Khơi thông vốn, cần hành động ngay

27/02/2023 06:38 GMT+7

Tình trạng doanh nghiệp cắt giảm lao động hay nợ các khoản vay từ trái phiếu ngày càng tăng, kéo theo tiêu dùng trên thị trường sụt giảm cho thấy sức khỏe doanh nghiệp ngày càng yếu.

Doanh nghiệp hết tiền, lao động mất việc

Công ty TNHH Pou Yuen VN (Q.Bình Tân, TP.HCM) vừa công bố chính thức về việc cắt giảm gần 2.400 lao động. Đây là doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đông lao động nhất tại TP.HCM. Trước đó, vào tháng 11.2022, công ty này đã cho gần 20.000 lao động nghỉ luân phiên do thiếu đơn hàng. Nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất. Từ cuối năm 2022, số lượng DN cắt giảm hoặc cho người lao động nghỉ luân phiên đã khá nhiều.

Khơi thông vốn, cần hành động ngay - Ảnh 1.

Thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm lao động khiến sức mua trên thị trường xuống thấp

ĐỘC LẬP

Kết quả khảo sát của Hiệp hội DN TP.HCM mới đây cũng cho biết vấn đề khó khăn của các DN gia tăng, hàng tồn kho cao. Chẳng hạn, 10% DN ngành chế biến mỹ nghệ gỗ còn 50% đơn hàng; 50% DN chỉ còn 30 - 40% đơn hàng và số DN còn lại là không có đơn hàng. Một số DN đang cho người lao động làm việc thay phiên hoặc nghỉ tết dài ngày. Tình trạng này khá bất thường so với các năm trước, lý do là không có đơn hàng dự trữ. Bên cạnh đó, khảo sát cho thấy số DN có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% của quý 2/2022 xuống còn 65% của quý 4/2022. 

Đây là tín hiệu báo động của thị trường lao động. Số liệu từ Tổng liên đoàn Lao động VN vừa công bố ngày 24.2 cũng cho biết tính từ tháng 9.2022 đến hết tháng 1.2023 đã có khoảng 1.300 DN (tại 50 tỉnh, TP) gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng. Có đến 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng là ở các DN FDI, tập trung trong 3 ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ ở các tỉnh, TP khu vực phía nam như TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang...

Trong khi đó, theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, đã có 54 DN rơi vào tình trạng chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu từ giữa tháng 9.2022 đến cuối tháng 1.2023. Trong đó phần lớn là DN lĩnh vực bất động sản (BĐS), điện mặt trời. Điều này càng cho thấy "sức khỏe" của nhiều DN ngày càng giảm sút và lan rộng trong nhiều lĩnh vực kinh tế.

Vực dậy sức mua thị trường, tạo thêm niềm tin cho người tiêu dùng, đặc biệt là trong thị trường BĐS là vấn đề khá quan trọng trong thời điểm hiện nay. Không cần ai phải cứu ai, chỉ cần làm nhanh các giải pháp đã bàn là đã giúp thị trường rồi.


Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu

TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhận định: Khó khăn của các DN đã bắt đầu từ quý 4/2022 và đang ngày càng hiện rõ. DN xuất khẩu thiếu đơn hàng do ảnh hưởng chung của thị trường thế giới. Trong khi đó, tiêu dùng nội địa từ trước đến nay có hai nhóm ngành lớn là BĐS và xây dựng, từ đó kéo theo nhiều hoạt động dịch vụ liên quan như vật liệu xây dựng, nhập khẩu hàng hóa về tiêu dùng, ăn uống… Vì vậy, khi cả hai khu vực đều bị sụt giảm, người lao động mất việc làm, bị giảm thu nhập thì sức mua càng xuống thấp. Sức mua xuống thấp tác động ngược trở lại khiến sản xuất đình đốn, thu hẹp. Những khó khăn hiện nay còn bị tác động bởi lãi suất tăng cao.

"Nhiều DN cho hay mới đây các khoản vay trung dài hạn đã bị điều chỉnh tăng lãi suất lên thêm 2 - 3%/năm khiến chi phí đội lên rất lớn trong khi đơn hàng, sản xuất lại đi xuống. Điều này cũng khiến DN mất đi động lực, dừng các dự án mới, thu hẹp hoạt động… Chính phủ cần có những chương trình hành động cụ thể hơn để hỗ trợ DN, tạo dựng lại niềm tin để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh gia tăng", TS Huỳnh Thanh Điền nói thêm.

