Nước mắt người ở lại

30/12/2009 11:12 GMT+7

Vợ chồng bà Huỳnh Thị Minh Tánh bán chè mưu sinh ở ngã tư thị trấn Bến Cầu (Tây Ninh). Gần đây, đêm nào bà Tánh cũng khóc, có lúc bà thẫn thờ, đi ra đường vắng như để tìm con rồi nghẹn ngào: “Con tôi đã hi sinh khi đang thi hành nhiệm vụ...”.

Trong nắng trưa cuối năm khô khốc, người mẹ ấy bảo: “Tôi đã vào công an huyện nhận thi thể con, còn bây giờ tôi lại đóng tiền trả góp cho cái chết của đứa con thân yêu...”.

Con đường vào nhà bà Tánh ở khu phố 1, thị trấn Bến Cầu, huyện Bến Cầu vắng lặng. Căn nhà của bà cũng đìu hiu, gần một năm qua tắt hẳn tiếng cười đùa khi con trai duy nhất của vợ chồng bà - thượng sĩ Nguyễn Huỳnh An Khang - đã hi sinh khi đang thi hành nhiệm vụ.

Đêm định mệnh

Đêm 24-2-2009. Sau khi nhận được mệnh lệnh của chỉ huy, anh em chia thành năm tổ công tác truy bắt một nhóm tội phạm hình sự đang hoạt động gây bức xúc cho người dân huyện Bến Cầu. Đây là nhóm đối tượng nguy hiểm chuyên trộm cắp tài sản của người dân bằng cách thuốc chó, khoét vách đào tường rồi đột nhập vào nhà hành hung, cướp giật tài sản.

Thượng sĩ Nguyễn Huỳnh An Khang và hạ sĩ (hiện nay là trung sĩ) Trần Thành Đạt được phân công nhiệm vụ phục kích trên đường đất đỏ Long Chữ. Canh đêm trong rừng cao su, khi thấy đồng đội có dấu hiệu mệt mỏi, Khang động viên: “Đừng ngủ nhé em, bọn này rất liều lĩnh, phải tập trung bắt cho bằng được”.

Đúng như tính toán, tổ công tác của Khang và Đạt phát hiện và truy đuổi trên đoạn đường dài. Khi cách đối tượng hơn 10m, do cố gắng vượt nhanh, gặp khúc đường lồi lõm Đạt mất thăng bằng và té xe rất nặng. Trời tối đen, Đạt vội vã dùng ánh đèn điện thoại tìm kiếm đồng đội thì thấy anh Khang thở thoi thóp, máu chảy ở vùng đầu rất nhiều nhưng tay vẫn giữ chặt khẩu súng AK...

Anh Đạt tâm sự trong nước mắt: “Tôi rất lo lắng, ôm anh Khang vào lòng và kêu người đến cứu. Nhưng khoảng 3g sáng 25-2-2009, anh đã vĩnh viễn ra đi”. Đạt cho biết thêm anh Khang là một đoàn viên ưu tú sắp được kết nạp Đảng, là tấm gương về người chiến sĩ công an mẫu mực. Anh hi sinh để lại sự tiếc thương cho gia đình, bạn bè và đồng đội.

Nhắc đến người em trai mãi ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, cô giáo Nguyễn Huỳnh An Vi (chị gái Khang) đỏ hoe mắt: “Ba làm bảo vệ, mẹ bán quán chè nhỏ lề đường. Nhà chỉ có hai chị em, cuộc sống gia đình dù gặp nhiều khó khăn nhưng vui lắm bởi ai cũng biết cách sống vui, sống khỏe, sống có ích. Tuổi thơ của chúng tôi dù có nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng đầy ắp tình yêu thương.

Đó là những lần hai chị em đi nhặt ve chai để dành tiền nuôi heo đất, rồi những lần em giành đi bán chè phụ mẹ để tôi ở nhà tập trung học bài cho kỳ thi cuối cấp... Tôi nhớ những lần nhịn ăn sáng để có tiền mua tặng em một món quà, rồi cả khi em lém lỉnh đề lên quyển sổ tay của tôi dòng chữ “Mến tặng chị hai nhân ngày 8-3”, vì em không có tiền để mua quà tặng tôi. Khang ngoan và hiền lành lắm...”.

Mấy tháng nay, nhìn dáng ba hốc hác, ít nói, cô giáo trẻ ấy hiểu nỗi đau không nước mắt là thế nào. Những tiếng khóc của mẹ về đêm làm cô nhói lòng. Người chị ấy thú thật chưa tìm được một lời an ủi nào cho người vợ sắp cưới của em trai mình khi cô ấy ngày nào cũng đến thắp nhang và khóc nức nở. Người chị ấy cũng không trả lời được những câu hỏi của hai đứa con: “Mẹ ơi, sao lâu quá Út không đi đón con? Sao Út không về dắt con đi thả diều?...”.

Còn bà Tánh khi nhắc đến tên con, người mẹ ấy chỉ biết mếu máo như đứa trẻ bởi đôi mắt ấy tưởng chừng không còn giọt lệ để rơi. Bà thều thào đứt quãng từng câu: “Khang ơi, mất tiền, mất của còn tìm lại được, mẹ mất con rồi biết tìm ở đâu? Mẹ vẫn còn nhiều điều chưa làm được cho con. Con đi, nỗi đau để lại cho người bạn gái đã quen sáu năm mà mẹ cứ mãi bán chè không đủ tiền cưới...”.

