10 vụ tham nhũng điển hình trong 10 năm qua

26/12/2004 11:38 GMT+7

Đây là những vụ án vừa được Bộ Công an đánh giá là đáng chú ý trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 15 của Bộ Chính trị và Quyết định số 114 của Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng và buôn lậu.

Riêng ba vụ tham nhũng quy mô lớn tại Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, Bộ Thương Mại và Công ty Xăng dầu hàng không (phát hiện năm 2004) gây thiệt hại nghiêm trọng, nhưng do chưa kết thúc điều tra, lại được phá vào năm thứ 11 triển khai 2 văn bản trên nên không được đưa vào 10 vụ điển hình.

* Vụ đường dây 500 KV Bắc - Nam. Một số đối tượng thuộc Công ty Vinapol (Hội hữu nghị Việt Nam - Ba Lan) đã móc ngoặc với Ban A, Công trình đường dây 500 KV thông qua mua bán lòng vòng 4.000 tấn sắt thép làm đường dây để thu lợi bất chính trên 3,1 tỷ đồng. Kết quả, đã truy tố Bộ trưởng Năng lượng, một thứ trưởng, 2 phó tổng giám đốc, 2 phó giám đốc và một số đối tượng liên quan, thu hồi 3,1 tỷ đồng.

* Vụ Công ty Dệt Nam Định. Ban lãnh đạo, kế toán trưởng Công ty Dệt Nam Định và nhiều đối tượng liên quan cố ý làm trái, tham ô hàng chục tỷ đồng. Đã truy tố 23 bị can, trong đó có 2 tổng giám đốc, 1 kế toán trưởng.

* Vụ khách sạn Bàn Cờ. Nguyễn Đăng Khoa (phó chủ tịch UBND quận 3, TP HCM), Nguyễn Văn Châu (Giám đốc Công ty Vật tư quận 3), Nguyễn văn Phương (kế toán trưởng khách sạn Bàn Cờ, Nguyễn Thái Học, Hà Nội)... đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan để tham ô, cố ý làm trái 14 tỷ đồng thông qua việc mua sắm vật tư, xây dựng khách sạn Bàn Cờ. Các đối tượng trên đã bị tuy tố, xét xử.

* Vụ tiêu cực tại Công ty Tamexco. Giám đốc Phạm Huy Phước và các đối tượng liên quan đã đưa và nhận hối lộ, gây thất thoát gần 100 tỷ đồng của nhà nước. Phước và một đối tượng khác đã bị tử hình. Số còn lại bị tù giam.

* Vụ ăn hối lộ tại trạm kiểm soát liên hợp Đồng Bành (Lạng Sơn). Trạm trưởng Lưu Văn Nhịp đã thông đồng, cho các chủ hàng nhập lậu hàng hóa qua biên giới. Trong một ca trực, trạm thu 380 triệu đồng tiền "làm luật" của các chủ hàng. 29 đối tượng liên quan bị khởi tố, truy tố. Trong đó có cục trưởng và hai cục phó Cục Thuế Lạng Sơn, thu giữ trên 1 tỷ đồng là tang vật của vụ án. Liên quan đến vụ án, Phó bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn bị cách chức.

* Vụ Công ty Pin ắc quy Vĩnh Phú. Giám đốc Hoàng Quốc Vinh câu kết với 2 phó giám đốc và một cán bộ ở công ty khác lập quỹ trái phép, tham ô, gây thiệt hại 16,9 tỷ đồng.

* Vụ tham ô do Lã Thị Kim Oanh tổ chức. Giám đốc Công ty Tiếp thị đầu tư Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lã Thị Kim Oanh được sự giúp đỡ của một số quan chức, cán bộ trong công ty đã cố ý làm trái, tham ô gây thiệt hại cho nhà nước trên 100 tỷ đồng. Lã Thị Kim Oanh bị tuyên án tử hình, 2 nguyên thứ trưởng và 2 nguyên vụ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phải nhận án tù.

* Vụ Xí nghiệp Xây dựng công trình giao thông. Bằng thủ đoạn lập chứng từ khống, một số cán bộ, lãnh đạo Xí nghiệp xây dựng Công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải) đã gây thiệt hại cho nhà nước 26 tỷ đồng, trong đó tham ô 15 tỷ đồng. Vụ án đang điều tra mở rộng.

* Vụ Xí nghiệp xây dựng số 2. Phạm Văn Tạo (Phó giám đốc Xí nghiệp xây dựng số 2, Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp) và đồng bọn đã tham ô 5 tỷ đồng trong quá trình thi công 8 công trình tại 2 tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh thông qua việc lập khống hóa đơn, chứng từ. Vụ án đã khởi tố, đang điều tra mở rộng.

* Vụ thu chi trái nguyên tắc ở xã Thuận Hưng, Thốt Nốt, Cần Thơ. Nguyễn Quang Hải (bí thư Đảng ủy); Võ Trúc Khanh (chủ tịch); Nguyễn Hữu Đức (phó chủ tịch); Nguyễn Tấn Lợi (thủ quỹ), Nguyễn Thành Phương (trưởng ban tài chính); Huỳnh Trọng Khải (cán bộ tài chính) của xã Thuận Hưng, Thốt Nốt, Cần Thơ đã thu tiền của dân nhưng không ghi biên lai tài chính. Họ để ngoài sổ sách, chi sai nguyên tắc số tiền rất lớn, trong đó tham ô 2,95 tỷ đồng và 339 chỉ vàng.

Theo SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.