“Nghi án” ngộ độc thịt và tiết trăn

28/10/2010 10:16 GMT+7

Một chầu nhậu thịt trăn đã làm vợ chồng ông Nguyễn Văn Thông và bà Trần Thị Mai (chủ nhà) cùng 21 người khách nhiều lần sốt, co giật, phải nhập viện dù hơn hai tháng trôi qua.

Do bệnh kéo dài, chữa trị không hết, không ít người mời “thầy cúng” tận Thanh Hóa vào Gia Lai chữa bệnh.

Cuộc nhậu ám ảnh

Đến giờ ông Nguyễn Văn Hóa, thôn trưởng thôn 7, xã Ia Nhin (Chư Pah, Gia Lai), vẫn ám ảnh bữa nhậu chiều 22-8 ở nhà ông Nguyễn Văn Thông (48 tuổi, cùng thôn). Ông Hóa kể buổi nhậu đó có món thịt trăn trộn làm nộm, tiết trăn pha rượu. Ăn uống xong mọi người vẫn vui vẻ, ai về nhà nấy. Đến ngày 2-9, hơn mười ngày sau bữa tiệc, ông Hóa cùng 22 người ăn thịt trăn đều phải nhập viện. Tất cả đều có chung triệu chứng nhức mỏi cơ bắp, uể oải như có con gì cắn vào xương, đi lại không nổi. Tuy nhiên, chưa nơi nào tìm được nguyên nhân gây bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, anh Luận - một người đi rừng lâu năm - cho biết: chuyện con nưa có chín lỗ mũi, chín cái đầu không phải là thêu dệt. Trên đầu con nưa có tám vết đen hình dáng giống như cái đầu của nó nên người ta mới nói nó có chín cái đầu. Bên cạnh đó, ngoài hai lỗ mũi như những con trăn bình thường, nưa còn có bảy lỗ hô hấp khắp trên cơ thể nên nói nó có chín lỗ mũi. Bề ngoài nưa trông chẳng khác gì trăn nhưng điểm phân biệt chính là mùi của nó rất hôi như xác chết lâu ngày, đứng xa cả chục mét vẫn nhận ra.

Lê Anh

Anh Nguyễn Văn Khánh, 21 tuổi, con trai thứ ba của ông Thông, cho biết sau khi cả nhà chín người ăn thịt trăn vào ngày 22-8, khoảng 21g ngày 1-9 vợ anh Khánh là chị Luyện Thị Cúc và ông Thông đau đầu dữ dội, sốt cao, co giật. Cứ tưởng sốt bình thường nên mua thuốc tây uống, song đến ngày hôm sau những người còn lại trong gia đình và những người khác cùng ăn thịt trăn đều có triệu chứng mệt mỏi, sốt cao, nhiều người còn bị co giật nên đã đi cấp cứu tại bệnh viện ở TP Pleiku, Gia Lai. Riêng vợ chồng ông Thông, bà Mai nằm viện 16 ngày thì về nhà, được mười ngày lại sốt cao phải nhập viện.

Sau khi nhập viện ba ngày, thấy vẫn không hết mệt mỏi ông Thông bỏ về điều trị thuốc nam, bệnh không khỏi, gia đình lại đưa ông nhập viện. Nhưng do các bác sĩ vẫn không tìm ra nguyên nhân gây bệnh, gia đình đã chuyển ông Thông vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM hôm 19-10. Bà Mai, vợ ông Thông, cùng nhập viện Chợ Rẫy, chân tay sưng phù, sức khỏe suy kiệt.

Trăn hay nưa?

Xung quanh việc 23 người ăn thịt trăn đến mười ngày sau mới phát bệnh, dư luận cũng có người thêu dệt không ít chuyện hoang đường.

Người cho rằng đó là con nưa - một loại giống trăn song có độc tính cao, số khác bảo do bắt trúng trăn tinh bị quỷ thần trừng phạt cần phải cúng bái mới khỏi. Ông Lê Thìn - một người cùng bị ngộ độc trong nhóm ăn thịt trăn - cho biết một số người đã mời “thầy” từ Thanh Hóa vào Ia Nhin cúng và cho thuốc uống. 13 người tin tưởng góp tiền mua lễ vật và cam kết nếu điều trị khỏi mỗi người sẽ trả tiền công, tiền thuốc thang cho thầy. Tuy nhiên, sau mấy ngày uống thuốc tất cả đều không thuyên giảm!

Anh Khánh khẳng định việc dư luận cho rằng con trăn đã thịt trong bữa nhậu có chín lỗ mũi, chín đầu là không có, chính anh cùng ba mẹ làm thịt con trăn này thấy nó chỉ có hai lỗ mũi như những con trăn bình thường. Con trăn này được mua với giá 130.000đ/kg, nặng 13,5kg, dài gần 3m.

Khi làm thịt trăn, tiết và mật được lấy pha rượu cho nhiều người cùng uống; thịt, bao tử làm món nộm; còn xương và da sau đó ông Thông nấu được khoảng 7 lạng cao. Mỡ trăn đem rán vẫn đang cất ở nhà. Riêng cao trăn, sau khi cả nhóm người ăn thịt phát bệnh, ông Thông đã mang đi đổ, chỉ còn phần của hàng xóm xin trước đó. Ông Nguyễn Văn Hóa cũng muốn sớm được biết vì sao thịt con vật này có độc mà không phát ngay, đến chục ngày sau mới phát bệnh.

Chưa xác định được nguyên nhân

Chiều 27-10, bác sĩ Nguyễn Anh Tài - trưởng khoa nội thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM - cho biết khoa có tiếp nhận điều trị ông Nguyễn Văn Thông. Bệnh nhân hiện bị yếu liệt các cơ, đã được xét nghiệm chẩn đoán loại trừ một số bệnh. Các xét nghiệm cũng cho thấy sức khỏe bệnh nhân đang ổn định dần, nhưng khi nào hết bệnh thì chưa thể nói vì đến nay vẫn chưa xác định được tác nhân gây bệnh. Nghi ngờ bệnh nhân có thể bị nhiễm một loại ký sinh trùng nào đó nên khoa nội thần kinh đã chuyển ông Thông sang khoa bệnh nhiệt đới để chẩn đoán, điều trị tiếp.

Chiều cùng ngày, bà Trần Thị Mai - vợ ông Thông - cho biết bác sĩ chẩn đoán ông Thông bị yếu cơ, viêm cơ, viêm phổi. Hiện ông Thông có thể co chân lên xuống nhưng vẫn chưa đi lại được.

L.TH.H

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.