đến việc tạo ra các loại thuốc tác động vào phân tử PD-1 đã mang lại giải Nobel năm 2018 cho người thầy của tôi, GS Honjo Tasuku.

Được nhận vào học tập và làm việc tại ĐH Kyoto, đặc biệt là trở thành học trò của vị GS đoạt giải Nobel, cơ hội đó đến với ông như thế nào?

Ở Nhật, người ta thường hay nhắc đến "Cựu Đế đại" hoặc "Thất Đế đại", bao gồm 7 trường ĐH có danh tiếng và lịch sử lâu đời, bao gồm: ĐH Tokyo, ĐH Kyoto, ĐH Hokkaido, ĐH Osaka, ĐH Kyushu, ĐH Nagoya và ĐH Tohoku. Ngày nay, ĐH Kyoto là 1 trong 2 trường lớn nhất nước Nhật, bên cạnh ĐH Tokyo. Trong đó, ĐH Tokyo thiên về kinh tế, chính trị, xã hội; ĐH Kyoto thiên về khoa học, công nghệ (KH-CN). Đến nay, Kyoto vẫn là trường có nhiều giải Nobel nhất trong lịch sử Nhật Bản; đơn cử trong lĩnh vực y học, nước Nhật có 3 giải Nobel thì cả 3 đều đến từ trường Kyoto.

Nói như vậy để thấy ĐH Kyoto là cái nôi về KH-CN của Nhật Bản và để trở thành học viên của trường không dễ. Tôi may mắn được đến học tập và làm việc tại đó nhờ sự hỗ trợ của GS. Tạ Thành Văn, một người thầy đáng kính tại ĐH Y Hà Nội. GS Văn cũng là học trò của GS. Honjo: năm 2003, thầy trở về nước và GS. Honjo ngỏ lời nhờ thầy giới thiệu các học trò VN sang Nhật làm nghiên cứu. GS. Văn đã giới thiệu tôi, và sau đó là các thế hệ khác.

Giáo sư Trần Huy Thịnh:“Đừng cố là số một, hãy là duy nhất !”- Ảnh 3.

Trải nghiệm mùa tuyết tại Nhật Bản cùng bạn bè

Môi trường nghiên cứu ở ĐH Kyoto, cụ thể là trong nhóm của GS. Honjo Tasuku, có những ưu việt gì?

Phòng thí nghiệm của GS. Honjo là một trong những phòng thí nghiệm có chất lượng hàng đầu thế giới, cũng là nơi áp lực làm việc rất lớn. Phòng luôn sáng đèn 24 giờ để mọi người có thể làm việc xuyên đêm nhằm đảm bảo tiến độ nghiên cứu. Chúng tôi được yêu cầu báo cáo kết quả hằng tuần với GS, và thầy là người nắm rõ đến mức chi tiết công việc của hàng chục nghiên cứu viên, rất sát sao với tiến độ, đảm bảo kết quả phục vụ và có đóng góp thiết thực cho sự phát triển của KH-CN. Áp lực tại đây lớn đến mức nhiều khi tôi quên hết các sự việc xung quanh, chỉ tập trung cho nghiên cứu. Vậy nên dễ hiểu là nếu có thể vượt qua được áp lực, đó sẽ là thành quả lớn, một bước nhảy. Nhiều người đã từng nói, nếu có thể làm việc ở một phòng thí nghiệm của Nhật Bản, thì có thể làm việc ở bất cứ phòng thí nghiệm nào trên thế giới.

Điều gì khiến ông ấn tượng nhất trong cách làm nghề và truyền cảm hứng tới học trò ở người thầy đoạt giải Nobel?

GS. Honjo rất đặc biệt, ông đề ra 6 chữ C để làm kim chỉ nam cho chính ông và cho chúng tôi: Curiosity (Tò mò), Courage (Dũng cảm), Continuation (Liên tục), Confidence (Tự tin), Concentration (Tập trung), Challenge (Thử thách). Ông thường nhận báo cáo qua tất cả các kênh, từ điện thoại, email, fax, trực tiếp… và phản hồi rất nhanh. Phong cách làm việc đó truyền cảm hứng cho mọi người trong phòng thí nghiệm và thực sự vừa tạo sức ép, vừa tạo sức bật để mỗi thành viên trong nhóm có thể bứt phá bản thân.

Giáo sư Trần Huy Thịnh:“Đừng cố là số một, hãy là duy nhất !”- Ảnh 4.

