Khó thực hiện ngay việc phạt ghe, đò

30/12/2008 11:41 GMT+7

Từ 1-1-2009 các cơ quan hữu quan sẽ kiểm tra các phương tiện giao thông thủy (ghe, đò, sà lan, tàu, thuyền, bè…) không đăng ký, đăng kiểm an toàn. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, hiện cả nước còn hàng trăm ngàn phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm.

Theo Cục Đăng kiểm VN, việc kiểm tra và xử phạt trên được thực hiện theo nghị quyết 32 ngày 29-6-2007 của Chính phủ, quy định từ ngày 1-1-2009 đình chỉ hoạt động các phương tiện giao thông thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm theo quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa.

Ông Nguyễn Thanh Dũng - giám đốc Trung tâm Đăng kiểm thủy nội địa TP.HCM - cho biết đã tổ chức nhiều đợt phổ biến quy định mới về kiểm định phương tiện thủy. Trung tâm còn cử cán bộ kiểm định đến tận nhà dân để kiểm định phương tiện. Tính đến 25-12 đơn vị đã  kiểm định được 764/889 phương tiện. Theo ông Dũng, nhiều người không muốn kiểm định phương tiện vì cho rằng chỉ sử dụng để đi  làm ruộng, thăm đồng hoặc đi lại thăm bà con. Bên cạnh đó có những người quá nghèo không có tiền kiểm định phương tiện. Bởi phí kiểm định thấp nhất từ 120.000 - 300.000 đồng/lần, và cứ sáu tháng đến một năm kiểm định một lần tùy theo chất lượng vỏ tàu... nên một số bà con không kham nổi!

Đến tháng 8-2008, cả nước có 806.598 phương tiện giao thông thủy. Trong tổng số 758.167 phương tiện ở khu vực phía Nam, có 445.729 phương tiện chưa đăng ký và 382.324 phương tiện chưa đăng kiểm. Mới có 11.315 người có chứng chỉ /425.770 phương tiện và mới có 11.345 có giấy chứng nhận lái /394.322 phương tiện.

(Nguồn: Cục Đăng kiểm VN)

Kiểm định chậm

Với những phương tiện thuộc nhóm không bắt buộc đăng ký và đăng kiểm, nhưng quy định người lái phương tiện phải có chứng chỉ lái phương tiện và giấy chứng nhận học Luật giao thông thủy thì nhiều địa phương lại  chưa tổ chức việc đào tạo, cấp chứng chỉ, chứng nhận cho người lái phương tiện.

Cục Đăng kiểm VN cho biết đến cuối tháng 8-2008 trong 13 tỉnh và TP phía Nam, có nhiều địa phương thực hiện kiểm định phương tiện thủy đạt rất thấp. Như Cà Mau mới kiểm định được 13.345 phương tiện, dự kiến đến cuối tháng 12-2009 mới hoàn thành đăng kiểm cho hơn 80.000 phương tiện còn lại. Tương tự các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre... dự kiến đến cuối năm 2009 mới hoàn thành kiểm định phương tiện. Riêng Sóc Trăng dự kiến đến năm 2012 mới hoàn thành kiểm định cho hơn 24.000 phương tiện. Lý do đề nghị kéo dài thời gian đăng kiểm là số lượng phương tiện quá lớn, đang hoạt động trên địa bàn sông nước quá rộng, hoặc do các cơ quan chức năng địa phương chưa xử lý quyết liệt phương tiện thủy chưa kiểm định.

Ông Trịnh Đức Chinh - cục phó Cục Đăng kiểm VN - cho biết nhiều địa phương đề nghị lùi lại thời gian kiểm định. Tuy nhiên, theo nghị quyết 32 của Chính phủ, từ 1-1-2009 các cơ quan hữu quan vẫn sẽ kiểm tra, xử lý các phương tiện thủy bắt buộc phải có giấy chứng nhận đăng ký và giấy chứng nhận kiểm định mà không có.

Làm từng bước

Trung tá Phan Văn Mẫn, phó đội trưởng đội hướng dẫn luật lệ, điều tra xử lý tai nạn thuộc Phòng CSGT đường thủy (PC25) Công an TP.HCM, cho biết hiện nay người dân TP đã thực hiện tương đối tốt việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện. Phần lớn phương tiện lưu thông trên địa bàn TP không có đăng ký, đăng kiểm là của các tỉnh, thành khác, chủ yếu là các tỉnh miền Tây Nam bộ. Số lượng phương tiện vi phạm lỗi này nhiều nhưng lực lượng của PC25 rất mỏng, do vậy phải xác định làm từng bước.

PC25 sẽ tập trung kiểm tra các tuyến kênh rạch, sông từ hướng các tỉnh miền Tây Nam bộ trước. Hiện PC25 có ba đội, trạm đóng ở cửa ô TP thuộc các tuyến sông, kênh, rạch chính từ miền Tây vào TP để kiểm tra, xử lý. Các đội, trạm này cũng thực hiện chức năng tuần tra lưu động. Thời gian đầu sẽ tập trung kiểm tra xử lý các phương tiện có tải trọng trên 1 tấn; các phương tiện nhỏ, gia dụng sẽ nhắc nhở để người dân đảm bảo an toàn theo quy định.

Trung tá Mẫn nói thêm theo quy định của pháp luật, ngoài CSGT đường thủy còn có thanh tra giao thông đường thủy thực hiện việc kiểm tra, xử lý các phương tiện tham gia giao thông vi phạm. Lực lượng cảng vụ nội địa cũng có quyền kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm trong phạm vi cảng, bến nội địa. Các đơn vị này đều có chức năng xử phạt và có thể áp dụng các biện pháp như tạm giữ phương tiện để đảm bảo chủ phương tiện phải chấp hành.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Tuấn (cục trưởng Cục CSGT đường thủy): Hỗ trợ người dân làm theo luật

 

Nghị quyết 32 đã quy định từ 1-1-2009 sẽ kiểm tra xử phạt các phương tiện thủy chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm. Tuy nhiên, trước thực tế có khoảng 90% phương tiện thủy từ 15 tấn trở xuống chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm hoặc chưa có chứng chỉ hành nghề, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Công an đã đề nghị Chính phủ chưa thực hiện. Theo đó, Chính phủ ban hành nghị quyết 05-2008 giao cho Bộ GTVT đề xuất lộ trình thực hiện. Hiện nay, Bộ GTVT đang nghiên cứu xem xét lộ trình có thể kéo dài đến năm 2010 hoặc thời gian sau đó.

Vấn đề chính hiện nay là ngành GTVT phải tổ chức tuyên truyền giáo dục người dân, ngành công an góp phần hỗ trợ bà con thực hiện đăng ký, đăng kiểm và học Luật giao thông. Vừa qua, nhiều địa phương đã miễn thuế trước bạ để người dân đăng ký phương tiện hoặc không thu lệ phí đăng ký như An Giang, Bến Tre, Cà Mau...

Trách nhiệm của ngành công an là kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân chấp hành luật pháp. Theo đó, trước mắt là nhắc nhở bà con thực hiện đúng quy định, nhưng những người cố tình không thực hiện sẽ bị xử lý. Với những người quá nghèo, ngành đăng kiểm cần xem xét giảm phí đăng kiểm để bà con có điều kiện kiểm định phương tiện.

Theo P.M.Đức - Ngọc Ẩn / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.