Benazir Bhutto: Đóa hồng trong bão tố

28/12/2007 01:30 GMT+7

Bà Benazir Bhutto đã theo chân cha mình bước vào chính trường Pakistan và cả hai đã trả giá bằng mạng sống. Người cha bị treo cổ vào năm 1979 và bà Bhutto đã bị bắn chết hôm qua, khi được 54 tuổi.

Con nhà tông

Bà Bhutto sinh ngày 21.6.1953 tại tỉnh Sindh trong một gia đình giàu có 3 đời làm chính trị. Giống như gia đình Nehru-Gandhi ở Ấn Độ, gia đình Bhutto tại Pakistan là một trong những triều đại chính khách nổi tiếng nhất thế giới. Cha của bà Bhutto, Zulfikar Ali Bhutto, là người sáng lập ra đảng Nhân dân Pakistan (PPP). Ông từng làm tổng thống từ 1971 - 1973 và là thủ tướng từ 1973 - 1977. Kể từ sau khi Pakistan tuyên bố độc lập, chính phủ của ông là một trong vài chính phủ không nằm trong tay quân đội. Là con gái lớn của ông Zulfikar Ali Bhutto, bà Bhutto có tiếng học giỏi từ thuở nhỏ: tốt nghiệp tú tài năm 15 tuổi, đậu bằng cử nhân khoa Chính trị Đại học Harvard (Mỹ) năm 20 tuổi, tiếp tục lấy thêm 2 bằng đại học về chính trị - kinh tế và triết học của Đại học Oxford (Anh). Sau khi chuyển sang hoạt động trên chính trường sau cái chết của ông Zulfikar Ali Bhutto, bà Bhutto đã giành được sự tín nhiệm của nhiều người nhờ vào danh tiếng của cha mình. Và bà đã thực sự thành công khi 2 lần làm Thủ tướng Pakistan, từ 1988 đến 1990 và từ 1993 đến 1996. Bà Benazir Bhutto trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Pakistan khi lên nắm quyền vào năm 35 tuổi. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên giữ cương vị này tại một quốc gia Hồi giáo hiện đại.

Bà Benazir Bhutto từng là:


Ảnh: AFP
- Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Pakistan

- Nữ thủ tướng đầu tiên tại một nước Hồi giáo

- Một trong 50 phụ nữ đẹp nhất thế giới do Tạp chí People bình chọn

- 100 chính khách được hâm mộ nhất hành tinh của sách Kỷ lục Guinness

- Nguyên thủ quốc gia duy nhất trên thế giới sinh con khi đang tại chức vào năm 1988

Cứng đầu

Vào lúc đỉnh cao của sự nghiệp, sau khi đắc cử thủ tướng lần đầu, Benazir Bhutto là một trong những nhà lãnh đạo nữ được đánh giá cao nhất trên thế giới. Trẻ tuổi và đẹp một cách quyến rũ, bà thành công khi tạo cho mình một hình ảnh tươi mới, đối chọi lại một chính trường hoàn toàn bị chiếm lĩnh bởi phái mạnh. Theo Hãng tin BBC, bà Bhutto nổi tiếng với tính cách quả quyết và cứng đầu kể từ khi cha bà bị tướng Zia uk-Haq tống giam và bị buộc tội giết người vào năm 1977 sau khi quân đội tiến hành đảo chính. Ông đã bị treo cổ 2 năm sau đó. Bà Bhutto đã bị bắt giam ngay trước khi cha bà bị hành hình và bà đã trải qua gần 5 năm sau song sắt. Đó là thời gian hết sức cực khổ đối với người có xuất thân danh giá như Bhutto. Khi được phép qua Anh chữa bệnh vào năm 1984, bà Bhutto đã lợi dụng cơ hội trên thành lập văn phòng PPP tại London, trở thành thủ lĩnh lưu vong của đảng này và bắt đầu chiến dịch chống tướng Zia. Đến năm 1986, bà trở về Pakistan cùng với sự ủng hộ đông đảo của những người từng mến mộ danh tiếng của ông Zulfikar Ali Bhutto. Sau khi tướng Zia chết trong vụ nổ máy bay năm 1988, bà đã trở thành một trong những nữ thủ tướng được đắc cử thông qua bầu cử dân chủ tại một quốc gia Hồi giáo.

Các cáo buộc tham nhũng

Cả 2 lần ngồi trên ghế thủ tướng, bà đều bị tổng thống bãi nhiệm vì các cáo buộc tham nhũng. Có thể nói những vụ sa thải trên trở thành đặc điểm tiêu biểu trong quãng đời sự nghiệp chính trị đầy sóng gió của người phụ nữ đa tài này. Bà Bhutto đối mặt với ít nhất 5 vụ cáo buộc tham nhũng tại các quốc gia Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Anh và Pakistan nhưng không bị kết tội cho đến khi nhận được lệnh ân xá vào tháng 10.2007. Bà luôn phủ nhận toàn bộ các cáo buộc nhắm vào mình, cho rằng đây là những động cơ thuần túy về chính trị. Sau thất bại của bà ở nhiệm kỳ 2, cái tên Bhutto đôi lúc bị đánh đồng với tham nhũng và lãnh đạo tồi. Cựu thủ tướng đã rời Pakistan sống lưu vong cùng với 3 con tại Dubai (UAE) và Anh vào năm 1999 với các cáo buộc tham nhũng treo lơ lửng. Trong khoảng thời gian này, bà thường xuyên là khách mời của phương Tây. Bà diễn thuyết tại các trường đại học và tổ chức, gặp gỡ với giới quan chức chính phủ các nước. Và điều đáng chú ý là bà tiếp tục lãnh đạo đảng PPP trong thời gian sống lưu vong này.

