Khi vệ sĩ làm đạo chích

28/12/2005 23:57 GMT+7

Vừa bước vào nghề, vệ sĩ (VS) được học bài đầu tiên là phòng chống trộm. Tại đây, VS được trang bị toàn bộ kiến thức về các chiêu thức sở trường, những mánh khóe tinh vi của phường đạo chích nhằm "dĩ độc trị độc". Số đông VS vận dụng hiệu quả kiến thức học được để phục vụ đắc lực cho các công ty, doanh nghiệp..., thế nhưng lại có một số người đi vào "ma đạo".

"Chôm" đồ nhà

Một giám đốc của công ty bảo vệ (BV) than phiền: "Chuyện VS ăn trộm xảy ra nhiều lắm! Tôi trong nghề, nghe đồng nghiệp kể lại mà đau đầu. Vụ việc lỡ xảy ra, VS đâu có tiền mà trả, công ty phải nai lưng ra trả, nhưng cái mất mát lớn nhất là uy tín của công ty, còn ai dám thuê mình?".

Ưu tư của vị giám đốc nói trên là hoàn toàn thực tế. Mới đây, ngày 14.12, một nhân viên của Công ty HR2B (tại lầu 8 của cao ốc Thiên Sơn, số 5 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM) đã nghi bóng nghi gió cho đồng nghiệp khi phát hiện chiếc máy tính xách tay (trị giá 1.250 USD) của mình để trên bàn không cánh mà bay. Người nhân viên này nhớ như in, khi ra về, cánh cửa tự động đã khép lại rõ ràng và dưới cổng có lực lượng VS (Ban quản lý cao ốc Thiên Sơn thuê VS của Công ty BV Quang Trung) vây xung quanh và tuần tra kiểm soát 24/24h; đến con kiến còn khó lọt vào thì lý gì kẻ trộm có thể đột nhập lấy trộm! Mọi người trong HR2B cũng tỏ ra khá bất ngờ khi nhận tin công ty bị trộm đột nhập. Sau một hồi tìm kiếm, cuối cùng, mọi người mới nhớ ra chiếc camera gắn trên cửa. Khi xem lại băng hình thì thấy kẻ trộm chính là... VS tên Tuấn của Công ty BV Quang Trung. Tối 14.12, Công an P.6, Q.3 (TP.HCM) đã mời Tuấn về trụ sở làm việc và anh ta đã khai nhận toàn bộ hành vi trộm cắp của mình.

Tương tự, do lượng khách ngày càng tăng, Metro ở Q.6 đã chủ động thuê lực lượng VS của Công ty BV Hoàng Gia. Song vào tháng 11.2005, kẻ trộm vẫn đột nhập vào được và lấy 7 chiếc điện thoại đắt tiền. Cuối cùng, qua điều tra, Công ty BV Hoàng Gia tự phát hiện kẻ trộm chính là VS của mình. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Tạ Kiên Cường, cán bộ của Công ty BV Hoàng Gia, cho biết: "Công ty luôn luôn đưa uy tín lên hàng đầu cho nên sau khi vụ việc xảy ra, công ty đã tự điều tra và bắt đối tượng giao cho Công an Q.6 giải quyết, sau đó thì ra quyết định cho thôi việc luôn. Tất nhiên, công ty phải mua lại 7 chiếc điện thoại với giá hơn 30 triệu đồng để bồi thường".

Tháng 11.2005, nhân viên của một công ty chuyên sản xuất linh kiện ô tô trên đường số 19, KCX Tân Thuận (Q.7) đã bắt quả tang một VS nữ của một công ty BV lấy cắp sắt - nguyên vật liệu chế biến của công ty. Lập tức, nữ VS này được cho nghỉ việc. Cùng thời điểm đó, một chủ đầu tư xây dựng công trình khác trên đường Nguyễn Văn Linh (Q.7) cũng đã quyết định cắt hợp đồng bảo vệ trước thời hạn đối với một công ty BV do VS của họ không lo bảo vệ mục tiêu mà lo "chôm đồ nhà"...

