Hà Nội: Doanh nghiệp 'than' khu công nghệ cao Hòa Lạc sóng kém, điện thiếu ổn định

10/05/2024 21:23 GMT+7

Đối thoại với Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh, nhiều doanh nghiệp 'than' sóng điện thoại, tín hiệu mạng kém; nguồn điện ở khu công nghệ cao Hòa Lạc không ổn định, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất.

Chiều 10.5, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại khu công nghệ cao Hòa Lạc (nằm trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai).

Sóng điện thoại kém, điện thiếu ổn định gây khó khăn cho sản xuất

Tại hội nghị, nhiều ý kiến doanh nghiệp kiến nghị thành phố, Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc và chính quyền sở tại đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành giải phóng mặt bằng diện tích còn lại để sớm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển.

Đại diện Công ty Hawha AEno Engines nêu kiến nghị

Đại diện Công ty Hawha AEno Engines nêu kiến nghị

KHẮC HIẾU

Đáng chú ý, nhiều ý kiến doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, tín hiệu điện thoại, tín hiệu mạng, nguồn điện ở khu công nghệ không ổn định, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất.

Cụ thể, đại diện Công ty TNHH Vina-Sanwa cho biết, sóng điện thoại gần khu nhà xưởng rất kém. Việc mất sóng điện thoại ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp khi phải xử lý thông tin trong trường hợp khẩn cấp nên kiến nghị thành phố, các đơn vị liên quan vào cuộc xử lý.

Cũng tại hội nghị, đại diện Công ty Hawha AEno Engines cho biết lĩnh vực kinh doanh của công ty là chuyên sản xuất linh kiện động cơ máy bay, yêu cầu năng lượng đầu vào rất cao, cần sự cung cấp điện áp ổn định. Tuy nhiên, trung bình mỗi năm ở khu công nghệ cao Hòa Lạc có 5 - 6 sự cố điện. Điều này có thể phát sinh lỗi trong các sản phẩm, khiến doanh nghiệp thiệt hại lớn về kinh tế. Do đó, doanh nghiệp đề nghị thành phố có giải pháp để xử lý vấn đề cung cấp nguồn điện ổn định cho doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất.

Trả lời về vấn đề sóng điện thoại gần khu nhà xưởng của Công ty TNHH Vina-Sanwa, đại diện Viễn thông Hà Nội - Chi nhánh Tập đoàn viễn thông Việt Nam, cho biết tại khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện chỉ có 4 trạm phát sóng, trong khi theo quy hoạch phải có 12 trạm. Đối với trường hợp của Công ty TNHH Vina-Sanwa, đơn vị đã đến kiểm tra. Kết quả cho thấy khoảng cách giữa các bộ thu phát sóng rất xa khu nhà xưởng, nên ảnh hưởng đến chất lượng sóng.

Liên quan đến sự cố điện, đại diện Tổng công ty Điện lực (EVN) Hà Nội cho biết, năm 2021, tại khu công nghệ cao Hòa Lạc xảy ra 61 sự cố. Từ đầu năm 2024 đến nay, khu công nghệ cao Hòa Lạc mới xảy ra 2 vụ, trong đó có 1 vụ là sự kiện bất khả kháng.

Trong những năm vừa qua, EVN Hà Nội luôn quan tâm, đảm bảo ít xảy ra sự cố về điện, nâng cao chất lượng truyền tải điện ở khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng điện đầu vào, đại diện EVN Hà Nội khuyến cáo doanh nghiệp nên đầu tư thiết bị bảo vệ, đảm bảo an toàn cho thiết bị và dây chuyền sản xuất.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc như "một quận công nghệ xanh"

Điều hành tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu Sở TT-TT phải phối hợp xử lý, kiểm tra chất lượng đường truyền. "Khu công nghệ cao thì chất lượng phải cao. Đường truyền, băng thông phải rộng", ông Thanh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị

KHẮC HIẾU

Đối với nguồn điện, ông Thanh cho rằng, phải ưu tiên đảm bảo cho các khu công nghiệp nói chung và khu công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng. Càng là khu công nghệ cao càng phải đảm bảo chất lượng nguồn điện. Nếu nguồn điện không ổn định, rất khó để thu hút đầu tư.

Ông Trần Sỹ Thanh nhìn nhận, những khó khăn, vướng mắc là những vấn đề không mới, nhưng vì nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan nên chưa thể giải quyết được.

"Để khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển xứng tầm thì chỉ quyết tâm và nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước thôi là chưa đủ, mà rất cần sự đồng hành, hưởng ứng của các nhà đầu tư. Trên tinh thần hợp tác cùng thắng, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", tôi mong các nhà đầu tư sẽ nghiêm túc và quyết tâm thực hiện cam kết đầu tư của mình tại khu công nghệ cao Hòa Lạc", ông Thanh bày tỏ.

Đáng chú ý, theo ông Thanh, cần nhìn nhận, tiếp cận khu công nghệ cao Hòa Lạc như "một quận công nghệ xanh" của thành phố, chứ không phải là một khu đất để xây nhà xưởng, nhà máy.

"Đây được coi như đơn vị hành chính thứ 31. Vì thế, bộ máy quản lý phải xứng tầm, trọn vẹn, có đầy đủ chức năng quản lý chứ không phải là một đơn vị sự nghiệp", ông Thanh nói và cho biết khi tiếp cận ở góc độ như vậy thì những vấn đề về giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở vật chất… mới được xử lý.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội lưu ý thêm, khu vực này được định hướng quy hoạch là thành phố, dân số hàng triệu người. "Khu công nghệ cao Hòa Lạc phải là "lõi", là quận trung tâm của thành phố này", ông Thanh nói và cho biết thêm, sẽ có cơ chế đầu tư nhà ở, hạ tầng giáo dục, y tế tương xứng.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 1998 với tính chất là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế khu vực và cả nước với vai trò là cầu nối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ cao mới; là điểm thử nghiệm, thí điểm rút kinh nghiệm cho việc đẩy mạnh phát triển các khu công nghệ cao trong cả nước.

Khu vực này được quy hoạch xây dựng trên diện tích 1.586 ha, được chia thành 8 khu chức năng (khu GD-ĐT, khu nghiên cứu và triển khai, khu phần mềm, khu công nghiệp công nghệ cao, khu hỗn hợp, khu trung tâm, khu nhà ở, khu giải trí và thể dục, thể thao) và các khu vực phụ trợ (hồ Tân Xã, vùng đệm và cây xanh).

Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 109 dự án đầu tư (bao gồm 95 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỉ đồng, tỷ lệ dự án đăng ký đầu tư đạt khoảng gần 40%. Trong số đó, nhiều dự án đã đi vào hoạt động, đang góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 người lao động có tay nghề, doanh thu năm 2023 đạt khoảng 30.000 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.