Hội chứng tự sinh rượu là gì?

Trà Linh
Trà Linh
01/04/2023 00:06 GMT+7

Một hội chứng lạ khó chẩn đoán có thể khiến bạn có nồng độ cồn trong người dù không hề uống rượu hay bia. Chuyên trang sức khỏe Healthline cho hay đó là hội chứng tự sinh rượu (ABS) còn được gọi là hội chứng lên men ruột, hay lên men ethanol nội sinh.

Hội chứng tự sinh rượu là tình trạng cơ thể tự biến thức ăn có đường và tinh bột (carbohydrate) thành ethanol, khiến bạn có nồng độ cồn dù không hề uống bia hay rượu.

Không uống bia cũng có nồng độ cồn trong người nếu mắc bệnh này - Ảnh 1.

Hội chứng tự sinh rượu (ABS) còn được gọi là hội chứng lên men ruột, hay lên men ethanol nội sinh

Shutterstock

Các bác sĩ cho hay hội chứng tự sinh rượu khá khó chẩn đó vì dễ nhầm lẫn với các tình trạng y tế khác. Hầu hết trường hợp được phát hiện là do bị bắt vì uống rượu bia khi lái xe, nhưng thực tế người lái chỉ bị bệnh mà không hề uống đồ uống chứa cồn.

Nguyên nhân dẫn tới hội chứng tự sinh rượu phần lớn là do có quá nhiều nấm men như candida albicans, candida glabrata, torulopsis glabrata, candida krusei, candida kefyr, saccharomyces cerevisiae… lưu trú ở ruột.

Đôi khi là do biến chứng của một bệnh khác, chẳng hạn như bệnh gan. Khi gan không khỏe và loại bỏ rượu chậm hơn bình thường cũng dẫn đến các triệu chứng của bệnh tự sinh rượu.

Cũng theo chuyên trang sức khỏe Healthline, cả người lớn và trẻ em đều có thể là đối tượng mắc ABS. Thậm chí, trẻ sơ sinh hoặc mới biết đi còn có nguy cơ bệnh cao hơn nếu mắc phải hội chứng ruột ngắn.

Khi đó, các em bé sẽ dễ bị say sau khi ăn hoặc uống các loại nước ép trái cây chứa nhiều carbohydrate tự nhiên như cam, việt quất, bưởi, táo…

Hội chứng tự sinh rượu dù khó phát hiện nhưng vẫn có thể chữa khỏi. Nếu thấy các dấu hiệu bất thường, nhất là cảm thấy say sau khi ăn thực phẩm có chứa đường và tinh bột thì nên sớm đi bác sĩ khám để được điều trị kịp thời.          

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.