"Con dại cái mang", tất cả các trường hợp trên, công ty BV đều phải bỏ tiền ra đền cho khách hàng vì hầu hết các VS dính vào chuyện trộm cắp đều không có khả năng bồi thường. Có công ty BV còn rơi vào cảnh khốn đốn, lao đao, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản...

Vì đâu nên nỗi ?

Theo thống kê của cơ quan công an, hiện TP.HCM có khoảng 80 công ty bảo vệ. Con số này không tăng lên mà còn có dấu hiệu giảm vì thời gian gần đây, không ít công ty đã bị "chết yểu" hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

Một thầy giáo của Công ty BV M.T tiết lộ: "Muốn bắt được trộm và phòng chống trộm hiệu quả thì phải biết kẻ trộm ăn trộm bằng cách nào. Do vậy trước tiên, chúng tôi phải dạy cho VS mọi thủ đoạn mà kẻ trộm sử dụng để đột nhập vào xí nghiệp, công ty, cao ốc, siêu thị... Rồi cách phòng chống tráo tem, đổi nhãn, cách giấu hàng trong người, móc túi, rạch giỏ trong siêu thị kể cả cách nhân viên siêu thị gian lận lấy tiền của siêu thị... ra sao. Chưa đủ, trước khi ký hợp đồng BV, thầy lẫn trò phải tiến hành khảo sát kỹ địa hình, đối tượng khách hàng của siêu thị, xí nghiệp..., từ đó lên phương án BV, làm sao không để xảy ra mất cắp nhằm giữ uy tín cho công ty".

Vị thầy giáo này còn kể cho chúng tôi nghe một số chiêu thức mới mà kẻ gian sử dụng để chôm đồ nhưng đã bị phát hiện, như thợ hồ lấy trộm 1 kg đồng nhét vào bên trong cây thước rỗng, sau đó bịt kín hai đầu; hoặc lấy ốc vít, linh kiện xe hơi giấu trong quần lót, ngậm trong miệng; thậm chí có nữ công nhân bới tóc lên nhét IC điện tử vào... Qua nhiều năm trong nghề, các thầy giáo đào tạo VS đã đúc kết được những kinh nghiệm quý báu cho lính của mình. Chẳng hạn: công ty may mặc thường bị mất trộm chỉ may; sản xuất linh kiện ô tô thì mất ốc, vít, long đền; sản xuất giày dép thì mất keo, hóa chất... Cũng chính vì VS được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp nên mỗi khi VS có ý đồ ăn trộm thì công ty chỉ còn cách... bồi thường.

Lý giải hiện tượng vì sao thời gian gần đây số vụ VS ăn trộm lại có chiều hướng gia tăng, một giám đốc Công ty BV giải thích: "Thứ nhất, số lượng công ty BV không tăng trong khi kinh tế phát triển kéo theo nhu cầu VS tăng cao, từ đó dẫn đến thiếu VS. Nhiều công ty BV thiếu "quân" nên họ tuyển ào ạt, không chọn lọc kỹ. Thứ hai, nhiều công ty cứ quảng cáo lương VS rất cao nhưng khi VS vào làm thật thì không nhận được số tiền lương tương ứng".

Một cán bộ ở Công ty BV khác giải thích thêm: "Do nhiều công ty BV khi tuyển vào không kiểm tra kỹ nhân thân, lai lịch của nhân viên nên dẫn đến trường hợp có một số đăng ký vào làm VS nhằm có điều kiện trộm cắp để ăn chơi. Thêm vào đó, cách bố trí bảo vệ ở những nơi có tài sản nhưng không có đủ lực lượng để giám sát lẫn nhau hoặc không kiểm tra, giám sát bất thường cũng là nguyên nhân xảy ra sự cố".

Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.