Trả góp đám tang(!)

Khoảng cuối tháng 11-2009, sau chín tháng Khang hi sinh, Công an huyện Bến Cầu gửi lời mời qua điện thoại để thông báo số tiền phải nộp cho chi phí đám tang của thượng sĩ Khang.

Người cha tội nghiệp Nguyễn Hồng Ngự vào cơ quan công an để tìm hiểu thêm, xin “hóa đơn chi phí lễ tang để biết mà đóng” thì chỉ nhận được thông báo miệng: nào là áo quan, xây mả, bánh trái, bóng đèn, dây điện... khoảng 30 triệu đồng gì đó. Cơ quan lo cho một ít, còn số tiền 21.553.000 đồng gia đình phải hoàn lại”.

Cô giáo An Vi cúi đầu bảo: “Nhìn mẹ tất bật chạy vạy, xoay xở để có tiền nộp mà đau xé lòng. Mẹ nói định bán mấy đồ vật trong nhà như tivi, tủ lạnh và máy giặt mà con rể mua tặng nhưng người ta mua lại giá rẻ quá. Bán hết chỉ khoảng 3 triệu đồng, nếu bán thêm cả chiếc xe máy Trung Quốc mà em tôi hay chạy trước đây thì có thêm 3 triệu nữa. Như thế vẫn còn thiếu nhiều quá. Gánh chè của mẹ mỗi ngày lời vài chục ngàn đồng còn lương tháng của ba khoảng 900.000 đồng. Thôi thì xin cơ quan cho nộp từ từ, gom góp được bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, đến khi nào hết thì thôi”.

Người mẹ cay đắng: trước ngày đi trả góp đầu tiên, phải đập ống heo của cháu ngoại thêm 500.000 đồng. Hôm vào Công an huyện Bến Cầu xin nộp trước số tiền 6.553.000 đồng (còn thiếu 15 triệu), một cán bộ tỏ vẻ không hài lòng. Bà nói với vẻ mặt buồn rười rượi: “Đó là lần thứ hai tôi vào cơ quan, lần trước đi nhận thi thể con, còn lần này đến để nộp tiền chi phí đám tang cho nó…”.

Hôm chúng tôi tìm đến, người yêu của Khang, chị Trần Thị Kiều Diễm, ròng ròng nước mắt: “Đêm đó gần 22g, anh Khang rủ em đi ăn tối. Hai đứa vừa ăn được vài muỗng bánh canh thì anh được lệnh đi công tác, chưa uống kịp lon nước yến em mua. Đến giờ em còn giữ lon nước yến của anh. Tụi em dự định cuối năm nay sẽ làm đám cưới… ”.

Bên quán chè ven đường, người mẹ cứ nhìn và thủ thỉ bên cái ghế gỗ của đứa con trai mua cho bà nằm đỡ lưng: “Hồi còn sống, thấy tôi buôn bán cực khổ nó bảo tôi ráng lên, mai mốt làm có tiền nó không cho tôi bán bưng kiểu này nữa. Nắng thì còn đỡ, chứ mỗi lần trời mưa là nó khóc thương mẹ…”.

Chị gái của Khang nói như nghẹn: “Em trai tôi còn trẻ lắm, chưa kịp có một người vợ, một đứa con. Em ra đi, nỗi đau để lại cho những người còn sống. Gia đình tôi cứ mong một sự sẻ chia, một lời động viên an ủi để cuộc sống thêm niềm tin và hi vọng…”.

Thượng tá Dương Văn Thủy (trưởng Công an huyện Bến Cầu):

“Thượng sĩ Khang là một đoàn viên ưu tú, đang trong diện xem xét kết nạp Đảng. Anh rất nhạy bén trong nhiệm vụ được giao phó và đã được cấp nhiều giấy khen. Sau khi anh hi sinh khi đang thi hành nhiệm vụ, anh em có ứng tiền đứng ra tổ chức an táng giúp gia đình. Tổng cộng chi phí hơn 30 triệu đồng, gia đình anh Khang phải nộp lại hơn 21 triệu vì sau khi bàn họp, cơ quan quyết định hỗ trợ gia đình 10 triệu đồng.

Còn chế độ Khang được hưởng đều gửi về nhà, đó là 10 triệu đồng bảo hiểm tai nạn và 10 triệu đồng bảo hiểm xe. Chúng tôi đã đề nghị công nhận liệt sĩ, được công an tỉnh đồng ý và hiện chờ bộ giải quyết”.

Ông Nguyễn Hồng Ngự sửa soạn mọi dụng cụ bán chè chất lỉnh kỉnh lên chiếc xe lôi, giọng buồn buồn: “Gia đình tôi có nhận 10 triệu đồng bảo hiểm xe của cháu Đạt (người chở Khang truy bắt tội phạm) và 10 triệu đồng bảo hiểm của con trai. Hai khoản này đến nay đã chi cho đám tang, cúng kiếng sau đó. Chính quyền địa phương nơi con tôi công tác chắc đã làm tròn trách nhiệm. Gia đình tôi chỉ buồn vì chuyện mất đứa con trai duy nhất, còn chuyện đóng tiền theo yêu cầu thì phải đóng thôi...”.

Theo Sơn Bình (Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.