Tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thủy

15/08/2013 10:10 GMT+7

Nguy cơ tai nạn trong mùa mưa bão đang tăng cao, khi hàng ngàn phương tiện giao thông đường thủy của tỉnh Hậu Giang chưa được đăng ký, đăng kiểm và tình trạng chở quá tải vẫn diễn ra.

 “Né” đăng ký, đăng kiểm

Các hộ dân sống ở vùng sông nước của tỉnh Hậu Giang chủ yếu trang bị các loại ghe, tàu, vỏ lãi… để đi lại, vận chuyển, mua bán hàng hóa. Theo quy định, tất cả các phương tiện hoạt động trên sông đều phải đăng ký, đăng kiểm với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, số lượng phương tiện thủy nội địa đến đăng ký, đăng kiểm vẫn còn hạn chế. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4.800/5.740 phương tiện thuộc Sở GTVT quản lý đã đăng ký, đăng kiểm, đạt tỷ lệ 85%; 1.025/11.806 phương tiện thuộc diện quản lý của huyện, thị xã, thành phố đã đăng ký, đạt gần 9%. Trong hơn 6.000 tài công đang hành nghề, mới có khoảng 1.700 người được cấp chứng chỉ.

Một số người dân vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, nên cố tình né tránh với nhiều lý do khác nhau. Anh Lê Văn Giỏi (ngụ ấp 7A, xã Vị Thanh, H.Vị Thủy) biện minh ghe của anh chỉ đi lại trong tỉnh, không kinh doanh mua bán gì, nên địa phương đã thông báo, nhưng anh vẫn chưa đi đăng ký và thi lấy chứng chỉ.

Tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thủy
Sà lan chở cát quá tải lưu thông trên kênh xáng Xà No (TP.Vị Thanh, Hậu Giang) - Ảnh: Kim Anh

Biết sai nhưng vẫn vi phạm

Tỉnh Hậu Giang có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài gần 700 km. Cấp T.Ư quản lý 6 tuyến, với chiều dài hơn 95 km, đạt tiêu chuẩn sông cấp 2, 3; cấp địa phương quản lý 41 tuyến, với chiều dài 585 km, trong đó có 11 tuyến cấp tỉnh, chiều dài 233 km, còn lại là cấp huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, tỉnh có 3 bến tàu khách, hàng trăm bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, với hơn 17.500 phương tiện hoạt động mỗi ngày.

Giao thông đường thủy đóng vai trò quan trọng trong việc nối Hậu Giang với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, TP.Cần Thơ… Ở các tuyến kênh xáng Xà No, Quản lộ Phụng Hiệp, Cái Lớn, Lái Hiếu…hằng ngày có hàng ngàn lượt xuồng ghe qua lại. Thời gian qua, ngành chức năng đã tiến hành tuần tra, kiểm soát và phát hiện một số phương tiện chở quá tải, quá khổ, chủ yếu là các sà lan chở cát đá, tàu ghe mua bán nông sản. Phần lớn các trường hợp bị bắt đều biết rõ mức độ nguy hiểm của việc chở quá tải, quá khổ nhưng vẫn cố tình vi phạm. Theo một số chủ phương tiện, nếu không may bị phát hiện cũng chỉ xử phạt hành chính. Ông Võ Văn Phó, chủ sà lan chở cát ở TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau), phân trần: “Hiện nay, giá nhiên liệu, vật tư, tiền thuê nhân công đều tăng cao. Nếu chở đúng tải thì không có lời, nên chúng tôi đành phải làm liều”.

Thượng úy Nguyễn Trung Nghĩa, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Hậu Giang, thống kê từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 23 người, bị thương 5 người, thiệt hại tài sản hơn 350 triệu đồng. Riêng 7 tháng đầu năm nay, tuy chưa xảy ra vụ tai nạn nào nhưng qua các cuộc tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 600 trường hợp vi phạm, trong đó có nhiều trường hợp chở quá tải, quá khổ.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về luật Giao thông đường thủy nội địa nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vẫn chưa thật sự khoa học, thiếu chiều sâu, tẻ nhạt về hình thức. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn xem nhẹ khâu phân cấp quản lý, công tác đào tạo, cấp bằng… nên chưa tạo sự chuyển biến lớn về nhận thức đối với người tham gia giao thông đường thủy.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thành Nhơn cho biết: “Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh sẽ kiên quyết lập lại trật tự giao thông đường thủy để bảo đảm an toàn cho người dân và phương tiện lưu thông, mang lại bình yên cho vùng sông nước Hậu Giang”.

Kim Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.