Giáo sư Trần Huy Thịnh:“Đừng cố là số một, hãy là duy nhất !”- Ảnh 5.

Quan điểm của giáo sư về thành công và thất bại trong nghiên cứu?

Khi bắt đầu, không ai dám khẳng định công trình mình đang làm có tác động thế nào. Chỉ khi gần như hoàn tất, mới có thể định hình các đóng góp của nghiên cứu để công bố trên các tạp chí. Có một thực tế là cộng đồng chỉ biết tới 5% - 10% những gì chúng tôi đã trải qua - những kết quả thành công và nổi bật. Còn 90% - 95% công việc là những nỗ lực không ai thấy ngoài chính chúng tôi - phần nhiều là thất bại. Nên cũng có thể nói có một nguyên lý "tảng băng trôi" trong nghiên cứu khoa học giống như trong văn học vậy, dù về ý nghĩa trong hai trường hợp hơi khác nhau.

Nếu giả sử mọi việc đều suôn sẻ, ta có thể giảm bớt vất vả, nhưng rất tiếc là sẽ không học được nhiều và thành công nếu có sẽ không lớn. Ta học được rất nhiều điều từ thất bại của mình.

Giáo sư Trần Huy Thịnh:“Đừng cố là số một, hãy là duy nhất !”- Ảnh 6.

GS. Trần Huy Thịnh trong mùa hoa anh đào ở đất nước mặt trời mọc

Mong muốn của nhiều nhà khoa học là có công trình được đăng trên 1 trong 2 tạp chí Nature và Science, vậy mà GS có cả hai. Điều gì ở chúng đã thuyết phục được BBT của hai tờ tạp chí danh tiếng này?

Có lẽ lý do quan trọng để hai công trình đó được đăng trên NatureScience là vì sức nóng của những hướng nghiên cứu này ở thời điểm đó rất lớn. Công trình đăng trên Nature của chúng tôi là về quá trình điều hòa của gen AID - gen này có 2 chức năng quan trọng: Quyết định tính đa dạng của kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh; quyết định tính đặc hiệu của kháng thể đối với tác nhân gây bệnh. Khi gen AID biểu hiện một cách thiếu kiểm soát có thể gây ra ung thư, vì thế cần kiểm soát gen đó hoạt động ở mức độ vừa đủ. Nghiên cứu của tôi là kiểm soát hoạt động của gen này, làm cơ sở tạo ra các thuốc phù hợp giúp cơ thể tăng cường kháng thể đặc hiệu.

Công trình công bố trên Science liên quan đến phân tử PD1. Câu chuyện về phân tử PD1 gắn liền với những thành công của GS. Honjo khi ông dựa vào phân tử này đã tạo ra được kháng thể có tác dụng điều trị ung thư vượt trội so với các liệu pháp trước đó. FDA (Mỹ) đã cấp phép cho liệu pháp này, sau đó GS đạt giải Nobel vào năm 2018.

Với tôi, khi chuyển sang nghiên cứu về PD1, câu hỏi đặt ra là các tín hiệu của phân tử này ảnh hưởng thế nào đến sự cân bằng miễn dịch trong cơ thể, từ đó phát sinh các bệnh lý ung thư. Tôi đánh giá sự ảnh hưởng đó đối với hệ miễn dịch trong đường ruột và phát hiện ra vai trò rất quan trọng của PD1 trong việc đảm bảo sự cân bằng miễn dịch; nếu thiếu nó sẽ gây ra tình trạng viêm mãn tính, xơ hóa - khởi phát của ung thư. Từ đó có thể tìm ra các thuốc tăng cường sự cân bằng miễn dịch đường ruột.

Giáo sư Trần Huy Thịnh:“Đừng cố là số một, hãy là duy nhất !”- Ảnh 7.

Cùng những đồng nghiệp VN đón tết tại Nhật Bản

Khi về VN, giáo sư thích ứng với bước nhảy mới này thế nào?

