Người thầy của trẻ tự kỷ vùng mỏ

07/08/2013 08:15 GMT+7

Anh tên là Vũ Bá Thắng, 34 tuổi, quê Bắc Ninh, người đã mở lớp mầm non tư thục cho trẻ tự kỷ đầu tiên, duy nhất của Quảng Ninh, trong một căn nhà thuê trong ngõ Hải Phúc, P.Hồng Hải, TP.Hạ Long.

“Con đọc được bảng chữ cái và số đếm tuy phát âm còn chưa rõ ràng, có thể trả lời bố mẹ, ông bà là ai. Hôm nay, hôm qua, ngày mai là thứ mấy. Con bạo dạn hơn, dám xin nước uống khi khát, dám nói con đói...”, đó là kết quả học tập của bé N, 5 tuổi, được thầy giáo Vũ Bá Thắng ghi lại trong cuốn vở 72 trang đã gần kín chữ.

N là học trò của thầy Thắng từ lúc bé 16 tháng, khi cha mẹ em thấy con gái thích nằm một chỗ, bú xong là quay mặt đi, không theo bố mẹ.

Có mặt trong lớp học đặc biệt này, chúng tôi thấy Vũ Bá Thắng cầm một xấp bìa cứng viết chữ và số. Thầy kiên nhẫn đưa từng tờ trước mắt một bé gái 6 tuổi rồi dạy từng chữ, từng số. Đây chỉ là phần khởi động cho trẻ em tự kỷ mà Thắng đã áp dụng khá thành công.

Tốt nghiệp khoa Tâm lý ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2003, với lòng yêu trẻ và đam mê nghiên cứu tâm lý trẻ tự kỷ, Thắng quyết tâm mở trường để có cơ hội tiếp xúc, giúp đỡ cho các em.

Năm 2007, với tài sản duy nhất là kinh nghiệm 4 năm dạy trẻ em tự kỷ, Thắng về Hạ Long mở trường. Ban đầu anh chỉ nhận dạy học trò theo giờ, đến năm 2011, trường mầm non tư thục “Vì ngày mai” chính thức ra đời.

“Tôi phải vay mượn khắp nơi để mua từ cái bút chì cho tới cái bàn, cái ghế, đồ chơi, sách vở... cho các con. May là chủ nhà biết mình mở trường cho trẻ tự kỷ nên lấy tiền nhà rất rẻ”, Vũ Bá Thắng nói.

Xin giấy phép, thuê nhà khó một thì tìm giáo viên cho lớp khó 10. Người nhiệt tình, yêu trẻ thì không có khiếu dạy các cháu tự kỷ. Người có năng lực thì chỉ làm một thời gian ngắn rồi xin nghỉ, về nhà tự mở lớp thu tiền. Sau 6 năm, anh và vợ (cũng là cô giáo mầm non) vẫn phải chạy vạy để duy trì lớp học.

Danh sách học trò của trường Vì ngày mai sau 6 năm đã rải khắp tỉnh Quảng Ninh, đông nhất là TP.Hạ Long. Có cháu học Thắng từ hơn một tuổi nay đã lên lớp 6 vẫn được bố mẹ chở đến học chú Thắng 1-2 giờ mỗi ngày. Trong lớp học của Thắng, các bé ngồi ngoan ngoãn tô màu, chơi đồ chơi hoặc tập chạy trên máy.

Thắng kể: hạnh phúc nhất của anh mỗi ngày mở cửa đón học sinh, thấy tiếng cười của một phụ huynh: “Thầy ơi, hôm qua bé A, bé B bảo, mẹ ơi mẹ mở cửa ra. Mẹ ơi mẹ bế con”.

Anh chia sẻ: “Tôi buồn vì cha mẹ nhiều cháu rất có điều kiện, có người là giám đốc các công ty lớn nhưng có con bị tự kỷ song lại để các cháu đến 4-5 tuổi mới mang đến gặp bác sĩ, thầy giáo".

Theo thầy Thắng, nếu phát hiện trẻ tự kỷ phải có ngay biện pháp tâm lý để “điều trị” cho trẻ, tốt nhất là cho trẻ hòa nhập trong môi trường giáo dục thích hợp.

Vũ Bá Thắng là người có công trong việc thay đổi số phận của hàng trăm trẻ tự kỷ khắp vùng mỏ Quảng Ninh và được nhiều bậc phụ huynh yêu mến. Nhưng với cá nhân Thắng, hạnh phúc còn chưa trọn vẹn khi vợ chồng anh kết hôn đã 4 năm nay mà chưa có con.

“Ở hiền gặp lành”, chúng tôi nói khi nắm tay anh chị thật chặt để giã từ và tin rằng anh chị sẽ gặp nhiều may mắn.

Thúy Hằng

>> Can thiệp sớm giúp trẻ tự kỷ phát triển
>> Thăm trường trẻ tự kỷ
>> Khả năng hồi phục của trẻ tự kỷ
>> Giúp trẻ tự kỷ giao tiếp
>> Robot giúp trẻ tự kỷ học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.