Thành công trên xứ người, vẫn muốn về quê hương

31/12/2005 23:15 GMT+7

Lần đầu tiên đặt chân đến Kiev, thủ đô của Ukraine, Tô Hoa Đăng tròn 23 tuổi. Đó là vào năm 1999, 8 năm sau biến cố lịch sử khiến nhiều người Việt sang Ukraine lao động và du học bị kẹt lại ở đây. Đăng thuộc nhóm người Việt trẻ, di cư sang Đông u sau năm 1991, nên anh không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh ảm đạm nơi thành phố có nhiều trường đại học nhất Ukraine. Phố xá Kiev vắng vẻ dưới những hàng cây xác xơ trong mùa thu rụng lá.

Đăng cảm thấy thất vọng và buồn vì anh không hình dung thủ đô của đất nước được mệnh danh là "xanh nhất châu u" lại có vẻ ngoài trông tiêu điều đến thế. Rời Hà Nội sang Ukraine học tại Trường đại học Hàng không Kiev, cảm xúc ban đầu của Đăng về đất nước xa lạ này chỉ gói gọn trong hai chữ "cô đơn".

Sáu năm sau, chàng trai gốc Nam Định giờ đây đang chuẩn bị bảo vệ luận án thạc sĩ ngành Điều khiển không vận. Ukraine cũng đã đổi khác rất nhiều, đất nước này như bừng tỉnh với nhịp sống thời kinh tế thị trường. Cộng đồng người Việt với dân số hơn 8.000 người, chủ yếu phân bố tại hai tỉnh Kharkov, Odessa và thành phố Kiev, cũng hòa vào dòng chảy hối hả của chuyện áo cơm hằng ngày. Qua báo chí, Đăng không khỏi ngạc nhiên khi được biết có nhiều người đồng hương Việt Nam của anh ở Kharkov hay Odessa nay đã trở thành triệu phú đô la. Chuyện thật hay mơ? Khi còn bé, anh đã nghe bố mẹ bàn luận về chuyện hàng ngàn công nhân người Việt lâm vào cảnh thất nghiệp khi các nhà máy bị đóng cửa trên khắp lãnh thổ Ukraine, trung tâm công nghiệp nặng một thời của Liên bang Xô Viết. Ba anh, lúc ấy là phóng viên của Báo Thương Mại, giải thích cho Đăng hay các cơ sở sản xuất ở Ukraine đồng loạt phá sản, không kiếm đâu ra tiền để mua vé máy bay cho công nhân nước ngoài trở về quê quán. Tại Kharkov, những công nhân Việt Nam làm việc trong các dây chuyền sản xuất máy bay, xe tăng, tuốc-bin, ô tô, máy kéo, động cơ diesel... đều phải rời bỏ nhà máy ra đứng chợ  để kiếm sống. Du học sinh mất hẳn những ưu đãi từng được hưởng trước đây và  phải lìa xa giảng đường tìm kế mưu sinh. Vậy mà nay...

Một số doanh nhân gốc Việt đã giàu lên nhanh chóng sau năm 1991. Ban đầu, họ chỉ là những người buôn bán nhỏ ở chợ. Sau đó, nhờ biết nắm bắt thời cơ buôn bán những mặt hàng nhu yếu phẩm như thực phẩm, hàng may mặc rẻ tiền, vốn khan hiếm đến mức cạn kiệt lúc bấy giờ, họ nhanh chóng mở rộng quy mô kinh doanh và trở thành những ông chủ giàu có. Sự hình thành của Tập đoàn kinh tế Technocom là ví dụ điển hình và sống động nhất.


Trần Hùng Đoàn (bìa trái) chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển trong một dịp xúc tiến thương mại
Theo ông Trần Minh Sơn, Phó chủ tịch Hội người Việt ở Kharkov, mối quan hệ hữu hảo với chính quyền địa phương chính là nhân tố góp phần cho việc làm ăn của tập đoàn này được thuận buồm xuôi gió. Hằng năm, họ đóng góp từ 300 - 400 ngàn đô la Mỹ cho các hoạt động công ích và từ thiện, và hiện dẫn đầu về số thuế đóng góp vào ngân sách địa phương với mức 1,5 triệu đô la/tháng. 

