Rộn ràng lập hội trên Facebook

31/12/2010 09:36 GMT+7

Một trong những tính năng của Facebook đang khiến teen Việt “điên đảo” là cho phép lập hội trực tuyến (thường gọi là tạo club hoặc group).

Chỉ cần gõ từ khóa “hội” trên khung tìm kiếm của Facebook, chúng tôi nhanh chóng nhận được vô số kết quả trả về.

Ghét đào đường cũng thành hội

Dạo một vòng các trang trên, không khó để bất kỳ ai cũng nhận thấy sự đa dạng, đầy sắc màu và cá tính riêng của từng hội. Dạng tích cực thì có Hội những người yêu sự trong sáng của tiếng Việt, Hội những người giúp nhau học tiếng Anh, Mẹ là tất cả... Dạng vô thưởng vô phạt thì có Hội những người độc thân nhưng sốt ruột, Hội những người muốn kết bạn với người sinh cùng ngày, Hội những người yêu hết mình rồi chia tay bất thình lình, Hội những người độc thân vì quá đẹp... D

ẫu khác nhau về tính chất nhưng hầu hết các hội đều có điểm chung là sở hữu số lượng thành viên rất đông. Một số hội có lượng thành viên lên tới hàng chục ngàn như: Hội những người muốn kết bạn với người sinh cùng ngày, Hội những người yêu hết mình rồi chia tay bất thình lình...

“Các bước để lập một hội trên Facebook khá đơn giản nên bất kỳ ai cũng có thể làm được. Tôi cũng muốn có một nơi để giao lưu, trò chuyện cùng những người chung sở thích, ý tưởng với mình...”, Ngọc Yến (Đại học Hoa Sen TP.HCM) chia sẻ với chúng tôi lý do mà cô cho ra đời cùng lúc... bốn hội trên Facebook!

Hoàng Minh (Đại học Kinh tế TP.HCM) tham gia Hội những người giúp nhau học tiếng Anh với quan điểm: “Khi muốn tìm những người bạn cùng chí hướng thì chúng tôi sẽ chủ động lập ra hoặc đi tìm các hội, nhóm phù hợp để tham gia”.

Thẳng thắn hơn, Triệu Minh (học sinh một trường cấp III tại Q.1, TP.HCM) cho biết lý do tham gia Hội những người ghét đào đường là bởi không chịu nổi tiếng ồn và sự ô nhiễm của những lô cốt đang được thi công gần nhà.

Theo số liệu của Hãng truyền thông ZenithOptimedia, tới tháng 7-2010 số lượng người sử dụng Facebook ở Việt Nam đã vươn tới con số hàng triệu và trở thành mạng xã hội có tốc độ phát triển nhanh nhất tại đây. Gần 95% trong số này có độ tuổi dưới 30.

Tất cả cho thấy Facebook hiện là một trong những yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất đến đời sống giới trẻ Việt.

“Tôi không biết phải trút cơn bực vô đâu nên chỉ biết lên hội Facebook này để xả. Cảm xúc sau đó cũng nguôi ngoai phần nào khi được sẻ chia và nghe được nhiều câu chuyện đồng cảnh ngộ khác” - Minh tâm sự.

Theo một số du học sinh, sự xuất hiện các hội du học sinh hoặc hội cựu sinh viên - học sinh trên Facebook là rất cần thiết. Quang Phước (Đại học De Anza, Mỹ) cho rằng nếu biết tận dụng tối đa các chức năng của Facebook thì những hội trên sẽ giúp rất nhiều cho việc trao đổi thông tin, bài vở giữa người đi trước và đàn em. Trường Sơn (cựu học sinh Trường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) cũng thường xuyên vào trang Facebook của hội cựu học sinh để cập nhật tình hình hoạt động của ngôi trường xưa.

Một số bạn trẻ khác khẳng định các hội, fan club (câu lạc bộ những người hâm mộ) trên Facebook giúp khoảng cách giữa thần tượng và fan xích lại gần nhau hơn. Đối với những bạn trẻ mới tập tễnh vào con đường nghệ thuật hoặc muốn quảng bá hình ảnh của mình, việc tạo và tham gia các hội trên là “vô cùng cần thiết”, như lời tâm sự của Quang Minh (tác giả tập truyện Gia tài tuổi 20) với Nhịp sống trẻ: “Những hội này hoạt động không tốn kém nhưng sức lan tỏa rộng, bởi tầm kết nối không chỉ trong nước mà còn ra quốc tế”.

Trường hợp ca sĩ Uyên Linh, Đăng Khoa trong mùa Vietnam Idol 2010 là những minh chứng rõ ràng nhất.

Sự xuất hiện các hội ở Facebook với nhiều ưu điểm như trên cũng góp phần mở rộng và làm đa dạng thêm sân chơi về mặt tinh thần cho giới trẻ Việt.

Những điểm trừ

Nếu như năm năm trước, tờ nhật báo có tiếng dành cho giới sinh viên The Daily Orange (New York) từng có một bài viết khá dài để ca ngợi chức năng cho phép lập hội của Facebook... thì tác giả bài báo bây giờ có lẽ đang ray rứt, trăn trở về nhiều điều mà ông không thể ngờ tới.

“Hết sức nhảm nhí! - Hoàng Minh không giấu được vẻ bức xúc khi xem qua một số hội thuộc “danh sách đen” trên Facebook - Tôi thật sự không hiểu tại sao nhiều bạn trẻ lại tham gia các hội mà nghe qua tên đã thấy choáng như: Hội những bạn trẻ đi học chỉ để điểm danh, Hội thích vẽ bậy trong sách giáo khoa... Những hình ảnh được đăng trên Hội thích vẽ bậy thực chất rất dung tục khiến ai thấy đều bị sốc và bất bình”.

Anh Tuấn Minh (cán bộ một ngân hàng quốc tế) lại bày tỏ sự lo lắng khi nói về một số hội trên Facebook mà anh có dịp tìm hiểu. Anh phân tích: “Hầu hết các bạn trẻ đều chưa ý thức được đằng sau việc tham gia các hội này sẽ có lợi, hại như thế nào”.

Anh cho biết ở nước ngoài đã có rất nhiều trường hợp sinh viên bị gạt khỏi danh sách cấp học bổng đầu vào của các trường đại học, nhân viên bị dừng hợp đồng... bởi nhà tuyển dụng phát hiện những người này là thành viên một số hội không đàng hoàng trên Facebook.

Trang web Militarysos.com và một số kênh truyền thông nước ngoài cũng từng nhiều lần cảnh báo về tình trạng các hội trên Facebook được lập với mục đích trục lợi, và đích nhắm cuối cùng vẫn là những bạn trẻ ngây thơ, non nớt.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.