Môi trường, điều kiện nghiên cứu tại Nhật Bản tất nhiên là thuận lợi hơn ở VN, cả ở trang thiết bị, tầm mức và các cơ chế hỗ trợ. Nhưng nếu vì thế mà ngại khó thì các hoạt động nghiên cứu của chúng ta sẽ mãi mãi đi sau các nước phát triển. Chỉ có sự nỗ lực vượt bậc, ta mới có hy vọng bắt kịp với thế giới. Tôi đã xác định là không thể mang nguyên mô hình nghiên cứu rất hàn lâm và chuyên sâu từ Nhật về nước được, mà cần phải triển khai các nghiên cứu phù hợp với VN hơn, ứng dụng trực tiếp cho các hoạt động khám chữa bệnh hơn. Từ đó, tôi lựa chọn việc tìm các liệu pháp điều trị và nâng cao hiệu quả điều trị ung thư cho bệnh nhân. Một hướng nghiên cứu khác là xác định đột biến gen, xây dựng bản đồ đột biến, xác định đối tượng cha mẹ mang gen nguy cơ và tư vấn cho họ nhằm giảm tỷ lệ trẻ em mang bệnh lý bẩm sinh. Đó là những điều rất gần với cộng đồng.

Bên cạnh đó, dựa trên thành tựu của công nghệ tế bào những năm gần đây, tôi tìm cách tạo ra các sản phẩm miễn dịch tăng hiệu quả điều trị ung thư ở VN. Trên cơ sở đó, từng bước mình sẽ đào sâu nghiên cứu hơn và có các đóng góp mang tính nền tảng hơn.

Tôi muốn chia sẻ một lời nói mà GS. Honjo luôn gửi gắm các học trò: "Don't try to be number one, try to be the only one" (Đừng cố là số một, hãy là duy nhất). Đó là kim chỉ nam của tôi.

Kyoto là thủ phủ văn hóa của Nhật Bản. Sau nhiều năm làm việc, GS hẳn có kết nối với những giá trị văn hóa của Kyoto nói riêng và Nhật Bản nói chung?

Nhật Bản xây dựng được một nền văn hóa đặc sắc với cả nhân loại. Kyoto được người Nhật coi là nơi bắt buộc phải đến trong đời. Đối với người nước ngoài, Kyoto là một trải nghiệm tốt để tìm hiểu văn hóa Nhật Bản. Tôi ở Nhật hơn 8 năm và tất nhiên chịu nhiều ảnh hưởng từ họ. Có câu nói thế này: "Người ta có thể nói một người rất thông minh, năng động…, tuy nhiên người Nhật chỉ cố gắng không bao giờ làm phiền đến người khác". Thực hiện được việc ấy không đơn giản, nếu không thấm đẫm tinh thần văn hóa đất nước này. Có ba tính cách tôi rất ngưỡng mộ người Nhật: Trách nhiệm, chuyên nghiệp và tận tâm. Nhật có thể là quốc gia không phát minh ra điều gì quá lớn lao, nhưng là dân tộc làm cho các phát minh ấy trở nên gần gũi nhất với con người. Họ quan tâm đến các chi tiết.

Với các giá trị truyền thống, người Nhật phần nào giống người Việt: Theo đạo Phật nhiều, rất tôn trọng và thờ cúng tổ tiên. Họ đặc biệt có ý thức lưu giữ các giá trị truyền thống. Điều đó cũng sinh ra một nhược điểm là họ hơi bảo thủ: Nhiều người Nhật không bắt kịp, thích nghi với các tiến bộ về công nghệ và tương tác xã hội hiện đại.

Giáo sư Trần Huy Thịnh:“Đừng cố là số một, hãy là duy nhất !”- Ảnh 8.

GS. Trần Huy Thịnh cùng gia đình nhỏ của mình

Giáo sư Trần Huy Thịnh:“Đừng cố là số một, hãy là duy nhất !”- Ảnh 9.

Richard Dawkins nhận định bản chất của gen là tính vị kỷ, ẩn chứa ngay cả trong những hành động vị tha nhất. Nhận định đó đến nay còn xác đáng?

Hiểu biết của con người về bộ gen của chính chúng ta vẫn còn rất giới hạn. Cơ bản bộ gen người giống nhau tới 99,9%, nhưng thế giới có 8 tỉ người khác nhau, và ngày càng tăng lên. Ngay bản thân một người cũng có lúc thế này lúc thế khác, và điều đó có liên quan chặt chẽ đến biểu hiện của gen. Tôi đồng ý với Dawkins về sự mã hóa mang tính vị kỷ của gen, nhưng thể hiện, biến đổi của gen ra ngoài lại phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố, gần như là vô số, nên cần phải đặt trong bối cảnh cụ thể mới có những đánh giá xa hơn và đảm bảo độ chính xác trong nghiên cứu.