Ngoài các thương gia Việt thành công lẫy lừng nơi xứ người như Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam của Technocom, hiện nay tại Ukraine, vẫn còn rất nhiều nhà kinh doanh trẻ người Việt đang từng bước khẳng định mình như trường hợp của Trần Hùng Đoàn. Đoàn mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có đến 15 năm sống và làm việc ở thành phố cảng Odessa, miền Nam Ukraine. Những năm đầu của thập niên 1990, anh khởi sự kinh doanh với vị trí đại diện cho Công ty xuất nhập khẩu Gelexsimco chuyên mua bán sắt thép, máy móc vật liệu... từ Ukraine chuyển về Việt Nam. Sau đó, anh tham gia vào các đường dây tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam và Trung Quốc tại Ukraine. Hai năm gần đây, anh nhảy sang  lĩnh vực kinh doanh bất động sản và du lịch. Trong những dịp về thăm quê nhà, Đoàn nhận thấy ba miền Bắc, Trung, Nam nơi đâu cũng có nhiều cảnh đẹp. Trở về Odessa, anh lập ngay trang web www.vinatlcom.net để làm "trạm" đưa rước khách du lịch - chủ yếu là người Ukraine vào Việt Nam. Theo nhận định của Đoàn, công cuộc đầu tư làm ăn của người Việt Nam tại Ukraine đang đi đúng hướng. Ngày càng có nhiều doanh nhân Việt bỏ tiền mua các nhà máy, xí nghiệp, nhà xưởng và đất đai bỏ hoang từ thời Xô Viết cũ. Sau một thời gian dài làm ăn theo kiểu nhỏ lẻ, cộng đồng người Việt nay đã biết chuyển hướng phát triển kinh doanh bài bản và hợp pháp, chú trọng vào sản xuất tạo ra hàng hóa.

Bà Lương Thị Hoa, tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý kinh tế tại Đại học Moscow năm 1976 và là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nhập khẩu mặt hàng may sẵn có giá thành rẻ vào Ukraine qua cảng Odessa, đánh giá rằng thị trường nước này hiện nay đang có nhu cầu lớn về những mặt hàng có chất lượng cao. Hai năm trở lại đây, một vài mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam như Biti's, Cà phê Trung Nguyên, May Việt Tiến, An Phước... bắt đầu xuất hiện tại các chợ và siêu thị địa phương. Thế nhưng, sự thâm nhập của hàng Việt Nam vào thị trường Ukraine còn quá ít so với khả năng thực tế. 

Chia sẻ nhận định trên của bà Hoa, ông Trần Minh Sơn cho rằng Việt Nam cần có những chính sách ưu đãi cụ thể hơn để tạo điều kiện dễ dàng cho hàng hóa của Việt Nam đến với người tiêu dùng ở Ukraine, đặc biệt là những mặt hàng công nghiệp nhẹ như may mặc và thực phẩm đã qua chế biến.

oOo

Tô Hoa Đăng dự định sẽ trở về Việt Nam ngay sau khi bảo vệ luận văn thạc sĩ vào tháng 3/2006. Sau bao năm đèn sách, anh quyết định sẽ thi tuyển vào làm việc tại Cụm cảng sân bay miền Nam, coi đây là nơi thử sức đầu tiên khi về nước. Tuy vậy, Ukraine đã trở thành quê hương thứ hai của Đăng. Đó là nơi anh được tận mắt chứng kiến sau chừng ấy năm, đời sống của những người đồng bào anh đã có những cải thiện đáng kể và mỗi sự đổi thay đều phải đánh đổi bằng mồ hôi và nhiều khi cả nước mắt. Trong thâm tâm, Đăng vẫn mong có ngày được quay lại nơi đây.

Quỳnh Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.