Trong khoảng thời gian bà trên đỉnh cao của quyền lực, người chồng, Asif Zardari, luôn đóng một vai trò chủ chốt trong chính quyền của bà Bhutto. Ông này đã bị các chính phủ sau này tại Pakistan cáo buộc đã biển thủ hàng triệu USD tiền công quỹ, ăn hối lộ và thanh toán địch thủ của bà Bhutto. Nhiều nhà bình luận cho rằng sự thoái trào của chính phủ bà Bhutto đã bị đẩy nhanh thêm bởi các cáo buộc nhắm vào người chồng. Mặc dù không tòa án nào đã kết tội ông Zardari, nhưng ông này đã trải qua ít nhất 8 năm trong nhà giam. Ông được tại ngoại vào năm 2004.

Những thời điểm bà Bhutto bị đe dọa gần đây

* 18.10.2007: Một vụ đánh bom tự sát trong cuộc diễu hành quy tụ hàng trăm ngàn người tại thành phố Karachi để chào đón sự trở về của bà Benazir Bhutto đã làm thiệt mạng ít nhất 123 người. Hai vụ nổ liền nhau xảy ra gần xe tải chở bà nhưng người phụ nữ từng hai lần làm thủ tướng may mắn thoát chết. Trong cuộc trở về này, bà Bhutto được khoảng 20.000 sĩ quan an ninh bảo vệ. Chính quyền khuyến cáo bà sử dụng máy bay trực thăng để giảm thiểu rủi ro bị tấn công sau khi có những lời đe dọa của các tay súng cực đoan thân Taliban và al-Qaeda nhưng bà không quan tâm đến những mối lo ngại này.

* 23.10.2007: Ông Farook Naik, luật sư của bà Bhutto cho biết bà đã nhận một lá thư đe dọa ám sát mới. Lá thư nặc danh dài 2 trang, được viết bằng tiếng Urdu, dọa sẽ giết bà Bhutto "bằng bất kỳ cách nào". Người viết tự nhận là bạn của al-Qaeda, trùm khủng bố Osama Bin Laden và những kẻ cực đoan ở Pakistan. Ông Naik đã đề nghị Chánh án Tòa tối cao Pakistan yêu cầu Chính phủ Pakistan điều tra lời đe dọa và bảo vệ bà Bhutto.

* 9.11.2007 và 13.11.2007: Bà Bhutto hai lần bị chính quyền Pakistan quản thúc tại nhà của bà ở Islamabad và tại nơi bà cư ngụ ở thành phố Lahore để ngăn bà tham gia các cuộc tuần hành. Chính quyền cho biết một trong những lý do quản thúc là có những âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào bà.

T.Q

Khởi đầu cho một cuộc nội chiến ?

Các nhóm đối lập Pakistan đã lên tiếng cảnh báo vụ ám sát bà Benazir Bhutto có nguy cơ đẩy Pakistan vào một cuộc nội chiến. Báo Manchester Evening News (Anh) hôm qua dẫn lời ông Riaz Malik thuộc đảng Phong trào Công lý Pakistan, tuyên bố: "Hậu quả (của vụ ám sát) sẽ là việc Pakistan càng hỗn loạn. Đó sẽ là sự khởi đầu cho một cuộc nội chiến ở Pakistan". Munib Anwar, thuộc Ủy ban Hành động của các luật sư Pakistan, thì cho rằng hôm qua là một ngày buồn cho Pakistan. "Những hy vọng cho một Pakistan dân chủ đã vỡ nát". Cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif khẳng định đây là thời điểm nghiêm trọng đối với Pakistan. "Chúng ta phải xem xét nghiêm túc tình hình đất nước trong những ngày tới".

Theo Hãng tin BBC, cái chết của bà Bhutto đã đẩy đảng Nhân dân Pakistan (PPP) vào cảnh hỗn loạn và đặt ra những nghi vấn về việc liệu cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới có được tổ chức theo kế hoạch đã định hay không. Nhiều khả năng nó sẽ bị hoãn lại. Đảng PPP là đảng nhận được sự ủng hộ lớn nhất của bất kỳ đảng phái nào ở Pakistan. Mỹ là nước đi đầu trong việc thu xếp một sự liên minh giữa bà Bhutto với Tổng thống Pervez Musharraf, người đã từ chức tổng tư lệnh quân đội đầu tháng 12 dưới sức ép của Mỹ, nhằm đưa Pakistan trở lại dân chủ. Tuy nhiên, bà Bhutto đã bị ám sát ở một Pakistan vẫn đầy rẫy bất ổn dưới sự lãnh đạo ngày càng độc đoán của ông Musharraf. Điều đó cũng có nghĩa là Mỹ sẽ phải điều chỉnh kế hoạch dành cho Pakistan và đây sẽ là một thách thức không nhỏ cho Washington.

T.Q

T.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.