Những vở diễn để đời - Kỳ 6: Tâm sự Ngọc Hân

17/05/2014 03:00 GMT+7

Vở Tâm sự Ngọc Hân (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn: Chi Lăng, Diệp Lang) ra đời năm 1982, diễn gần cả ngàn suất từ TP.HCM tới các tỉnh. Vở không chỉ là chuyện đánh quân Thanh, mà còn những điều rất tế nhị của đất nước sau ngày giải phóng đã được lồng vào khéo léo.

>> Những vở diễn để đời - Kỳ 5: Lam Sơn tụ nghĩa
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 4: 'Bão táp Nguyên Phong
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 3: Câu thơ yên ngựa

Những vở diễn để đời - Kỳ 6: Tâm sự Ngọc Hân
Tuấn Thanh vai Nguyễn Huệ và Mỹ Châu vai Ngọc Hân - Ảnh: T.L

Chiến thắng quân Minh, Lê Lợi mở đầu cho triều đại nhà Hậu Lê khá thịnh vượng. Nhưng đến thời Lê trung hưng thì suy yếu rõ rệt và bị các chúa Trịnh chuyên quyền, lấn át. Nhất là đời vua Lê Hiển Tông thì cực kỳ nhu nhược, bị ba đời Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, Trịnh Khải kiểm soát gắt gao. Vua có cô công chúa Ngọc Hân văn hay chữ tốt, sau này gả cho Nguyễn Huệ, làm nên một cuộc tình đẹp, và chính Nguyễn Huệ đã đánh tan quân Thanh trong một cuộc chiến thần tốc vang danh lịch sử.

Kịch bản Tâm sự Ngọc Hân đã thể hiện cuộc chiến đó với những mâu thuẫn nội bộ cần được giải quyết. Ở Thăng Long thì triều đình và các sĩ phu không tin Nguyễn Huệ sau khi giết Trịnh Khải sẽ thực tâm phò tá nhà Lê, mà sẽ xuất hiện một “chúa Trịnh mới”. Cho nên Lê Chiêu Thống khi vừa lên ngôi thay cho Lê Hiển Tông đã vội cầu viện nhà Thanh. Còn ở Phú Xuân thì ngược lại, Nguyễn Nhạc (lúc ấy là Thái Đức hoàng đế) cũng nghi ngờ Ngọc Hân không thật lòng với Tây Sơn. Nhà Thanh sai sứ thần và gián điệp lợi dụng đúng kẽ hở này để lén gửi một bức mật thư giả mạo cài Ngọc Hân vào âm mưu của họ, khiến Nguyễn Nhạc nổi giận. Nguyễn Huệ một lòng tin vợ, hết sức trấn an. Những diễn biến này khiến nội bộ Tây Sơn xảy ra căng thẳng. Ngọc Hân và các tùy tướng đã có lúc tủi thân, định bỏ Tây Sơn mà trở lại Bắc Hà. Nhưng may thay, âm mưu ấy bị phá tan, mọi người lại cùng nhau hợp sức chống giặc.

 

“Viết sử không chỉ kể lại chuyện xưa, mà còn là đối chiếu chuyện nay, soi rọi lại bài học muôn đời. Lịch sử có khi lặp đi lặp lại, luôn hữu ích cho ta suy ngẫm, cảnh giác. Chiến công của vua Quang Trung còn là chiến công của lòng người, biết bỏ qua những nghi kỵ, nhỏ nhen, lại biết thu phục nhân tài. Rất tiếc là ông qua đời quá sớm…”.

Tác giả Lê Duy Hạnh

Tinh thần hòa giải được đưa lên cao nhất khi Nguyễn Huệ một mình chống chọi với Nguyễn Ánh và quân Xiêm ở phía nam, lại còn kéo quân ra bắc diệt quân Thanh tràn qua như nước lũ. Không có tinh thần hòa giải này thì sĩ phu Bắc Hà đã không thể chấp nhận ông làm Quang Trung hoàng đế và đồng lòng đứng dậy. Không có tinh thần hòa giải này thì Nguyễn Huệ cũng sẽ không chú trọng những nhân tài của triều Lê như Nguyễn Thiếp, Nguyễn Nễ, Nguyễn Huy Lượng, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn... Hòa giải giữa những người “mới”, “cũ”, không phải là chuyện dễ dàng. Nếu không tin cậy nhau, không sử dụng nhau, thì sẽ có kẻ ra đi, sẽ mất nhân tài cho đất nước, sẽ bạo loạn khắp nơi, sẽ không còn sức mà xây dựng an vui, đừng nói là chống ngoại xâm.  