Tôi luôn thấy khó hiểu về sự khác biệt quá lớn của con người so với muôn loài. Lý thuyết gen giải thích điều này như thế nào?

Đây là câu hỏi mà chúng ta vẫn đang tiếp tục tìm hiểu. Thực tế là bộ gen người không lớn, thậm chí nhỏ hơn nhiều loài khác. Các loài vật khác cũng có những khả năng vượt trội mà con người thua xa, ví dụ các khả năng về khứu giác, thị giác, xúc giác…

Theo tôi, sự khác biệt giữa người với động vật liên quan đến tính đa dạng của bộ gen. Chỉ con người mới có một số nhóm gen đặc trưng về mặt tư duy, tri thức, trí tuệ để chúng ta có tiềm năng phát triển vượt bậc so với các loài khác: Cùng một bộ gen người có thể tạo ra rất nhiều biến thể khác nhau, các biến thể này ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động chức năng về thể chất, tư duy, ngôn ngữ, nghệ thuật... Việc điều hòa hoạt động của gen người là hết sức tinh vi, phức tạp nhất trong muôn loài. Khi có sẵn các gen quy định về các đặc tính loài, kết hợp với những rèn luyện về thể chất, tư duy, ngôn ngữ…, các gen đó được kích hoạt và phát triển nhanh chóng, định hình nên chúng ta. Có lẽ điều này phần nào lý giải tại sao con người lại là loài thông minh, phát triển nhất trên trái đất.

Giáo sư Trần Huy Thịnh:“Đừng cố là số một, hãy là duy nhất !”- Ảnh 10.

GS. Trần Huy Thịnh trong vai trò Trưởng phòng Quản lý KH-CN tại Trường ĐH Y Hà Nội

Vậy nên cần cả 2 yếu tố: Tạo hóa chuyên biệt cho con người các gen tiềm năng, rồi sau đó là quá trình tiến hóa, tập luyện để phát triển các thế mạnh đó của gen.

Còn tại sao tạo hóa lại cho chúng ta các khả năng đặc biệt đó? Theo tôi, nếu không có loài người thì cũng sẽ có loài khác nhận được sự ưu ái đó mà thôi. Có thể chúng ta thấy điều đó như một sự thần kỳ, một bước nhảy đặc biệt trong lịch sử sự sống, nhưng nên hiểu là ta cũng không có gì quá đặc biệt đối với tạo hóa.

Giáo sư Trần Huy Thịnh:“Đừng cố là số một, hãy là duy nhất !”- Ảnh 11.

Gần đây có một công bố về hiện tượng "virgin birth", tức là sự sinh sản ở giống cái không cần thụ tinh từ giống đực, có thể di truyền, thông qua chỉnh sửa gen. Thành tựu này liệu có khởi đầu cho một làn sóng "chỉnh sửa gen" mới?

Đây có thể nói là một bước đột phá, nhưng cần thận trọng, do bộ gen vốn tinh vi và có sự tương tác rất lớn đối với môi trường. Những gì quá khiên cưỡng sẽ khó đứng vững trước chọn lọc tự nhiên, đặc biệt khi ta chưa thể hiểu hết những hậu quả mang lại. Ngoài ra, mục đích của công nghệ chỉnh sửa gen nằm ở khía cạnh khác: Điều trị bệnh lý cho người.

Tất nhiên đối với sự phát triển của loài, chúng ta luôn mong muốn đưa tất cả sự tốt đẹp nhất vào trong một cá thể: thể chất, tư duy, nghệ thuật… Đó là sự lý tưởng hóa. Trong thực tế, có vô số tác động đến hoạt động của gen, và các tác động đó luôn biến đổi, nên bộ gen sẽ không thể ở trong điều kiện lý tưởng được. Gen là những hệ lưu trữ trong con người và có thể truyền cho các thế hệ sau. Tất cả các tác động vào nó cần đảm bảo không gây ra những hậu quả tai hại, nên cần kiểm soát rất chặt chẽ cả về đạo đức, tôn giáo và pháp luật. Viễn cảnh về thế giới của các "siêu nhân" có trí tuệ như Einstein, thể chất như Schwarzenegger, đá bóng như Messi, vẽ tranh như Picasso, chơi violin như Heifetz, chơi piano như Rubinstein… thông qua công nghệ chỉnh sửa gen có lẽ sẽ khó thành hiện thực.

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.