Tái hiện Yên Tử 700 năm trước

28/12/2006 22:21 GMT+7

Những ngày này, ở Khu di tích Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) đang diễn ra một sự kiện quan trọng: Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh đúc mới và dựng ngôi chùa Đồng trên đỉnh cao 1.068 mét của dãy Yên Tử. Đây được xem như hoạt động đầu tiên trong việc tái hiện một không gian Yên Tử gần giống như những gì đã diễn ra ở đây hơn 700 năm trước.

Có nhiều ý kiến về nguồn gốc chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử. Đa số ý kiến cho rằng vào thời Lê - Trịnh, một bà phi của chúa Trịnh đã làm công đức đúc chùa bằng đồng. Năm Canh Thân 1740 có cơn bão lớn, chùa bị bạt mái, kẻ gian sau đó đã dỡ trộm mất phần còn lại của chùa Đồng. Đến năm 1993, một Việt kiều Mỹ đã dựng một chùa Đồng nhỏ như cái khám thờ. Hơn mười năm nay, trên đỉnh núi có hai ngôi chùa nhỏ, một bằng đồng, một bằng bê tông, cả hai đều nhỏ và không xứng với danh thiêng Yên Tử.

Chùa Đồng mới do Công ty TNHH xây dựng mỹ thuật Hà Nội thực hiện và được đúc, lắp dựng bởi những nghệ nhân ở Ý Yên, Nam Định. Ngôi chùa có giá trị đầu tư tới 21,5 tỉ đồng, khối lượng lên tới hơn 60 tấn, gồm hơn 2.000 chi tiết đúc bằng đồng đỏ nhập từ Đức, pha với hàng chục lượng vàng do phật tử thập phương công đức trong những ngày nấu đồng đúc chùa.

Đến nay, toàn bộ kết cấu chính chùa Đồng mới đã được dựng trên đỉnh núi. Theo Đại đức Thích Thanh Quyết, người đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam theo dõi dự án này, chùa Đồng sẽ được khánh thành trước Tết Nguyên đán. Đó sẽ là một công trình để lại cho nhiều đời sau như tâm nguyện của những người thực hiện.

Một thông tin đáng quan tâm nữa: Tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương cho Công ty Tùng Lâm, đơn vị đang khai thác cáp treo Yên Tử được quản lý và khai thác toàn bộ hoạt động dịch vụ ở Yên Tử.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Quý, Phó giám đốc công ty này cho hay, Tùng Lâm sẽ quy hoạch lại toàn bộ khuôn viên khu vực bến xe Giải Oan để làm một công viên lớn. Toàn bộ các hàng quán cũng sẽ được quy hoạch và xây dựng lại trước khi giao cho các hộ kinh doanh theo định hướng.

Toàn bộ các nhà nghỉ, quán hàng trên đường hành hương cũng sẽ được xây mới thay cho các quán lá, nhà tôn tạm bợ và phản cảm hiện thời. Đặc biệt, trong khuôn viên Yên Tử, Tùng Lâm sẽ kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, chữa bệnh, các vườn thuốc giống như những gì mà các vua Trần đã làm thuở trước.

Trước mắt, một đường cáp treo nối khu chùa Một Mái lên khu tượng An Kỳ Sinh sẽ được động thổ ngay trong năm 2007 và giống như tuyến cáp trước, tuyến cáp này cũng sẽ không làm mất đi vẻ tôn nghiêm của Yên Tử để phục vụ mùa lễ hội 2008.

Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.