Càng chậm tình hình càng khó

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục sức mua của thị trường, trong đó có BĐS. Bởi sức mua yếu sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế. Tình trạng người lao động mất việc, cửa hàng đóng cửa, thu nhập sụt giảm thì không thể đẩy được sức mua tăng? "Chúng ta đặt nặng vấn đề kiểm soát lạm phát nên lãi suất trên thị trường ở mức cao, điều này dẫn đến tình trạng DN không quan tâm vay vốn hoạt động sản xuất kinh doanh bởi càng làm ăn càng lỗ. Chính vì vậy, cần nhanh chóng giảm lãi suất xuống để thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Càng do dự thì tình trạng sẽ càng căng thẳng", ông Hiếu đề xuất.

Trong dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, Chính phủ nhận định thị trường BĐS có vai trò, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và tác động ảnh hưởng đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Dự thảo đã đưa ra nhiều giải pháp như hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng, tổ chức thực thi pháp luật ở các địa phương… Những giải pháp này đã được nêu ra và cần nhanh chóng triển khai để có thể áp dụng, không thể chậm trễ hơn.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Riêng thị trường BĐS, ông Hiếu cho rằng cái khó nhất hiện nay là thanh khoản, trong đó có vấn đề về trả nợ trái phiếu cho các trái chủ trong thời gian tới lên đến 100.000 tỉ đồng. Nếu không triển khai ngay "phao" cho vấn đề này sẽ dẫn đến vỡ nợ trên thị trường, khả năng kéo theo khủng hoảng trong ngân hàng. Vì thế, cần có giải pháp hoãn nợ cho các DN trong 1 - 2 năm để họ có kế hoạch trả nợ cho các trái chủ, không dẫn đến việc các trái chủ khởi kiện ở tòa án yêu cầu DN phá sản để lấy lại được tiền. Đây là việc đầu tiên phải làm nhằm giải quyết nhanh tình trạng mà thị trường đang vướng phải. Riêng gói tín dụng 120.000 tỉ đồng vào thị trường nhà ở xã hội cần triển khai nhanh chóng cho kịp thời. 

"Quy mô của gói tín dụng này cũng như đối tượng là chưa đủ, cần phải đẩy lên gấp 3 lần, khoảng 360.000 tỉ đồng và triển khai cho cả các DN BĐS cũng như nhà thầu xây dựng. Hiện nay, gói hỗ trợ tín dụng 40.000 tỉ đồng với lãi suất 2% khá chậm, nếu được thì bổ sung thêm đối tượng để có thể làm nhanh. Vực dậy sức mua thị trường, tạo thêm niềm tin cho người tiêu dùng, đặc biệt là trong thị trường BĐS là vấn đề khá quan trọng trong thời điểm hiện nay. Không cần ai phải cứu ai, chỉ cần làm nhanh các giải pháp đã bàn là đã giúp thị trường rồi", ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Huỳnh Thanh Điền cũng cho rằng để kích cầu thị trường tiêu dùng hiện nay thì cũng phải bắt đầu từ lĩnh vực BĐS, xây dựng. Ngành này khôi phục sẽ kéo theo nhu cầu của nhiều ngành liên quan. Song song đó, thúc đẩy hoạt động mua sắm công của Chính phủ. Từ câu chuyện thực tế việc mua sắm trang thiết bị của nhiều bệnh viện đang bị "tắc" cho thấy các quy định xoay quanh hoạt động đấu thầu quá rắc rối, không phù hợp khiến nhiều đơn vị e dè, không muốn làm vì sợ bị sai, sợ bị trách nhiệm. Hoạt động mua sắm công của nhà nước là một giải pháp để làm tăng sức cầu cho thị trường trong tình hình hiện nay. Song song đó, ông đề xuất Chính phủ cũng nên xem xét các chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho nhiều hàng hóa như năm vừa qua; giảm thuế thu nhập cá nhân… 

"Nhưng quan trọng nhất vẫn là khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS và xây dựng. Chính sách tiền tệ khá thắt chặt cũng như những phản ứng thái quá với ngành BĐS đang tạo ra hệ lụy. Khi các DN này bị phá sản thì cả người dân, ngành ngân hàng cũng sẽ lao đao theo và tất nhiên kinh tế bị tác động nặng nề. Vấn đề hiện nay là niềm tin của DN, của người dân bị giảm sút nên ai cũng co cụm, tiết kiệm nhiều hơn. Hy vọng Chính phủ sẽ hành động ngay, nhất là phải khơi thông lại dòng vốn để DN tiếp tục tiếp cận dễ hơn, giảm lãi suất để giảm bớt khó khăn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.