Hải Phòng: Đề nghị ưu tiên triển khai thành lập 'thành phố trong thành phố'

07/12/2023 12:38 GMT+7

Tại kỳ họp thứ 13, HĐND TP.Hải Phòng khóa XVI nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đề nghị tập trung ưu tiên triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó thành lập thành phố thuộc thành phố tại H.Thủy Nguyên.

Từ ngày 6 - 8.12, HĐND TP.Hải Phòng khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức họp kỳ thứ 13 nhằm đánh giá các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2023 và nhiều nội dung quan trọng.

14/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt mục tiêu kế hoạch

Trong phiên họp ngày đầu tiên (6.12), HĐND TP.Hải Phòng làm quy trình miễn nhiệm chức vụ ủy viên UBND thành phố khóa XVI (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đối với ông Bùi Quang Hải, nguyên Giám đốc Sở Công thương và ông Đỗ Đại Dương, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp. Đồng thời bầu bổ sung chức danh ủy viên UBND thành phố khóa XVI (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đối với ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Công thương.

Hải Phòng:  14/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra - Ảnh 1.

Quang cảnh kỳ họp thứ 13 của HĐND TP.Hải Phòng khóa XVI

C.T.V.

Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng nêu rõ, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục ổn định và phát triển. Tăng trưởng kinh tế đạt mức khá cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác; một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Ước thực hiện cả năm 2023 có 14/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt hoặc vượt mục tiêu kế hoạch HĐND thành phố giao, đạt tỷ lệ 73,68%; có 5/19 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, đạt tỷ lệ 26,32%.

Hải Phòng:  14/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng báo cáo tại kỳ họp thứ 13 HĐND TP.Hải Phòng khóa XVI

C.T.V

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước thực hiện 102.614,53 tỉ đồng, đạt 98,02% dự toán T.Ư giao, đạt 88,12% dự toán HĐND thành phố giao. Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 42.500 tỉ đồng, đạt 135,66% dự toán T.Ư giao, đạt 100% dự toán HĐND thành phố giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 58.000 tỉ đồng, đạt 82,98% dự toán T.Ư và HĐND thành phố giao.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, Hải Phòng xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX xếp vị trí thứ 2 với 90,09 điểm; chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính SIPAS xếp vị trí thứ 10 với 83,88 điểm; chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI xếp trong nhóm cao nhất gồm 15 tỉnh, thành phố với 43,603 điểm…

Hải Phòng:  14/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra - Ảnh 3.

KCN Tràng Duệ, H.An Dương là một trong những điểm sáng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào TP.Hải Phòng

GIANG LINH

Môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố tiếp tục được cải thiện; hiệu quả từ chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư đã mang lại kết quả tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài. Hải Phòng đã phối hợp các cơ quan T.Ư liên quan trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Khởi công một số công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực như giao thông, công nghiệp, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế và mở đường phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố. Các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân được chú trọng thực hiện tốt. Triển khai vận động các tổ chức quốc tế hồ sơ đề cử quần đảo Cát Bà - vịnh Hạ Long và chính thức được UNESCO ghi danh là di sản thiên nhiên thế giới...

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, vượt khỏi khả năng dự báo. Mặc dù đã rất nỗ lực, cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số trong 9 năm liên tục nhưng 3 năm, từ năm 2021 - 2023, đều chưa hoàn thành mục tiêu đề ra và chưa đảm bảo theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16.

Đề nghị ưu tiên triển khai thành lập 'thành phố trong thành phố'

Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2024, ngoài việc mở rộng không gian kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại,..., ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là thời điểm phải tăng tốc, bứt phá, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố.

Hải Phòng:  14/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra - Ảnh 4.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu tại kỳ họp thứ 13 HĐND thành phố khóa XVI

C.T.V

Trên cơ sở những kết quả, bài học kinh nghiệm rút ra của nửa nhiệm kỳ vừa qua, Bí thư Châu đề nghị HĐND thành phố tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, tăng tốc, quyết liệt thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo nghị quyết, chương trình hành động của Quốc hội, Chính phủ và thành phố. Trong đó, ông Châu đề nghị, tập trung ưu tiên triển khai 4 nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết cần hoàn thành từ nay đến hết nhiệm kỳ mà Ban Thường vụ xác định theo Thông báo số 1705, bao gồm: thành lập khu kinh tế thứ 2 và khu thương mại tự do tại khu vực phía nam thành phố; phát triển nhà ở xã hội; hoàn thành đề án Tổ chức chính quyền đô thị TP.Hải Phòng , thành lập thành phố thuộc thành phố tại H.Thủy Nguyên và thành lập đơn vị hành chính quận tại H.An Dương; thành lập các khu, cụm công nghiệp mới để thu hút các dự án đầu tư lớn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.