Tổ quốc trên hết

Ngay giữa bối cảnh Sài Gòn giải phóng chưa bao lâu, ngổn ngang mới cũ, hình như rất giống câu chuyện của Ngọc Hân và Tây Sơn. Hay nói đúng hơn, tác giả Lê Duy Hạnh mượn Ngọc Hân và Tây Sơn để nhắc về xã hội đương thời, và chỉ có ông dám “bạo gan” như vậy. Tất nhiên sau đó thì bị… sự cố. Vở không được duyệt. Nhưng Lê Duy Hạnh không bó tay. Chờ lúc Tổng bí thư Lê Duẩn đi họp ở miền Nam, Lê Duy Hạnh và anh em nghệ sĩ mời ông về xem. Mà xem ngay trong nhà khách T.78 chỉ có những cán bộ cao cấp là “khán giả”. Ai nấy diễn mà run, không biết “số phận” mình ra sao. Không ngờ Tổng bí thư khen nức nở. Thế là vở được công diễn tưng bừng.

Thật sự Tâm sự Ngọc Hân đã góp một tiếng nói rất lớn vào xã hội và nhiều người đã nhìn nhận lại vấn đề theo tinh thần hòa giải nhiều hơn. Đội ngũ trí thức Sài Gòn đã có cơ hội làm việc cũng như chiến đấu cho đất nước nhiều hơn. Đất nước là trên hết, đặc biệt khi có ngoại xâm thì tất cả những người con Việt dù đứng ở chính kiến nào cũng nắm chặt tay nhau để giữ gìn bờ cõi. Lời của Nguyễn Huệ sang sảng trong vở diễn: Nhân cách cao cả của một con người là phải biết lòng tự trọng của mình, phải biết hy sinh vì nghiệp lớn. Nếu nhân cách ấy trở thành một thứ lá chắn khư khư đi bảo vệ thân mình thì nhân cách đó còn biết nghĩ đến ai, còn lo cho ai? Chưa lúc nào phong trào Tây Sơn bị tấn công từ mọi phía như lúc này (…) Huệ nghĩ rằng, những sự rạn nứt ở nội bộ trong lúc này không cần thiết, mà chỉ có lợi cho kẻ thù. Huệ mong những ai đứng dưới lá cờ Tây Sơn hãy đem hết thân mình lo cho đại cuộc. Tất cả mọi người trên dưới một lòng, tâm đồng trí nhất, kết đoàn lại quyết đánh thắng kẻ thù xâm lược! Và vó ngựa Tây Sơn đã ào ào đạp lên kẻ thù phương bắc, để lại một mùa xuân Kỷ Dậu oai hùng với ngày mùng 5 tết đẹp như huyền thoại…

Từ vai Nguyễn Huệ, anh kép đẹp Tuấn Thanh nổi tiếng luôn, cho đến bây giờ vẫn là một giọng ca trầm ấm quyến rũ chuyên đóng những nhân vật lịch sử. Mỹ Châu vai Ngọc Hân, Hùng Minh vai Nguyễn Nhạc, cùng với Diệp Lang, Hoàng Giang, Quốc Hùng, Thoại Miêu, Khả Năng… toàn là những ngôi sao cải lương, thảo nào mà Đoàn văn công TP.HCM đi đến đâu khán giả mua vé kín rạp đến đó.

Hoàng Kim - Vũ Anh 

>> Những vở diễn để đời - Kỳ 5: Lam Sơn tụ nghĩa
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 4: 'Bão táp Nguyên Phong
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 3: Câu thơ yên ngựa
>> Những vở diễn để đời - Kỳ 2: Nhụy Kiều tướng quân
>> Những vở diễn để đời: Tiếng trống Mê Linh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.